![]() |
Đàn vịt chạy đồng chưa tiêm phòng ở Sóc Trăng là nguy cơ lớn về dịch bệnh. |
Chiều 16/1, trở lại Hậu Giang, một trong những “điểm nóng” nguy cơ bùng phát gia cầm. Ông Nguyễn Văn Đâu, ở ấp 5, xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ bần thần: “Nghe nói tiêm phòng là an toàn, vậy mà đàn vịt 1.500 con của tôi đã phát bệnh chết sau khi tiêm vaccine chưa được 1 tuần”.
Còn đàn vịt 708 con đã 5 tháng tuổi của ông Hồ Văn Lác, ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ cũng chết hàng loạt sau khi tiêm phòng 4 ngày, với các triệu chứng cúm gia cầm. Theo Chi cục Thú y Hậu Giang, đến ngày 16/1, toàn tỉnh có 9 đàn gia cầm (chủ yếu là vịt) tổng số gần 4.000 con phát bệnh chết hàng loạt sau khi tiêm phòng.
Tại Kiên Giang, cũng xuất hiện gia cầm chết tràn lan sau khi tiêm vaccine. Theo thạc sĩ Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN- PTNT Kiên Giang, nhiều khả năng gia cầm chỉ mới tiêm phòng vài ngày nên thuốc chưa “thấm”. Có thông tin cho rằng, vaccine bị lờn cũng là một nghi vấn?
Có mặt tại vùng dịch bùng phát dữ dội ở xã Thuận Hòa (Long Mỹ - Hậu Giang) nhận thấy gia cầm vẫn đang chết hàng loạt tại ấp 4, ấp 5. Việc tiêu hủy, tiêu độc sát trùng đang được tiến hành nhưng còn nhiều bất cập.
Cụ thể, đàn vịt 1.080 con của anh Nguyễn Vũ Phương bị cúm gia cầm được tiêu hủy ngày 11/1, hố chôn cách nhà chưa đầy 20m. Sáng 16/1, hố chôn này đã bốc mùi hôi nồng nặc. Người dân không chịu nổi phải báo với chính quyền địa phương và ngành thú y đem vôi bột rải thêm. Còn hố chôn hơn 1.000 con vịt của anh Nguyễn Văn Đâu, ở ấp 5, xã Thuận Hòa chỉ được phun xịt thuốc sát trùng xung quanh 1 lần, không tiêu độc sát trùng trong bán kính 500m…
Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm tỉnh Hậu Giang, yêu cầu sát trùng đối với các ổ dịch trong vòng bán kính 500m mỗi ngày 1 lần. Và tiêu độc mỗi tuần 2 lần đối với nơi cách bán kính 1km.
Hiện tại, nhiều hộ dân có gia cầm mắc bệnh cúm bị tiêu hủy rất bức xúc vì không được cán bộ ấp, xã và ngành thú y thông tin về mức giá hỗ trợ, cũng như thời gian được hỗ trợ. Ông Nguyễn Hiền Trung, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hậu Giang thừa nhận: Thủ tục hỗ trợ tiêu hủy gia cầm còn qua nhiều khâu, quá rườm rà. Vấn đề này, chi cục đã đề nghị lên Sở Tài chính tỉnh sớm xem xét giải quyết.
Ngày 16/1, nguồn tin từ UBND tỉnh An Giang cho biết, chủ tịch UBND huyện Chợ Mới vừa ra quyết định kỷ luật đối với 3 vị chủ tịch UBND các xã Long Kiếng, An Thạnh Trung và Hội An. Trong khi đó, chủ tịch UBND huyện Phú Tân cũng ra quyết định kỷ luật chủ tịch UBND 2 xã Phú Xuân và Phú Thành. 5 vị chủ tịch xã này bị kỷ luật vì lơ là, chủ quan trong việc triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch cúm gia cầm.
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)