![]() |
Người dân TP HCM đau đầu với nước sạch. |
Đó là đề án tăng giá nước vừa được Sở Giao thông công chính trình UBND TP HCM. Nguồn tin từ UBND thành phố cho hay, đề án này đã được đặt trên bàn nghiên cứu chờ ý kiến từ các sở ngành và trưng cầu ý dân trước khi quyết định phê duyệt.
Sáng 24/9, đại diện Viện Kinh tế TP HCM cho biết cơ quan này đã thẩm định xong giá nước đề xuất của Sở Giao thông công chính. Về cơ bản, Viện thống nhất giá thành mới trong đề án.
Tuy nhiên, nói như ông Võ Quang Châu, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) trong cuộc họp về tình hình cung cấp nước sạch năm 2007 chiều 19/9, có thể tương lai gần thành phố sẽ chưa quyết định tăng giá nước.
"Thời điểm tăng giá nước bây giờ quá nhạy cảm do mọi mặt hàng đều đồng loạt tăng giá vì nhu cầu thị trường, người dân cảm thấy rất áp lực", ông Châu nói.
Theo đề án, đợt tăng giá này sẽ áp dụng ở tất cả các đối tượng tiêu dùng. Cụ thể nhóm sản xuất sẽ có hệ số giá tăng đến 1,5 lần; thương mại dịch vụ được điều chỉnh lên từ 2 đến 3 lần so với mức hiện nay. Nước sinh hoạt được tính theo định mức 10 m3/hộ/tháng và giá chưa có thuế sẽ là 3.600 đồng/m3, sử dụng trên mức giá 6.500 đồng/m3.
Hiện giá nước sinh hoạt được tính 2.700 đồng/m3 sử dụng trong định mức tháng. Nếu tiêu dùng mỗi tháng vượt lên dưới 6 m3/người, giá nước ở mức 5.400 đồng/m3. Sử dụng nhiều hơn nữa, giá là 8.000 đồng/m3. Toàn bộ giá này chưa cộng thuế giá trị gia tăng.
Chất lượng nước chưa tốt, tiêu chuẩn kém, chất lượng phục vụ chưa cao, nhiều loại giá áp cho các "thành phần" dân khác nhau, nhưng giá lại bị "đe" là sẽ tăng khiến nhiều người dân không khỏi băn khoăn.
Bà Trần Thị Thủy, cư dân chung cư 60 Nguyễn Trãi, phường Bến Thành, quận 1, cho biết, bà đang tạm trú ở đây nên phải trả mức giá nước 8.000 đồng/m3, nhà chỉ có 3 người tiêu thụ mỗi tháng gần 10 khối nước.
"Nếu sắp tới giá tăng đến 3.600 đồng/m3 thì người tạm cư như tôi chắc phải trả đến hơn 10.000 đồng mỗi khối. Tính sơ sơ gia đình tôi mất 100.000 đồng tiền nước một tháng, bằng 20 kg gạo nhà tôi ăn trong một tháng", bà Thủy tính toán.
Phó Tổng giám đốc Sawaco Võ Quang Châu cam đoan rằng, tăng giá nước phải gắn liền với chất lượng, cũng như các thất thoát nước sạch cũng phải được tính đến trong lộ trình tăng giá. Song vấn đề đáng lo của thành phố không phải giá mà là tình trạng thất thoát nước sạch, khiến nhiều khu vực dân không có nước sạch để dùng trong khi nước chảy tự do nhiều nơi.
Theo thống kê của Tổng công ty cấp nước Sài Gòn, thành phố đang thất thoát tới 38% nước sạch. Tiêu chuẩn nước sạch cũng còn thấp so với các nước khác. Nguyên nhân thất thoát nước được Sawaco cho là do hệ thống ống quá cũ, gây bể ống. Hiện TP HCM mỗi năm có trên 19.000 vụ bể ống nước. Khoảng 25% đường ống đã trên 30 tuổi nhưng vẫn không thể thay thế ngay được vì thiếu kinh phí.
Phó Tổng giám đốc Sawaco Lý Chung Dân cho rằng, biết nguyên nhân thất thoát nước nhưng giải quyết rất khó khăn. Theo ông, để có thể giải quyết các vấn đề trên trước tiên phải cải tạo hệ thống ống nước đang xuống cấp trầm trọng. Song dự án cải tạo phải tốn rất nhiều vốn đầu tư và cần có thời gian.
Sawaco dự kiến đến năm 2020 sẽ cố gắng giảm tỷ lệ thất thoát nước xuống còn 25%. Một trong những giải pháp được triển khai trong thời gian tới là Sawaco sẽ thưởng cho người phát hiện xảy ra thất thoát. Mức thưởng còn tùy thuộc vào tình trạng được phát hiện.
(Theo VnExpress)