11h trưa, bà Phan Thị Lê (60 tuổi) ở xóm Đông An, xã Hợp Thành (huyện Yên Thành) kể, 4 ngày trước, khi biết tin người Việt bị nhiễm Covid-19 và mắc kẹt ở Guinea Xích Đạo sắp được đưa về nước, trong số này có hai người con mình, bà vỡ òa niềm vui.
"Khi nào con về tới Việt Nam thì mới thật sự hết lo lắng, nhưng bây giờ cũng cảm thấy rất vui rồi, đếm lùi từng ngày để các con được lên máy bay", bà Lê nói và cho biết điều quan trọng nhất lúc này là tính mạng con người nên không tiếc khi hợp đồng lao động của các con chưa hết.
Theo bà Lê, gia đình có 3 người con. Cuộc sống vùng nông thôn khó khăn, tháng 10/2019 con trai đầu Nguyễn Xuân Tạo (33 tuổi) cùng em trai Nguyễn Xuân Tao qua Guinea Xích Đạo làm công nhân theo đường chính ngạch do một công ty có trụ sở ở Hà Nội đưa đi. Hợp đồng lao động có thời gian 18 tháng, 4 tháng sau khi xuất khẩu, phía công ty đã hoàn lại khoản chi phí này.
Công việc hàng ngày của hai anh em Tạo là công nhân tại nhà máy thủy điện Sendje, tỉnh Littorial. Lương mỗi tháng thu nhập gần 20 triệu đồng tiền Việt. Bà Lê kể, cuối tháng 6 khi con trai điện về thông báo cả hai bị nhiễm Covid-19 khiến cả gia đình "sốc", lo lắng tột độ.
"Nhiều bữa tôi không ăn, thức xuyên đêm, khóc cạn nước mắt vì lo con không khỏi bệnh, làm thế nào để về được quê", người mẹ của hai người con mắc Covid-19 nhớ lại.
Cùng với nhiều gia đình khác chung cảnh ngộ, bà Lê làm đơn gửi cơ quan chức năng, văn phòng Chính phủ mong được giúp đỡ đưa các lao động này trở về. Những ngày sau đó, khi con trai thông báo được chính quyền nước sở tại đưa tới bệnh viện để chữa trị, sức khỏe dần ổn định nên bà Lê cũng bớt lo lắng.
Cách nhà bà Lê nửa cây số, ông Nguyễn Văn Khoa (50 tuổi) cũng có con trai là Nguyễn Văn Khuê (26 tuổi) bị nhiễm Covid-19 khi làm công nhân tại nhà máy thủy điện Sendje, tỉnh Littorial. Ông kể, cuối tháng 6, nhận được điện thoại con trai thông báo đã nhiễm Covid-19 khiến bản thân như "ngồi trên đống lửa".
"Tôi từng nghĩ tới chuyện con mắc bệnh như vậy nếu không qua khỏi thì phải bỏ mạng ở bên đó, rồi làm sao được được thi thể về. Những rồi vỡ òa sung sướng khi hay tin những người này sẽ được sớm trở về quê", ông Khoa tâm sự và gửi lời cảm ơn tới các cơ quan chức năng đã hỗ trợ trong thời gian qua.
Riêng xóm Đông An (Hợp Thành) có 6 gia đình có con em ở Guinea Xích Đạo sẽ về nước đợt này.
Tại xã Hậu Thành (huyện Yên Thành) chị Vũ Thị Phương cũng bày tỏ vui mừng khi biết tin chồng là Lê Đình Sỹ bị mắc Covid-19 khi làm công nhân tại Guinea Xích Đạo cũng trong diện sắp được hồi hương.
"Gia đình thở phào, đợi từng ngày để chồng về tới Việt Nam. Chắc chắn khi về tới sân bay sẽ được đưa đi cách ly và chữa bệnh và không được gặp mặt nên tôi cũng chưa có kế hoạch có tới sân bay đón chồng hay không", chị Phương nói.
Nhà chức trách Nghệ An thống kê có 21 lao động ở địa phương đi làm việc tại Guinea Xích Đạo, trong đó có một số bị nhiễm Covid-19 sẽ được Chính phủ hỗ trợ đón về nước. Thời gian qua, người thân của các lao động này đã có đơn gửi các cơ quan chức năng nhờ giúp đỡ.
Theo Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, 219 lao động Việt Nam đang làm việc tại công trình nhà máy thủy điện Sendje, tỉnh Littorial (Guinea Xích Đạo) theo hợp đồng với Công ty tổng thầu Duglas Alliance Ltd (Anh). Đến nay 112 lao động Việt Nam ở đây nhiễm nCoV, đang được chữa trị. Trước đó, ngày 10/7 tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cơ quan phối hợp tổ chức chuyến bay cứu hộ nhóm công dân ở Guinea Xích Đạo.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, ngày 23/7 cho biết nhóm bác sĩ sẽ mang theo thuốc, vật tư, thiết bị và phương tiện phòng hộ, để chăm sóc y tế cho những người về. Thời điểm về nước dự kiến cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8.