Ghép đầu để "bất tử", hay "đổi lấy trí tuệ của người khác" vốn chỉ là chuyện trong thần thoại, tiểu thuyết viễn tưởng, nhưng hiện nay có nhiều hy vọng trở thành sự thực. Nhiều thí nghiệm ghép đầu trên động vật đã thành công.
Đầu thập kỷ 60 của thế kỷ 20, các nhà khoa học Liên Xô cũ đã ghép thành công đầu chó vào thân con cừu. Tin này làm chấn động toàn thế giới. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã sử dụng một loại thuốc đặc biệt để chống lại sự bài xích lẫn nhau giữa hai cơ thể khác nhau. Đặc tính của con vật mới “đầu Ngô mình Sở” này là tuy thân cừu nhưng động tác lại giống chó, bởi vì đầu não của nó là chó. Con vật hỗn hợp này có tiếng kêu giống chó nhưng ăn cỏ (vì dạ dày là của cừu).
Sau thành công đầu tiên, điện Kremly phấn khởi tuyên bố, lĩnh vực mũi nhọn nhất trong y học - kỹ thuật ghép đầu - của Liên Xô đã vượt Mỹ. Giới y học Liên Xô nghĩ đến cái ngày ghép đầu người. Trước sự “khiêu chiến” này, để giữ thể diện cho phương Tây, tổng thống Mỹ Kenedy đã hạ lệnh chi một khoản ngân sách lớn cho các công trình nghiên cứu kỹ thuật ghép đầu, chính thức bắt đầu “cuộc chiến tranh ghép đầu” giữa hai nước.
Hai năm sau, các nhà khoa học Mỹ đã có bước tiến đầu tiên trong việc ghép đầu. Họ ghép đầu con chó vào thân con khỉ. Đây quả là một kỳ tích bởi vì trước đó, giới y học toàn cầu đều cho rằng “tính bài ngoại” của khỉ rất mạnh, việc ghép này khó mà thành công được. Ca ghép thành công.
Nhưng chỉ nửa năm sau, các nhà khoa học Liên Xô lại tiến hành thành công một ca phẫu thuật ghép đầu khó hơn nhiều: Ghép đầu con mèo vào thân con thỏ. Điều quan trọng hơn là con vật mới không đần độn ngu ngơ như những động vật được ghép đầu trước đó. Nó lanh lợi, hoạt bát rất đáng yêu. “Đầu mèo” không những cử động tự do, linh hoạt mà còn biết chỉ huy “thân thỏ” rất khéo léo, kể cả tứ chi của thỏ. Thú vị hơn nữa, con vật đặc biệt này có đủ tính chất của mèo và thỏ: Mắt cũng thay đổi theo thời gian như mèo, chân nhanh nhẹn, vồ chuột rất tài; nhảy tâng tâng, chân trước giơ cao, đứng bằng hai chân sau như thỏ và cũng thích ăn rau xanh, củ cải.
Ghép đầu người
Năm 1985, Viện nghiên cứu y học ở Kyev đã thực hiện thành công: việc cắt đầu một người bị ung thư xương giai đoạn cuối ghép vào cổ một người bị hành quyết. Đó là đầu của Mikhalov, một học giả có tài xuất chúng, còn thân người là của một tên côn đồ tàn ác khét tiếng.
Nhà triết học Liên Xô Piterlov lúc bấy giờ cho rằng: “Tên tội phạm này tứ chi và cơ thể cường tráng. Giờ ghép đầu một nhà bác học vào cơ thể ấy thì sẽ gây ra nguy hiểm và là một lãng phí rất lớn”. Nhưng lại có ý kiến khác cho rằng, việc ghép đầu của Mikhalov vào thân một người trai trẻ, sẽ làm cho một nhân tài già nua được cải lão hoàn đồng, nhà khoa học có được một sinh mệnh mới, sẽ đóng góp được nhiều hơn cho loài người.
Để đề phòng gián điệp phương Tây phá hoại, công việc ghép đầu Mikhalov được giữ kín. Mãi đến khi Liên Xô giải thể, Cục tình báo Nga thấy không cần giữ bí mật nữa, mới đồng ý cho Viện khoa học Nga tiết lộ công trình này.
Theo tin tức được tiết lộ, người lắp ghép đầu Mikhalov đã sống được 3 năm. Trong thời gian này, ông hằng ngày phải uống rất nhiều thuốc để chống sự dị ứng giữa đầu và thân. Nửa năm đầu, ông ta hoàn toàn mất trí nhớ. Sau đó, trí nhớ dần dần được khôi phục, đó là ký ức của bệnh nhân ung thư - nhà khoa học Mikhalov. Rồi cá tính của Mikhalov cũng được khôi phục. Có một điều xảy ra ngoài dự kiến của các bác sĩ, đó là “người mới” cũng kế thừa thói láu cá của tên tội phạm.
Năm 1995, tại Thụy Sĩ xảy ra một tai nạn giao thông nghiêm trọng. Một đôi nam nữ yêu nhau bị xe cán phải đưa vào bệnh viện. Chân tay và thân thể người con trai bị dập nát hết nhưng cái đầu còn lành lặn không bị một vết thương nào. Người con gái thì trái lại, đầu bị vỡ nhưng thân thể còn nguyên vẹn. Và ý tưởng “cắt ghép” cho đôi trai gái đã nảy sinh.
Sau khi được người nhà nạn nhân đồng ý, ca phẫu thuật được tiến hành và đã thành công. Các bác sĩ đặt cho “người mới” cái tên Vixia. Nhưng một vấn đề thật nan giải xuất hiện: Nên xác định Vixia là nam hay nữ. Nếu căn cứ vào đặc tính của bộ phận sinh dục để xác định giới tính thì Vixia là phụ nữ. Còn nếu căn cứ vào trung tâm điều tiết hành vi và ý thức sinh dục là trung khu đại não thì Vixia lại là nam. Ý kiến của các bác sĩ rất trái ngược về điều này. Thêm nữa, Vixia thuộc về nhà trai hay nhà gái? Hai gia đình đã xảy ra tranh chấp, không chịu nhường nhau.
Những tiến bộ gần đây của khoa học ghép tạng với khả năng loại trừ hiện tượng đào thải sau ghép khiến người ta tin tưởng hơn vào thành công tiếp theo của kỹ thuật ghép đầu. Tuy nhiên, cùng với các vấn đề đã kể trên còn nhiều câu hỏi được đặt ra. Chẳng hạn, có nên thực hiện việc “tráo mình” cho một ông già 70 tuổi muốn có thân thể cường tráng tuổi thanh niên? Bác sĩ người Mỹ Robert White, một chuyên gia hàng đầu thế giới về ghép đầu cho biết, ông sẽ không bao giờ làm chuyện đó cho dù có được trả rất nhiều tiền.
Theo dự báo của các nhà khoa học, cuối thập niên 20 của thế kỷ này, kỹ thuật ghép đầu người sẽ được hoàn thiện.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)