Nếu như trước đây ở trung tâm thị xã Sóc Trăng chỉ có một vài quán nhậu bán “cầy tơ” lèo tèo thì hiện nay quán chuyên chó nằm trên các tuyến đường như Nguyễn Trung Trực, Lê Hồng Phong, Phú Lợi... đã mọc lên như nấm sau mưa.
Tính trung bình một quán bán được khoảng 25 kg/ngày thì trên 20 quán cầy tơ ở thị xã Sóc Trăng đã tiêu thụ gần nửa tấn thịt chó mỗi ngày. Đó là chưa kể hàng trăm quán mọc lên ở tám huyện còn lại trong tỉnh và hầu như không một xã, thị trấn nào mà không có sự xuất hiện của các quán nhậu cầy tơ.
Dọc theo đường Phú Lợi đến nơi giáp ranh với Quốc lộ 1A (thị xã Sóc Trăng) trong những ngày năm hết Tết đến là mùi thơm lừng của món cầy quay nên dân nhậu ở thị xã thường gọi tuyến đường này là... phố thịt chó.
17h, một ngày tháng giêng tại một quán nhậu nằm ở góc đường Phú Lợi đã đông nghịt người. Trong số khách hàng, rất nhiều người không ăn được mắm tôm mà chấm toàn là tương xay mịn, xì dầu, chao... Hỏi ra mới biết họ là những người đang “cai gia cầm” và tập ăn thịt chó.
Một sinh viên tên Phước rụt rè cho biết mấy hôm nay đám bạn ai cũng không dám ăn gà, vịt nên mới kéo nhau ra đây ăn thử thịt chó. Từ trước đến nay cả nhà không ai dám ăn, hôm nay cũng vậy nhưng khi uống được vài ly mình đã “sung lên và ăn rất ngon”. Còn anh Nguyễn Thái Ngọc ở thị xã Sóc Trăng thì một tuần hai lần mua thịt chó ở một quán gần nhà mang về làm món ăn chính trong bữa cơm gia đình để thay thế gà, vịt.
Quán cầy tơ khác nằm cuối đường Lê Hồng Phong, khu vực cầu Bãi Xàu của thị trấn Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) cũng có hàng chục chiếc bàn được kê san sát, muốn vào nhâm nhi một vài đĩa cầy quay với bạn bè mọi người phải chen lấn và ngồi tựa lưng với nhau.
Chính vì “phong trào” người người ăn cầy tơ nên thịt chó bỗng nhiên được “lên đời”. Nếu như lúc trước giá cầy tơ ở các quán nhậu 15.000-20.000 đồng/đĩa 300 g thì hiện nay đã tăng lên 25.000-30.000 đồng/đĩa nhưng trọng lượng “tịnh” chỉ còn 250 g.
Để thay đổi khẩu vị nhiều chủ quán đã tự nghiên cứu chế biến ra nhiều món rất “bắt” như: cầy quay, nướng ngũ vị, hầm măng tre, hầm sả, hầm chanh muối, ướp muối sả chiên giòn... Đặc biệt quán cầy tơ nằm trên Quốc lộ 1A ở xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên lại có thêm món... cháo chó.
Theo chủ quán, trước khi nấu cháo, nước súp phải được nấu từ xương chó. Sau đó đổ gạo rang vàng vào nấu chung với đậu xanh và thịt đùi chó được băm nhuyễn. Thêm vào đó là một kinh nghiệm nêm nếm gia truyền sẽ có được một nồi cháo chó ngon hơn cả cháo rắn. Tất nhiên, món cháo chó này cũng tăng giá theo mùa cúm gà từ 40.000 đồng/nồi lên 50.000 hoặc 60.000 đồng/nồi cho bốn người ăn.
Đến đại lý mua chó Tư Thành ở Thạnh Đông B (Tân Hiệp, Kiên Giang) ngồi nói chuyện với chủ vựa Tư Thành, thỉnh thoảng lại có tiếng chó âu ẩu dội lên. Tư Thành nói: “Trong lồng còn khoảng 20 con, mỗi con chừng trên chục ký. Mai đi Hậu Giang, Sóc Trăng... tất!”.
Mùa cúm gia cầm ngày nào cũng có khoảng 20-30 tay lái chó thân chủ xuôi ngược khắp xứ về đây bán chó cho đại lý. Những ngày giáp tết này chó sẽ hút hàng nhiều hơn, có ngày Tư Thành mua vô 50-100 con, nhốt đầy lồng chó, hôm sau đẩy đi không còn con nào!
Không có thời gian đãi chuyện nên Tư Thành đưa PV Tuổi Trẻ ra sau xem “khách sạn chó”. Khách sạn" rộng chừng 30 m2, bên trong là một dãy lồng sắt cho chó tạm nghỉ, vài con thấy khách lạ hất hàm sủa rồi lại gối đầu ngủ. Công nghệ nuôi nhốt chó cũng lắm công phu, phải làm nhà lưới chống muỗi, nấu cháo nồi to cho cẩu sắp về chầu trời, rồi nước uống, kiểm dịch động vật... Những ngày này mấy quán thịt cầy mỗi mang ở thị xã Sóc Trăng như sốt lên, ỏm tỏi...
Sáu Đô, là một tay lái chó chân đất đã hướng cho đứa con trai cái nghề lái chó nên giờ đây anh sõi nghề “ai bán chó không?". Ít khi anh đi mua chó mà về tay không, có hôm nhờ mối mang quen biết mà lồng sắt của anh chật cứng 8-9 con, lãi cả trăm nghìn đồng.
Hai bên cống Kinh B thuộc Vĩnh Thạnh (Cần Thơ) và Tân Hiệp (Kiên Giang) mỗi ngày có khoảng 50 tay lái chó như Sáu Đô chạy Honda hoặc lái vỏ lãi đi mua chó. Vậy mà vẫn không đủ thịt cầy cho vùng Kinh B này. Bình thường người dân ở đây đã ăn thịt chó, bây giờ mùa cúm gia cầm lại càng tiêu thụ nhiều chó hơn.
Là một trong những loại thịt không phải ai cũng dễ dàng chế biến được các món ăn ngon miệng và càng không dễ tìm mua với số lượng nhiều vì chó không được nuôi đại trà như heo, gà, vịt..., nên không ít người đã lao vào nghề buôn chó trong mùa cúng gia cầm với hy vọng đổi đời. Trước đây xóm chuyên cung cấp thịt chó cho các tỉnh ĐBSCL ở xã Đại Hải (huyện Kế Sách, Sóc Trăng) chỉ có vài người thì hiện nay đã có trên 10 người theo nghề.
Phương tiện hành nghề chủ yếu của cánh lái chó là một chiếc xe máy, một cái lồng sắt, một cây bắt chó “chuyên dùng” được làm bằng thanh sắt có treo một cái thòng lọng dùng để siết cổ chó và trên 1 triệu đồng tiền vốn.
Theo chân lái chó Tư Thành rong ruổi trên khắp các nẻo đường ở các xã vùng sâu của huyện Mỹ Xuyên, Mỹ Tú chứng kiến được không ít vui buồn của nghề này. Theo anh, để mua được nhiều chó phải đi sau vào tận những xóm nghèo vì gia đình khá giả ít ai bán chó, và nếu họ mang chó ra bán thì chắc một điều là chó bị sà mâu, bọ chét cắn hoặc bị bệnh. Một kinh nghiệm nhằm tránh mua phải chó bệnh là trước khi mua anh phải thả thức ăn xem chó có bỏ ăn hay không. Kế đến là xem mắt, mũi... có bị chảy nước, lở loét rồi mới tiến hành... cò kè thêm hai bớt một.
“Để mua được giá rẻ mình phải xem hoàn cảnh gia đình của người bán. Chó nhà giàu nếu như thường xuyên cắn người hay bị “đén” thì hô một tiếng là họ bán liền vì đang cần bán. Với chó nhà nghèo thì khác, phải trả giá nhiều lần nếu ép giá quá cũng không nỡ lòng vì đôi khi họ nuôi con chó như nuôi con heo, con gà với mục đích là để bán”, anh nói.
Nếu nhìn bề ngoài thì trông cánh lái chó “bèo như cá kèo”, nhưng khi theo chân họ, thuộc được “chiêu” và giá mua bán sẽ biết được những khoản lời béo bở của nghề này. Một chú “cầy tơ” đang khỏe mạnh nhưng khi gặp những lái chó có kinh nghiệm sẽ bị đánh rớt với một vài khuyết điểm như: ốm, hơi già... để ép giá từ 25.000 đồng/kg xuống còn 18.000 đồng/kg. Mặt khách, khi mua “chó hơi” hầu hết lái chó đều không cân mà chỉ đoán số ký nên hầu như người bán nào cũng bị thiệt thòi. Anh Thành nói: “Chỉ bấy nhiêu thôi cũng thấy lời cả trăm nghìn đồng một con, đó là chưa kể khi giao lại cho các quán hoặc “xuất tỉnh” giá tăng gần gấp đôi (40.000 đồng/kg) và cân đo sòng phẳng”.
Gia cầm xuống hố, thịt chó đã lên bàn, nhưng đúng như lời lái chó Tư Thành, những con chó kia có khỏe mạnh hay không thì chính anh cũng không biết rõ (vì khi mua chỉ xem bề ngoài chứ không thể khám như bác sĩ thú y). Người ăn càng không thể phát hiện chó bệnh khi các chủ quán ngụy trang bằng màu vàng của sa tế và mùi ngũ vị hương.
Có lẽ chính vì ăn phải thịt những con chó như vậy mà anh Nguyễn Thành Nam ở thị xã Sóc Trăng đã bị sốt và tiêu chảy nhiều ngày liền sau một buổi tiệc cày quay chấm mắm tôm uống kèm rượu đế. Và cũng chính vì thịt chó lên cơn "sốt" như hiện nay nên thời gian gần đây trên địa bàn nhiều tỉnh ĐBSCL đã xuất hiện nhiều nhóm “cẩu tặc” chuyên bắt trộm chó vào ban đêm.