Nngười tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn. |
Trái với suy đoán của nhiều người, giá sữa đang có xu hướng tăng, mức tăng thấp nhất cũng lên tới 10% trong tháng tới. Giám đốc một đơn vị sản xuất sữa cho biết phía nước ngoài đã thông báo mức giá nguyên liệu tăng khoảng 40%, từ tháng 1/2007.
Theo lộ trình cam kết với WTO, VN chỉ cắt giảm thuế nhập khẩu các loại sữa thành phẩm 5% trong vòng năm năm tới, mức thuế còn lại vẫn khá cao với 25%. Riêng nguyên liệu sữa bột, hiện VN phải nhập khẩu khoảng 80%, tuy thuế nhập khẩu sẽ giảm ngay trong hai năm tới nhưng cũng chỉ giảm có 2%, còn 18%.
Theo các nhà kinh doanh sữa, ngay từ đầu năm 2005 khi thuế suất nhập khẩu sữa từ khu vực mậu dịch tự do ASEAN giảm xuống còn 5%, hàng loạt nhãn hiệu sữa trong khu vực đã tràn vào VN. Đến thời điểm này, hầu hết những nhà sản xuất sữa tên tuổi đều đã có mặt tại thị trường VN nhưng giá sữa vẫn không giảm. Giải thích hiện tượng này, bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Công ty Sữa VN (Vinamilk) - cho biết 80% nguyên liệu sữa sản xuất trong nước (kể cả sữa bột và sữa nước) là từ nguồn nhập khẩu, trong khi giá các loại sữa này có xu hướng ngày càng tăng.
“Sẽ không có làn sóng sữa ngoại tràn vào VN nữa, nhưng chắc chắn sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư đến VN xây dựng nhà máy sản xuất sữa trong thời gian tới, mức độ cạnh tranh cũng sẽ quyết liệt hơn”, bà Trịnh Thị Lệ, Tổng giám đốc Công ty Nutifood, nhận định. Theo bà Lệ, mức độ tiêu thụ sữa tại VN còn khá thấp so với các nước trong khu vực, bình quân người dân VN hiện chỉ mới tiêu thụ khoảng 10 lít/năm, trong khi Thái Lan là 30 lít/người/năm, Malaysia và Trung Quốc là 50-60 lít/người/năm, Hàn Quốc là hơn 100 lít/người/năm.
Người nuôi bò sữa với hy vọng “Doha”
Tại các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), mức trợ cấp người chăn nuôi bình quân khoảng 2,7 USD/con bò sữa/ngày. Tại Mỹ, từ năm 1995-2004, người chăn nuôi bò sữa đã được trợ cấp hơn 3,1 tỷ USD. Nhật Bản đứng đầu danh sách các nước trợ cấp ngành chăn nuôi bò sữa với mức trợ cấp lên tới 8 USD/con bò sữa/ngày. Chỉ tính riêng trong năm 2004, Nhật Bản đã trợ cấp ngành chăn nuôi trong nước một khoản tiền khổng lồ, lên tới 4,3 tỷ USD. Với các khoản trợ cấp hậu hĩnh này, người chăn nuôi không sợ bị lỗ dù bán sữa tươi với giá thấp.
Trong vòng năm năm tới, khi mức thuế bảo hộ ngành sữa VN vẫn được duy trì, người chăn nuôi bò sữa trong nước vẫn chưa gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, sau thời điểm 2012, khi hàng rào thuế không còn nữa sẽ là một thử thách cho ngành sữa VN.
Nhiều chuyên gia cho rằng ngành chăn nuôi bò sữa VN sẽ gặp khó khăn nếu duy trì mô hình chăn nuôi quy mô hộ nhỏ lẻ, số hộ nuôi từ 1-20 con chiếm đến 94%, giá thức ăn chăn nuôi lại khá cao...
“Chăn nuôi bò sữa vẫn đạt hiệu quả nếu được tổ chức tốt, chọn con giống đạt chất lượng và quy mô chăn nuôi ở mỗi hộ phải mở rộng, ít nhất đạt 100 con trở lên...”, nhận định của bà Mai Kiều Liên. Theo bà Liên, trong thời gian tới Vinamilk sẽ chú trọng hơn đến việc khuyến khích người nuôi mở rộng quy mô đàn. Ngoài Vinamilk và Dutch Lady tiếp tục xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu bò sữa, Công ty Nutifood cũng cho biết đang lập dự án đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi bò sữa.
Một chuyên gia ngành bò sữa cho biết những khó khăn của người chăn nuôi bò sữa sẽ vơi đi một khi các nước giảm trợ cấp cho người chăn nuôi bò sữa. “Ngoại trừ New Zealand không có bất kỳ hình thức trợ cấp nào, hầu hết các nước phát triển đều có chính sách trợ cấp cho ngành chăn nuôi bò sữa dưới nhiều hình thức, quốc gia càng giàu mức trợ cấp càng cao”, vị chuyên gia này khẳng định.
Theo bà Mai Kiều Liên, nếu vòng đàm phán Doha thành công, các nước phát triển cắt giảm hoặc bỏ trợ cấp cho nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi bò sữa nói riêng, người chăn nuôi bò sữa VN sẽ “sống khỏe” cho dù hàng rào bảo hộ thuế không còn. “Không còn trợ cấp, giá sữa thế giới sẽ trở lại giá thực với mức cao hơn hiện nay, do chi phí lao động các nước phát triển cao hơn, giá sữa tươi trong nước sẽ tăng và người chăn nuôi VN sẽ hưởng lợi”, bà Liên khẳng định.
(Theo Tuổi Trẻ)