Kiểm định an toàn gas ở Công ty Petrolimex. |
11h20 ngày 26/3, tại phường Hòa Thuận, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng xảy ra vụ nổ bình gas tại nhà bà Nguyễn Thị Hồng làm 5 người bị bỏng nặng. 18h15 ngày 21/2, ở 109 Điện Biên Phủ, phường 17, quận Bình Thạnh, TP HCM xảy ra cháy nổ gas tại đại lý gas của bà Nguyễn Thị Tiết khiến một người chết, 4 người bị thương, sập một căn nhà 80 m2.
Trước đó nữa, một chiều cuối tháng 3/2003 tại đường Nguyễn Tri Phương (phường 12, quận 10, TP HCM), một cụ già 70 tuổi đã bị hất tung ra khỏi cửa và sau đó đã chết trong bệnh viện khi bình gas 13 kg trong nhà phát nổ...
Danh sách các nạn nhân do nổ bình gas gia đình đang có chiều hướng dài thêm, bởi cho đến nay sự bất cập về quy định an toàn trong mua bán, vận chuyển, sử dụng gas đang rất phổ biến.
Bà Mai (ngụ ở phường An Khánh, quận 2, TP HCM) lần đầu tiên sử dụng bếp gas gia đình. Đến một cửa hàng bán bếp gas kiêm phân phối bình gas, ngoài bếp gas, bà Mai còn mua thêm các thiết bị đi kèm bếp gồm: dây, van và bình gas Sài Gòn Petro màu xám với giá 400.000 đồng. Bà không lấy hóa đơn, không lấy phiếu bảo hành, bảo hiểm và cũng không xem hiệu dây, van của bình gas vì cho rằng mọi thứ đã được đại lý gas lo "trọn gói", bà chỉ việc... xài, nếu có trục trặc gì lại kêu đại lý.
Hiện trường một vụ cháy nổ do gas. |
Trường hợp bà Mai không phải là duy nhất, mà có thể nói đa số người tiêu dùng đều rất "vô tư", dễ dãi giao phó sinh mạng cả gia đình của mình cho các đại lý gas.
Hỏi mua một bình gas mới tại một đại lý gas trên đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận, ngoài việc xác nhận bình gas của các thương hiệu lớn như Petrolimex, PetroVietnam hay Saigon Petro... người bán không hề giải thích gì thêm là van, dây có nguồn gốc từ đâu, nếu xảy ra sự cố người tiêu dùng sẽ được bảo vệ thế nào. Chị Phúc, nhà ở chung cư 43 Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận cho biết, rất nhiều lần theo số điện thoại của đại lý H.H (không có địa chỉ) chị gọi bình gas loại này, họ lại mang cho loại khác. "Vì nhà mình ở trên cao, họ leo lên 2-3 tầng lầu mà mình lại bắt đổi thì thấy tội nghiệp người ta...", chị Phúc nói. Nhưng chị và nhiều người khác nữa đâu ngờ rằng sự thông cảm kia đã tiếp tay cho một kiểu làm ăn không đàng hoàng.
Tại thị trường TP HCM hiện có khoảng 40 công ty kinh doanh gas (có thương hiệu), nhưng trên thực tế khoảng 1/3 trong số đó kinh doanh không đàng hoàng. Phương thức kinh doanh của họ là sang chiết gas vào bình của tất cả các công ty có thương hiệu rồi niêm phong, trà trộn với bình gas chính hiệu để bán đồng giá. Làm theo cách này họ gần như chẳng phải đầu tư gì, trong khi những công ty làm ăn đàng hoàng phải đầu tư chi phí mỗi bình gas khoảng 350.000 đồng, chưa kể chi phí cho các khâu quản lý, tiếp thị, quảng bá thương hiệu...
Theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP HCM, gần như 100% các vụ kinh doanh gas giả hiệu bị phát hiện là vi phạm dưới hình thức chiết nạp trái phép này. Gần đây, một "thương hiệu" mới là T.T đã sử dụng thêm thủ đoạn gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Gas của "thương hiệu" này có đủ loại từ màu xám của Sài Gòn Petro, màu hồng của PetroVietnam đến màu xanh của BP Gas, màu đỏ của Elf gas... Người tiêu dùng chỉ cần gọi: "Alô, mang cho bình gas màu xám" thì ngay lập tức một nhân viên đại lý chở đến một bình T. gas thay vì Sài Gòn Petro.
Mà ngay cả bình Sài Gòn Petro thứ thiệt thì cũng chưa hẳn được chiết nạp từ công ty. "Ngoại hình" không có gì khác biệt, chỉ người tiêu dùng am tường thì may ra biết niêm, màng co thật giả ra sao. Đội trưởng một đội QLTT TP HCM cũng phải thốt lên: "Ngay cả tem chống hàng giả cũng bị làm giả bởi các "nhà in" ẩn sâu trong khu vực Chợ Lớn. Còn màng co, niêm thì giả rất phổ biến". Hiện nay, việc chống gas giả gần như một chuyện dài nhiều tập ở các đội QLTT.
Theo Thanh Niên, qua tìm hiểu tại các công ty kinh doanh gas, từ trước đến nay, mặc dù bảo hiểm đã được mua cho sự cố nổ bình gas nhưng trong thực tế chưa hề có một vụ bồi thường nào vì lý do bình gas nổ; tất cả các vụ nổ gas được ghi nhận đều có nguyên nhân từ các van, dây. Điều này cũng đã được một cán bộ thuộc Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) xác nhận. Kể cả Petrolimex có bảo hiểm cả van và dây bán đồng bộ với bình gas nhưng ông Hoàng Anh - Giám đốc chi nhánh Gas Petrolimex Saigon - cũng thừa nhận là từ trước tới nay chưa phải bồi thường bảo hiểm cho một vụ nào cả.
Không phải là các công ty kinh doanh gas trốn tránh trách nhiệm khi xảy ra sự cố. Thực tế là do tình trạng làm giả gas đang xảy ra dưới nhiều hình thức, từ việc sử dụng vỏ bình "chính hãng" để sang chiết trái phép cho đến "nhái" màu của vỏ bình gas gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng... dẫn đến tình trạng có khi người tiêu dùng được đại lý giao một bình gas có nhãn hiệu rõ ràng nhưng thực ra không phải là sản phẩm của hãng đó. Hay rất nhiều vụ tai nạn gas xảy ra ở các hộ gia đình xuất phát từ nguyên nhân xì gas từ dây và van điều áp. Trong khi thị trường đang tràn lan loại van quá hạn sử dụng, là hàng xài lại; thậm chí dây nối từ bình gas qua bếp được nhiều đại lý sử dụng... ống nước thay vì ống dây đúng chuẩn, không cháy và được bảo hành từ 6 đến 10 năm.
Sau vụ nổ bình gas ngày 22/3 tại căn hộ 171/C4 khu đô thị mới Đại Kim mà nhà cung cấp bình gas là một địa chỉ "ma", nhiều người Hà Nội vội kiểm tra địa chỉ của số điện thoại ghi trên bình gas trong bếp và giật mình...
Ông Trần Đăng Nghị ở Kim Liên, Đống Đa cho biết: "Sau khi biết tin về vụ nổ gas, tôi kiểm tra lại địa chỉ của cửa hàng bán gas cho gia đình. Thân bình dán tờ giấy ghi Tổng đại lý gas và bếp gas Hồng Sơn, kèm theo số điện thoại của cửa hàng là 5.115511. Nhưng tờ giấy đó lại không có một dòng nào ghi địa chỉ cửa hàng. Tôi hỏi 1080 thì được trả lời là chủ nhân số điện thoại 5.115511 đề nghị bưu điện không cung cấp địa chỉ". Ông Phạm Văn Tỉnh (Phòng Kinh doanh Công ty cổ phần Gas Petrolimex) cảnh báo: "Tất cả các trường hợp sang, bán gas nhỏ lẻ, địa chỉ không rõ ràng đều không an toàn. Bản thân Gas Petrolimex cũng không có cách nào bảo vệ khách hàng. Đã có rất nhiều trường hợp người ta lấy bình màu xanh, có in biểu tượng của Gas Petrolimex để sang gas trái phép, bán cho người tiêu dùng". Ông Tỉnh khuyên: "Để đảm bảo an toàn và không bị thiếu hụt về số lượng, khi mua gas khách hàng nên tìm đến những công ty lớn, có uy tín".
Theo quy định, ngoài việc đảm bảo các điều kiện về phòng chống cháy nổ, các cửa hàng kinh doanh gas còn phải có một mặt bằng nhất định, có địa chỉ cụ thể, có giấy phép đăng ký kinh doanh. Ông Phạm Bá Dục - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội khẳng định: "Tất cả những trường hợp không đủ điều kiện đều bị chúng tôi xử lý nghiêm". Tuy nhiên, khi đề cập đến các trường hợp trên, ông Dục thừa nhận: "Khi kiểm tra những cửa hàng không đảm bảo các yêu cầu về phòng chống cháy nổ hay không có giấy phép đăng ký kinh doanh, chỉ những cơ sở có địa chỉ cụ thể thì chúng tôi mới xử lý được, còn những trường hợp kinh doanh "ma" thì rất khó". Theo chúng tôi, kiểm tra việc kinh doanh gas không đến nỗi quá khó khăn, ngay cả những trường hợp "ma" như số điện thoại "bí mật" kể trên, vấn đề còn lại là có cương quyết làm hay không mà thôi. |