Ốc Thanh Vân cho biết vài ngày trước, một số máy lạ gọi vào thuê bao của mẹ cô, xưng là công an điều tra. Người này nói mẹ của nữ MC vướng vào một vụ án, đe dọa con cái bà sẽ gặp nguy hiểm và yêu cầu bà chuyển cho họ 200 triệu đồng. Vì hoảng sợ, bà không nói với ai, một mình đến ngân hàng chuyển khoản. Bà giao dịch hai lần, chuyển lần lượt 30 và 60 triệu đồng.
Sau đó, bà hỏi mượn em gái của Ốc Thanh Vân 60 triệu và vú nuôi của gia đình 50 triệu. Cảm thấy có chuyện bất ổn, hai người này báo lại với ông xã của Ốc Thanh Vân. Anh thuyết phục hồi lâu, bà mới nói ra sự thật. Nhờ vậy, gia đình kịp thời ngăn chặn bà chuyển khoản tiếp 110 triệu đồng còn lại.
Không chỉ tống tiền, kẻ lừa đảo còn dụ mẹ của Ốc Thanh Vân bấm vào một đường link chứa virus khiến điện thoại của bà bị vô hiệu hóa, không thể sử dụng. Sau khi gia đình thay điện thoại mới cho bà, đối tượng tiếp tục tấn công, buộc bà phải thay cả sim.
Ốc Thanh Vân xót xa mẹ bị lừa gạt khiến tinh thần hoảng sợ. Mới đầu, bà lo các con gặp chuyện nên muốn chuyển tiền thêm. Con rể khuyên giải mãi, bà mới dần bình tâm. Hiện tại, tinh thần bà ổn nhưng bà vẫn tiếc số tiền bị mất.
Ốc Thanh Vân cho hay ông xã cô biếu mẹ vợ một khoản tiền nhỏ để xoa dịu tâm lý của bà. Còn hai chị em cô không dám nhắc chuyện này, tránh để mẹ phải bận lòng suy nghĩ. Gia đình cô thống nhất không trình báo công an vì ngại mẹ cô phải làm tường trình. Cô muốn mẹ thả lỏng tinh thần và rút kinh nghiệm.
Về phần Ốc Thanh Vân, mới đây cô đặt mua xe đạp trên một trang bán hàng Facebook. Sau khi chuyển khoản 5 triệu đồng, cô không nhận được hàng và phát hiện đây là một trang bán hàng giả mạo. Trước đó, tối 21/4, nữ diễn viên bị kẻ gian móc mất điện thoại tại buổi công chiếu phim Nghề siêu dễ của Thu Trang - Tiến Luật.
Ốc Thanh Vân cảm thấy khó tin khi trong vài ngày, cả nhà liên tiếp gặp chuyện không may. Nhưng gia đình cô suy nghĩ tích cực và coi đây là những bài học trong đời sống. Chia sẻ câu chuyện của mình, cô đưa ra cảnh báo cho mọi người, hy vọng người quen, bạn bè đề phòng những mánh lới lừa đảo.
Cô đúc rút một số đặc điểm nổi bật của kẻ lừa đảo qua điện thoại: giọng nói thường đanh thép và có xu hướng đe dọa; hay nhắm vào đối tượng người lớn tuổi yếu tâm lý; hay đem yếu tố con cái ra trấn áp người nghe; câu chuyện thường liên quan đến vụ án, tai nạn, nhận hàng nước ngoài, mua thuốc...
Cô cho rằng: "Cách dễ nhất để hạn chế việc này là luôn để ý sát sao người lớn tuổi trong nhà. Nếu nhận những cuộc điện thoại tương tự, mọi người hãy cúp máy, không nghe bất kỳ điều gì, bởi nếu phản ứng sẽ bị đối tượng chửi rủa thậm tệ".
Phong Kiều