Sau khi trải qua muôn vàn khó khăn và đấu tranh vất vả trước sự cấm đoán của gia đình nhà chồng, cuối cùng tôi và chồng tôi cũng đã làm đám cưới. Và cũng thật là may mắn vì kể từ sau đám cưới đó thì cái nhìn của bố mẹ chồng dành cho tôi đã khác nhiều so với những ngày còn cấm đoán trước kia.
Cái Tết đầu tiên của tôi ở nhà chồng cũng thật là có nhiều "kỷ niệm", lúc ấy tôi đang có bầu. 29 Tết, hai vợ chồng tôi sắp sửa đồ chuẩn bị về quê thì mưa như trút nước, đợi mãi không tạnh nên phải liều mình đội mưa ra đi xe bus sang bến xe Mỹ Đình. Về đến bến Đò Quan, trời lạnh căm căm mà mãi không thấy bóng dáng xe bus đâu, chồng tôi nhìn thấy vợ co ro, tóc tai gió thổi lòa xòa, mặt mũi xơ xác, thương quá gọi ngay taxi (sướng vợ sướng cả bản thân), nhưng taxi chỉ về được đến đầu ngõ là tôi phải cho dừng ngay vì sợ bố mẹ chồng nhìn thấy các cụ lại tiếc tiền. Vào nhà bố mẹ xuýt xoa: "Sao không gọi bố ra đón?".
Tôi trải qua cái Tết đầu tiên suôn sẻ ở nhà chồng. Ảnh minh họa: Inmagine. |
Buổi tối, tôi thẽ thọt đưa cho mẹ chồng ít tiền biếu ông bà tiêu tết, bà gạt phăng đi bảo:"Tết nhất chúng mày về với bố mẹ là vui rồi, không phải tiền nong gì cả. Cứ cất đi ít nữa sinh con có cái mà dùng". Thế rồi mẹ quay đi, còn tôi… ngơ ngẩn và có phần ngài ngại.
Ngày 30 Tết, sáng tinh mơ chồng tôi đã nhắc nhở tôi dậy sớm giúp đỡ mẹ rồi. Theo chân mẹ, tôi hỏi han chuyện sắm Tết và chỉ nhận được câu trả lời ngắn gọn là "mẹ đã mua đủ hết rồi" (mà cũng đúng là thế thật). Vì có bầu nên sáng hôm ấy tôi được ở nhà, còn mấy người đàn ông trong nhà có trách nhiệm ra mộ thắp hương hoa và mời các cụ về ăn Tết.
Có lẽ đã lâu lắm rồi tôi mới lại có cảm giác háo hức trong ngày Tết như thế. Theo đúng nghi lễ, tôi là dâu mới nên Tết này phải đi làm thủ tục nhận họ. Thực ra cũng không có gì, chỉ là theo chân chồng và các bác các chú đi gửi Tết và chúc Tết sớm, đồng thời giới thiệu ngược xuôi để dâu nhận họ, họ nhận dâu. Có điều là họ nhà chồng rất to, đi mãi không hết, từ tổ họ đến đầy đủ các chi, các ngành, mỏi nhừ hết cả người, nhưng mà vui vì đi đến đâu tôi cũng được... lì xì (điều này thì tôi hoàn toàn bất ngờ), về nhà chồng cứ tấm tắc bảo vợ sướng.
Giao thừa năm ấy cũng thật là ấn tượng. Như mọi năm ở nhà mình tôi có thể đi chơi, có thể ở nhà, nhưng đến thời khắc giao thừa thì bố mẹ tôi cũng chỉ làm cơm cúng, sau đó cả nhà ngồi ăn một chút lấy lộc đầu năm. Thậm chí vì nhà bán hàng nên đến lúc ấy mệt quá bố mẹ cũng ngủ luôn. Còn lần này, đã có sự khác biệt. Bố mẹ chồng cũng vẫn làm cơm, thắp hương đầy đủ, nhưng khi sắp 12h, cả nhà kéo nhau lên sân thượng cùng nhau ngắm pháo hoa. Không phải là pháo hoa to như các tụ điểm nhà nước bắn mà chỉ là những quả pháo nhỏ như quả quýt, nhưng nhà nào cũng có vài quả, và lúc ấy cùng nhau bắn lên. Ở đâu đó xa xa bên Thái Bình họ còn thả nhiều đèn trời nữa, cứ đỏ rực cả một góc trời đêm. Vẫn biết là đốt pháo là vi phạm, nhưng cái cảm giác đón giao thừa khi xung quanh mình lung linh rực rỡ, lại có người đứng cạnh xiết chặt đôi tay thật là thích và thật là khó quên.
Mùng 1 Tết, tôi không còn phải đi nhận họ nữa, thay vào đó là đi chúc tết các nhà anh chị em của bố mẹ chồng thôi, thế nên tôi thấy vui vẻ gần gũi hơn, và cũng vẫn được nhận rất nhiều lì xì. Có một điều tôi thấy lạ là ở quê chồng, khi đi chúc tết thì chỉ mừng tuổi tiền cho các cụ già và trẻ con thôi, chứ trung niên thì không có gì. Đến nhà chúc Tết thì mang theo gói bánh, gói kẹo, cân đường (cái này thì quay vòng được nhé), có khi là cả bánh chưng, nghĩ mà thấy như đi buôn, buồn cười thật, nhưng mà nghĩ lại thì mới thấy như thế tình cảm lắm, khác hẳn cái kiểu bạ đâu cũng tiền, nghĩ đến việc không có tiền là chẳng dám đi đâu.
Nói chung là cụm từ "dâu mới" vô hình chung đã mang lại cho tôi vô cùng nhiều thuận lợi trong cái khoảng thời gian đầu tiên ấy. Vì là dâu mới nên cái Tết đầu tiên ở nhà chồng gần như không phải làm gì, vì cả mấy ngày chỉ có đi chúc tết, đến giờ về ăn cơm thì mọi thứ đã bày sẵn ra rồi. Cũng vì là dâu mới nên đến ngày mùng 2 tết chồng tôi đã xin phép cho hai vợ chồng tôi lên trên này, lý do là để cho chồng nhận họ vì là rể mới, và bố mẹ chồng cũng như các bác các chú đều rất vui vẻ ủng hộ, cho rằng như thế là phải phép, còn chuẩn bị cho nào gà, nào gạo, nào đỗ.... Cuối cùng đi lên trên nhà tôi, bố tôi bảo: "Họ thì đông, đợi bao giờ có cỗ thì về gặp tất cả mọi người chứ giờ đi đến bao giờ mới hết". Thế là xong! Còn hai ngày nghỉ của chồng, hai vợ chồng thi nhau ngủ nướng, trong khi đó bố mẹ chồng thì chẳng hay gì, vẫn cứ đinh ninh rằng con trai đang mệt nhoài trong lễ nghi nhận rể bên nhà vợ.
Tết đầu tiên của tôi ở nhà chồng trên cương vị dâu mới, lại là dâu trưởng đã trôi qua như vậy đấy. Có thể nói là may hơn khôn khi mọi việc đã diễn ra êm đẹp. Giờ lại sắp đến Tết, và trong lòng tôi đang tràn ngập lo âu, không biết điều gì đang chào đón mình trong những ngày sắp tới, vì bây giờ, tôi không còn là cô dâu mới về nhà chồng, mà tôi phải làm tròn bổn phận của người con dâu trưởng đúng nghĩa…
* Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết nguyên đán, những cô dâu vừa bận rộn chuẩn bị xong cho đám cưới của mình thì giờ đây lại lao vào nỗi lo mới: Đón Tết đầu tiên ở nhà chồng. Có những người bỡ ngỡ trước những thay đổi mới nhưng được sự giúp đỡ của chồng và gia đình chồng nên được đón cái tết ấm áp, đáng nhớ.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người phải chịu uất ức, tủi hổ và nhiều khổ sở khi lần đầu về làm dâu, nhất là những cô dâu trưởng. Mời độc giả cùng chia sẻ về kỷ niệm lần đầu về làm dâu ngày Tết của mình về địa chỉ cuoihoi@ngoisao.vnexpress.net.
Vũ Hòa