Một số người sau đó đã xem như... hết trách nhiệm, sự "trắng tay" là để đổi lấy sự tự do, rảnh tay mưu cầu hạnh phúc mới.
Phát hiện chồng ngoại tình và có con rơi, chị Bích Trâm kiên quyết ly hôn với anh Văn Khỏe sau 9 năm chung sống. Tại tòa, căn nhà cấp bốn cùng hai công đất ruộng ở huyện Bình Chánh (TP HCM) và cậu con trai 10 tuổi đã được anh Khỏe chủ động giao hết cho vợ, thỏa thuận không phải cấp dưỡng nuôi con.
Chị Trâm tuy chẳng ham tài sản nhưng do không muốn dính líu đến người chồng bội bạc, nên đã đồng ý ngay. Thế là anh Khỏe cảm thấy như vừa trút hết được gánh nặng, lại vừa hãnh diện vì đã có một hành động "cao thượng".
Vợ chồng chị Tố Mai-anh Quốc Thắng ở quận 10 (TP HCM), trước khi ra tòa ly hôn cũng đã thống nhất với nhau về hai vấn đề quan trọng nhất là con cái và tài sản. Chị Mai nhường phần tải sản khá lớn là căn nhà mặt tiền trên đường Ngô Gia Tự cho chồng, để anh nuôi cô con gái 6 tuổi và cậu con trai 4 tuổi của hai người.
Chị tự nguyện chỉ nhận 50 triệu đồng để ra ngoài mướn nhà trọ sinh sống. Nguyên nhân chính khiến chị Mai "hào phóng" là vì chị chuẩn bị xuất cảnh Mỹ đoàn tụ với "người mới".
Tuy có tài sản trong tay nhưng anh Thắng không thoải mái, vì lúc nào cũng có cảm giác mang hai "cục nợ" trên người. Mỗi lần anh dẫn bạn gái về nhà thì cô nào cũng chạy dài, không ai muốn làm mẹ kế của hai đứa trẻ.
Để trút gánh nặng, xây dựng hạnh phúc mới, anh quyết định "chuyển giao" hai con cho người mẹ già yếu nuôi. Khi mẹ anh qua đời, anh tiếp tục nhờ cô em gái nuôi giúp hai con mình với lý do đơn giản: người vợ sau của anh không thích sống chung với con chồng.
Cũng vì muốn nhẹ gánh để được tự do mà từ chối nuôi con là trường hợp của anh Trọng Bình ở quận 4 (TP HCM). Anh và chị Hồng Thắm chia tay sau 11 năm chung sống không hạnh phúc. Là người phóng khoáng, thích tự do, không muốn vướng bận con cái nên anh Bình quyết định ra đi với hai bàn tay trắng. Anh để lại căn nhà nhỏ cùng mọi tài sản và dĩ nhiên, kèm theo đó là đứa con gái 10 tuổi cho vợ.
Cứ tưởng giao hết để được thoải mái, tự do nhưng thực tế, nhiều ông bố, bà mẹ chẳng bớt gánh lo được chút nào mà trái lại, họ còn phải nhận lấy những muộn phiền, bất hạnh do con cái, những đứa trẻ mà họ từ chối nuôi dưỡng, giáo dục đem lại, như một hệ quả tất yếu.
Trong một thời gian ngắn, vừa phải chứng kiến cảnh cha mẹ chia tay, vừa không nhận được sự quan tâm của mẹ, thiếu tình thương của cha nên chị em Tố Như, Quốc Minh, con của anh Thắng, chị Mai, bị suy sụp tinh thần. Từ những đứa trẻ hiếu động, vui vẻ, chúng trở nên lầm lì, ít nói. Đến khi bà nội qua đời, hai chị em phải nghỉ học lúc chỉ mới đứa lớp 6, đứa lớp 4, và bị đẩy ra đường kiếm miếng ăn với tủ thuốc lá vỉa hè. Từ đó, "người thân" chia bùi sẻ ngọt với hai chị em là đám bạn bụi đời đồng cảnh.
Thi thoảng chị em Như mới được ba đến thăm và tình thương của ba được hai chị em nhận biết bằng cách quy đổi ra tiền: "Ba cho 200.000 đồng là thương nhiều, thương vừa vừa được 100.000 và thương ít được 20.000", Như chua chát kể. Mỗi lần nhìn thấy ba chở mẹ kế và đứa em cùng cha khác mẹ đi chơi, lòng Như lại dâng lên nỗi buồn xen lẫn uất hận. Như nghĩ: "Lẽ ra tài sản, sự sung sướng đó là của chị em Như". Như đã đòi lại "công bằng" bằng cách cùng đám bạn bụi đời lẻn vào nhà cha ruột trộm đồ. Trong lúc đang vơ vét đồ, ba của Như phát hiện, định kêu cứu thì bị một đồng bọn của Như lấy cây đập vào đầu, ngất xỉu. Vì hành vi này, Như và năm đồng phạm bị truy tố về tội cướp tài sản khi mới 15-16 tuổi.
Người đau nhất trong vụ này là anh Thắng. Anh phải ra tòa với hai tư cách: người bị hại và là giám hộ của bị cáo Như (em của Như còn nhỏ, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự). Đến lúc đó, anh mới nhận ra việc giao con cho người khác nuôi chỉ mang lại sự nhẹ gánh trong thoáng chốc, nhưng nỗi hệ lụy là lâu dài bởi chính anh đã gián tiếp hủy hoại tương lai của con.
Anh Khỏe cũng đã phải hối hận, trả giá vì cậu con trai 14 tuổi bỏ học và nghiện ma túy. Anh nói: "Nếu tôi chung tay, cùng có trách nhiệm giáo dục con với vợ cũ, có lẽ con tôi đã không lầm lỡ". Anh kể, mới 13 tuổi, Tuấn đã tìm đến ba, buộc anh làm nhà "tài trợ chính" cho cậu đi mua sắm, đi chơi, như để bù đắp sự thiếu thốn tình cảm. Khi đòi hỏi của Tuấn ngày càng "leo thang", anh không đáp ứng thì cậu bé quay sang trộm điện thoại di động, đồng hồ, tiền của ba.
Vừa mất của, vừa tự ái vì vợ sau mắng con mình là "quân mất dạy, trộm cắp", anh "mắng vốn" chị Trâm thì chị mới thú thật: "Thằng Tuấn nghiện chơi game, ma tuý nên sinh tật trộm cắp và bỏ học lâu rồi". Sự thật này khiến anh bàng hoàng. Anh quát chị: "Tại sao con hư vậy mà cô không cho tôi biết?". Chị Trâm trả đũa ngay: "Anh đã khoán nó cho tôi nuôi, có thèm quan tâm nó sống chết ra sao, tôi báo để làm gì?". Đến đây thì anh "cứng họng".
Cái giá mà anh Bình nhận lấy từ sự vô trách nhiệm của mình khi "khoán" con cho vợ cũng rất đắt. Anh nhớ lại, một đêm trong tháng 7/2006, anh và chị Thắm được công an gọi điện báo tin em Nguyễn Ngọc Tâm, con gái anh bị công an bắt quả tang khi đang giật dây chuyền của người đi đường. Anh không tin vì nghĩ giờ đó con gái đang ở nhà mẹ ruột; chị thì nghĩ ngược lại. Đến trụ sở công an, anh chị càng bị "sốc" nặng hơn khi cô bé đi cướp với người "chồng hờ". Chưa hết, Tâm còn bồi thêm ba mẹ một tin dữ: cô có thai hơn hai tháng.
Bất ngờ và quá đau lòng, anh Bình trút cơn giận lên vợ: "Cô nuôi con kiểu gì vậy? Mới 14 tuổi mà đã đi cướp, đi theo trai, mang thai?". Chị tức tưởi: "Thời gian này nó sống với anh mà, sao anh không giỏi dạy đi". Hóa ra, lâu nay hai người chỉ quản lý con bằng trí tưởng tượng. Lúc Tâm giận mẹ và bố dượng thì chạy sang ở với ba. Giận mẹ kế lại chạy về với mẹ ruột. Người lớn mải lo công việc và tin con nên không hề gọi điện kiểm tra. Thiếu sự kiểm soát của cha mẹ, Tâm tự do đi qua đêm với bạn bè và trượt dài vào hố sâu sai trái.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Thủy, giảng viên tâm lý Cao đẳng Sư phạm TP HCM, chỉ riêng việc cha mẹ ly hôn đã là bất hạnh, thiệt thòi cho con cái. Khi từ chối, trút bỏ gánh nặng nuôi con, chính cha mẹ đã nhân đôi bất hạnh lên con mình. Sự bất hạnh đó là căn nguyên gây ra nhiều bất hạnh khác cho con cái và cho cả cha mẹ.
Bà Minh Thủy phân tích: "Mục đích chính của việc giao con cái kèm tất cả tài sản cho người bạn đời khi ly hôn của một số ông chồng, bà vợ chỉ là do muốn bản thân được thoải mái, tự do và không phải chịu trách nhiệm chính với con cái. Nhưng đáng lo ngại là nhiều người lại cho rằng đó là hành động cao thượng, quân tử. Nếu thật sự là người sống có trách nhiệm, có cha mẹ nào lại thấy nhẹ gánh khi không quan tâm đến con mình? Hành động đó chỉ thể hiện một điều là sự ích kỷ, vô trách nhiệm.
Sai lầm tiếp theo là người lớn thường hành động theo suy nghĩ của mình, mà không quan tâm đến cảm nhận của con trẻ. Trẻ rất nhạy cảm đối với những gì cha mẹ dành cho mình. Nếu cha mẹ từ chối nuôi dưỡng hay quan tâm cho có lệ, trẻ con cũng sẽ bị tổn thương và mất niềm tin vào người lớn. Hơn nữa, việc giáo dục nhân cách, nhận thức cho con trẻ không thể thiếu vai trò của cha và mẹ. Nếu thiếu một trong hai nhân tố này thì tâm lý của trẻ dễ bị phát triển lệch lạc, từ đó dễ dẫn đến hành vi lệch lạc như trộm cắp, hút chích ma tuý...
Nỗi đau ấy không chỉ gia đình mà xã hội cũng chịu ảnh hưởng bởi những hệ quả xấu. Sự nhẹ gánh chỉ có được khi vợ chồng dù ly hôn cũng chung sức, chia sẻ trách nhiệm nuôi dạy con cái nên người. Một khi con nên người, thành đạt thì cha mẹ chẳng những được nhẹ gánh mà còn hưởng được tiếng thơm, sự báo hiếu từ con cái".
Sau hậu quả đau đớn trên, anh Khỏe tâm sự: "Tôi những tưởng mình sẽ được tự do, không còn phải lo lắng gì về gia đình cũ khi ra đi tay trắng. Nhưng tôi đã lầm. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái không thể quy ra tiền và không bao giờ chấm dứt được, nhất là khi con chưa thành niên. Việc làm của tôi rõ ràng là chỉ bỏ qua được một chút vướng bận để rồi cuối cùng gánh lại biết bao phiền muộn. Con cái hư hỏng, cha mẹ phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi đã nhận ra lỗi lầm của mình và cùng nhau dạy dỗ, quan tâm con. Sau gần năm tháng gần gũi con, giờ đây cháu đã ngoan ngoãn và quyết tâm từ bỏ ma túy. Người lớn chúng ta đừng biến trẻ con trở thành nạn nhân vì sự vô trách nhiệm của mình".
(Theo Phụ Nữ)