Gia Phúc (Anh Tú) là thanh niên lông bông, không nghề ngỗng, lúc nào cũng đau đáu về xuất thân từ cô nhi viện. Quá trình trưởng thành, anh luôn thù đời, hận mẹ vì đã bỏ rơi mình từ khi đỏ hỏn lọt lòng.
Oán trách thế giới tàn nhẫn, Phúc va chạm đời từ khi chưa đủ tuổi thành niên, vướng vào nhiều cuộc ẩu đả và dần trở nên gai góc. Một lần trốn chạy giang hồ, anh vô tình rơi xuống sông. Vào bờ thoát nạn, Phúc nhận ra mình đang ở thời điểm năm 1997, chứ không còn là năm 2024.
Ở đây, anh may mắn được bà chủ nhà trọ Mỹ Lê (Lê Giang) cưu mang và kết thân với những người bạn mới gồm Huyền (Diệu Nhi), Ngọc (Ngọc Phước) và Tuấn (Quốc Khánh). Sống trong cùng một nhà, họ yêu thương và giúp đỡ nhau từ công việc đến đời thường. Song, cuộc sống vui vẻ của cả nhóm bất ngờ rẽ hướng khi Huyền phát hiện mình mang thai và quyết định sẽ sinh con.
Suốt thai kỳ của Huyền, Phúc luôn kề cạnh chăm sóc, giúp cô vượt qua nhiều trở ngại về tinh thần lẫn sức khỏe. Và cũng nhờ hành trình đó, Phúc nhận ra ý nghĩa cuộc sống, cũng như biết được sự thật đằng sau quá khứ thiếu thốn của bản thân.
Xuyên không là chủ đề quen thuộc của điện ảnh thế giới, đặc biệt là thị trường phim Hoa Ngữ, Hàn Quốc, Nhật Bản. Ở Việt Nam, Cô ba Sài Gòn ra mắt năm 2017 là cái tên nổi bật của dòng phim này. Với những tác phẩm xuyên không, nhân vật chính thường đang trải qua nhiều khủng hoảng cá nhân và bí bách trong cuộc sống. Sau đó, họ sẽ vô tình ngược về quá khứ hoặc đi tới tương lai để góp nhặt nhiều bài học giúp bản thân trưởng thành hơn, từ đó nhận ra giá trị tốt đẹp của hiện tại.
Trong Gặp lại chị bầu, Phúc lớn lên thiếu vắng hơi ấm gia đình, không cảm nhận được tình yêu từ ngày nhỏ. Lúc trưởng thành, anh không biết cách thể hiện tình yêu với người phụ nữ bên cạnh. Ở cuộc tranh cãi đầu phim với bạn gái, Phúc tỏ rõ sự ghen tuông, đôi lúc bộc phát thói gia trưởng, ích kỷ và kiểm soát người yêu quá đà. Với anh chàng, bạn gái là người thân duy nhất nên anh luôn làm mọi cách để không đánh mất cô, dẫu hành động có phần tiêu cực.
Dù luôn "hổ báo" như thế, khi băng giang hồ đến đòi nợ, anh lại nhanh chóng tẩu thoát, van nài sự cảm thông của chủ nợ, thậm chí còn dọa nhảy cầu nếu bị ép trả tiền. Đâu đó trong Phúc vẫn còn nhiều nỗi sợ, xuất phát từ những vết thương lòng đã hằn sâu và nỗi tự ti không gia đình.
Song, do từng được nuôi dạy bởi các sơ ở cô nhi viện, Phúc vẫn là một người lương thiện và lành tính, chứ không hoàn toàn bị "hắc hóa" bởi cuộc đời. Khi thấy Huyền đuối nước hay bà Lê bị kẻ xấu tấn công, anh sẵn sàng ra tay nghĩa hiệp, dù không biết những người đó là ai.
Ở cùng bà Lê và những người bạn mới, Phúc lần đầu cảm nhận được tình cảm gia đình ấm áp. Ăn những món đơn giản như trứng chiên hay gà kho gừng, anh vẫn thấy đó là niềm hạnh phúc vô bờ. Phúc cũng tin tưởng để trải lòng với bà Lê, can đảm gọi tên những thương tổn mà bản thân luôn giấu giếm suốt năm tháng đằng đẵng.
Giống Phúc, Huyền, Ngọc và Tuấn đều có số phận không trọn vẹn. Gặp nhau, họ tâm tình và kết thân vì tìm được sự đồng cảm. Với cả nhóm, gia đình không nhất thiết là những người máu mủ ruột thịt, mà chính là những người luôn kề cận thấu hiểu và thật tâm san sẻ buồn vui cùng mình.
Phúc, Huyền, Ngọc và Tuấn vẽ nên thứ tình thân quý báu giữa những người xa lạ, dù họ đều làm việc chung trong môi trường nhiều cạm bẫy và con người luôn dễ dàng lợi dụng nhau. Tháng ngày sống dưới cùng một mái nhà với nhóm bạn, Phúc dần biết sống vì người khác, tôn trọng cảm xúc đối phương, hợp tác cùng tập thể và chan hòa với cộng đồng.
Khi biết Huyền mang thai, anh sốt sắng lo chuyện thuốc thang, chở cô đến bệnh viện khám và kiêm luôn vai trò shipper chuyển hàng cho khách giúp Huyền, khác hẳn thái độ bất mãn khi biết tin người yêu có bầu ở đầu phim. Song, vẫn có lúc anh không hoàn toàn đồng ý những quyết định của Huyền lúc bụng mang dạ chửa.
Với anh, lo cho con hơn bản thân là một sự ích kỷ. Xuất thân là trẻ mồ côi, Phúc biết rõ những khó khăn mà một đứa bé không cha không mẹ, từ việc thiếu tình thương, phải tự vươn lên giữa dòng đời đến việc đối diện cái nhìn đầy định kiến của xã hội.
Trong khi qua nhân vật Huyền, phim khắc họa tình mẫu tử cao quý. Dù chịu cảnh ngặt nghèo, người mẹ làm mọi cách để bảo vệ con. Phúc cũng từ đó ngộ ra tình thân gia đình luôn hiện hữu trong đời sống và thay đổi những chấp niệm trong câu chuyện cá nhân.
Vào vai Huyền, Diệu Nhi phá bỏ hình tượng hài hước quen thuộc để đảm nhận một nhân vật có số phận bi thương. So với những dự án trước đây, vai Huyền đánh dấu bước chuyển ấn tượng trong sự nghiệp nữ diễn viên, cho thấy lực diễn của cô đã tốt hơn.
Vượt khỏi vòng an toàn, cô chứng minh khả năng diễn xuất đa dạng, dẫn dắt tâm lý khán giả tốt. Ở các khung hình chung với những "cây hài" như Lê Giang, Ngọc Phước, Diệu Nhi hoàn toàn lùi lại, tiết chế, không ham quăng mảng miếng, nhường "đất" cho bạn diễn tỏa sáng. Suốt phim, dù tình huống buồn hay vui, nữ diễn viên vẫn giữ vững điệu bộ khép nép của nhân vật cùng đôi mắt chất chứa nhiều nỗi niềm.
Anh Tú cũng cho thấy sự tiến bộ rõ rệt trong diễn xuất. Anh thể hiện trọn vẹn hành trình chữa lành đứa trẻ bên trong của nhân vật Phúc, chuyển biến tâm lý mượt mà của một thanh niên từ bất cần đến giàu lòng yêu thương.
Anh Tú – Diệu Nhi dù lần đầu cùng nhau đóng chính trong một phim tình cảm, không tạo cảm giác "vợ chồng đóng phim". Mỗi người đều có cách lột tả cảm xúc riêng, tương tác tốt, khiến khán giả tin vào số phận đặc biệt của từng nhân vật.
Lê Giang, Ngọc Phước và Quốc Khánh đều làm tròn vai trò hỗ trợ cặp diễn viên chính, hài hước vừa đủ, không lố lăng, giúp người xem cảm nhận được sự chân thành giữa những người xa lạ với nhau.
Dù vậy, Gặp lại chị bầu còn gặp nhiều vấn đề trong việc phát triển đường dây kịch bản. Ở hơn một tiếng đầu tiên, hầu như câu chuyện chỉ quanh quẩn việc các nhân vật sinh hoạt như thế nào, giúp đỡ nhau ra sao, không có biến cố lớn nào xảy ra, khiến mạch phim kéo dài một cách không cần thiết.
Việc dàn trải các chi tiết không quan trọng cũng làm tác phẩm trở nên lê thê. Nhân vật Hạnh do Kiều Minh Tuấn thủ vai hoàn toàn có thể lược bỏ do hoàn toàn không có vai trò gì trong việc thúc đẩy truyện phim.
Về thiết kế bối cảnh, phim mắc khuyết điểm lớn khi không thể hiện đúng tinh thần quá khứ. Dù tác phẩm lấy mốc thời gian năm 1997, trên tường cửa tiệm cho thuê băng đĩa lại xuất hiện poster In the Mood for Love, một phim ra mắt năm 2000.
Việc áp dụng những mảng miếng hài thời thượng vào bối cảnh xưa tạo cảm giác khiên cưỡng và không mang lại hiệu quả gây cười. Cách phim khai thác hình ảnh giang hồ để chọc cười khán giả cũng không còn phù hợp xu hướng giải trí hiện nay.
Đây là một trong bốn phim Việt chiếu Tết năm nay, bên cạnh Mai của đạo diễn Trấn Thành, Sáng đèn của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường và Trà của đạo diễn Lê Hoàng. Gặp lại chị bầu có hai ngày chiếu sớm vào 3 và 4/2 trước khi ra rạp từ Mùng Một Tết.
Đỗ Hoàng