Gia Bảo đóng vai ông Tư còn NSND Thanh Điền đảm nhiệm vai chính thứ hai là ông Năm đồng thời kiêm vai trò đạo diễn của vở cải lương chuyển thể từ kịch của soạn giả Thanh Hoàng.
Là nhà sản xuất của tác phẩm, Gia Bảo cho biết Dạ cổ hoài lang đã có phiên bản kịch và điện ảnh do nhiều nghệ sĩ gạo cội như Thành Lộc, Việt Anh, Hữu Châu, Hoài Linh, Chí Tài... thể hiện. Anh cảm thấy tác phẩm này rất phù hợp để chuyển thể thành cải lương. Khi Gia Bảo liên hệ đại diện gia đình cố soạn giả Thanh Hoàng, vợ ông đồng ý để êkíp của anh đưa tác phẩm lên sân khấu cải lương và thay đổi một số chi tiết cho phù hợp thực tế hiện nay, đáp ứng thị hiếu giới trẻ.
NSND Thanh Điền cho hay khi Gia Bảo mời ông dựng vở để dự thi Liên hoan cải lương toàn quốc, ông nhiều lần từ chối, một phần vì bận lịch đóng phim cuối năm. Sau thời gian đắn đo, Thanh Điền nhận lời vì bản thân ông vốn gắn bó, đam mê cải lương từ hàng chục năm trước. "Tôi cũng thấy tác phẩm này còn nhiều chất liệu để chuyển thể thành ca cổ, nếu không dựng lại sẽ rất uổng phí", Thanh Điền nói.
Ngoài NSND Thanh Điền và Gia Bảo giữ hai vai chính, vở cải lương Dạ cổ hoài lang còn có các gương mặt trẻ như diễn viên Nguyễn Văn Khởi (Chuông vàng vọng cổ 2017) - vai con ông Tư, Lê Như - vai cháu gái, Nguyên Yunie - vai Lành, người vợ mất sớm của ông Tư. Ca sĩ Quốc Đại góp mặt với vai phụ, đồng thời thể hiện ca khúc Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang (nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển).
Thanh Điền, Gia Bảo cùng cả êkíp chỉ có hơn một tháng dựng vở để kịp mang đi dự thi Liên hoan cải lương toàn quốc vào tháng 11 ở Long An. May mắn thời điểm này tất cả diễn viên đều trống lịch và sẵn sàng phối hợp tập luyện cùng nhau mỗi ngày. Nghệ sĩ Thanh Điền trao đổi kỹ từng phân cảnh với soạn giả trẻ Lâm Hữu Tặng (người chấp bút) và thức nhiều đêm chỉnh kịch bản. So với bản dựng thập niên 1990, tác phẩm mang màu sắc đương đại hơn. Bản của Thanh Điền có sáu nhân vật, trong đó vai con trai ông Tư là điểm mới, đóng vai trò làm cầu nối hàn gắn mâu thuẫn giữa hai thế hệ - ông Tư (Gia Bảo) và cô cháu gái.
"Tác phẩm mô tả bi kịch của người già khi cô đơn trong chính ngôi nhà của mình", Thanh Điền nói.
Kịch Dạ cổ hoài lang ra mắt năm 1995 tại câu lạc bộ Sân khấu Thể nghiệm, nay là nhà hát 5B Võ Văn Tần. Với sự góp mặt của Thành Lộc, Việt Anh, vở kịch trở thành hiện tượng, diễn mùa Tết ba suất mỗi ngày: sáng, chiều, tối. Đến năm 2014, sân khấu kịch Idecaf - nơi Thành Lộc làm phó giám đốc - dựng lại vở nhằm đánh dấu 20 năm ra đời. Từ đó, "ông Tư" Thành Lộc trở về với Dạ cổ hoài lang, Hữu Châu thay Việt Anh đóng vai ông Năm. Năm 2017, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng ra mắt phim điện ảnh cùng tên với kịch bản chuyển thể từ vở diễn, do Hoài Linh đóng ông Tư, Chí Tài đóng ông Năm.
Dự kiến, vở cải lương Dạ cổ hoài lang công diễn vào tháng 12 tại TP HCM. Ngoài vở này, công ty của Gia Bảo còn thực hiện chuỗi chương trình "Tài danh đất Việt" với chủ đề "Giang sơn mỹ nhân" - một chương trình thuần về thể loại tuồng cổ. Anh cho biết sẽ mời các nghệ sĩ hàng đầu của sân khấu cải lương như Ngọc Huyền, Kim Tử Long, Hồng Nga, Thanh Hằng, Linh Tâm, Võ Minh Lâm, Bình Tinh.... tham gia. "Nghệ sĩ Hoài Linh cũng góp mặt với một tiết mục đặc biệt, tung hứng cùng Ngọc Huyền", Gia Bảo nói.