Hơn 30 năm nay, gánh xôi bánh tiêu ngay góc đường Phan Đình Phùng - Ba Tháng Hai là một trong những địa chỉ ăn sáng yêu thích của người Đà Lạt. Cứ 5h30 mỗi ngày, cô Năm bắt đầu bày gánh hàng, bán đến tầm 10h là hết. Cuối tuần đông du khách thì khoảng 8h, cả hai nồi xôi đều "sạch bóng". Vì thế, muốn thưởng thức xôi cô Năm, bạn phải tranh thủ đi càng sớm càng tốt.
Người phụ nữ gốc Đà Nẵng cho biết, ngay từ khi bắt đầu bán, cô đã nghĩ ra món bánh tiêu dồn xôi. Lâu dần, món ăn được nhiều người địa phương yêu thích rồi trở thành thương hiệu gắn với cô suốt nhiều năm nay, khiến thực khách ăn một lần là nhớ mãi. Một phần bánh tiêu dồn xôi có giá 10.000 đồng, đủ lấp đầy chiếc bụng rỗng của bạn.
Trải qua bao năm, gánh hàng nhỏ vẫn nằm nép trên lề đường, đơn giản với hai nồi xôi hấp ấm nóng. Đi bộ ngang qua đây, bạn khó mà kiềm lòng trước hương thơm nức mũi của xôi. Cảnh thường thấy vào các buổi sáng trong tuần là từng tốp học sinh, phụ huynh tranh thủ ghé mua xôi ăn điểm tâm trước khi đi học. Trong đó, món bánh tiêu kẹp xôi là bán chạy nhất.
Cô Năm chỉ bán hai loại xôi quen thuộc là đậu phộng và nếp cẩm. Xôi nấu từ nếp dẻo, mềm nhưng không bị nhão, cũng không quá khô nên ăn rất vừa miệng. Xôi đậu phộng thì ăn kèm muối mè, một ít dừa già bào sợi mỏng. Tất cả nguyên liệu quyện với nhau thành vị béo, thơm bùi. Xôi nếp cẩm có màu tím sẫm nhờ lá cẩm, rắc thêm tí muối mè và đường. Nếu không thích ăn ngọt, bạn có thể dặn cô đừng bỏ đường vào xôi.
Chiếc bánh tiêu chiên vàng, xẻ làm đôi rồi nhét đầy xôi ở giữa trông như chiếc bánh hamburger. Bánh tiêu dai dai, không giòn do để lâu ngoài trời nhưng chính điều đó lại làm nên nét đặc trưng của xôi cô Năm. Bạn cũng có thể kết hợp cả hai loại xôi nhét trong vỏ bánh tiêu. Thông thường, cô làm sẵn từng phần xôi để có khách là giao ngay, khách không phải đợi lâu. Xôi không thì đựng trong bịch nylon, bọc bên ngoài lớp giấy cho dễ cầm. Sớm Đà Lạt trời se lạnh, bạn mua gói xôi kèm ly sữa đậu nành nóng hổi, vừa tiết kiệm, vừa đủ nạp năng lượng cho một buổi sáng.
Vi Yến
Ảnh Harry Pham