Bà Kartamma, sống ở Nagappattinam, Ấn Độ, mất 16 người thân trong cơn sóng thần. |
Hình ảnh động đất, sóng thần |
Động đất hơn 12.300 người chết |
Dịch có thể bùng phát sau sóng thần |
Các bãi biển du lịch của Nam Á đã biến thành cảnh chết chóc và tàn phá, sau khi những đợt sóng lớn nhất trong vòng 40 năm, do cơn động đất ở Sumatra (Indonesia) gây nên, đổ vào khu vực này hôm qua.
"Sự chết chóc đến từ biển cả", Satya Kumari, một công nhân xây dựng sống ở Pondicherry, Ấn Độ, cho biết. "Những con sóng đã đuổi theo chúng tôi và cuốn sạch những túp lều. Chúng tôi đã làm gì mà phải cảnh này?".
Những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Sri Lanka với khoảng 4.900 người chết, Ấn Độ với 5.600 người và Indonesia là 4.500 người. Số người thiệt mạng tại các điểm du lịch của Thái Lan được cho là khoảng 430, trong đó có nhiều khách du lịch nước ngoài.
Các cơ quan cứu trợ quốc tế đã đưa nhân viên, trang thiết bị và tiền tới khu vực này đồng thời cảnh báo rằng những xác chết phân huỷ đang đe doạ nguồn nước của những người sống sót.
"Đây có lẽ là thảm hoạ lớn nhất trong những năm gần đây bởi nó ảnh hưởng đến những vùng duyên hải có nhiều người sinh sống", ông Jan Egeland, điều phối viên cơ quan cứu trợ khẩn cấp của Liên Hợp Quốc, cho hay.
Tổ chức Chữ Thập Đỏ Quốc tế và Trăng Lưỡi liềm đỏ thông báo sẽ chi khoảng 6,5 triệu USD cho cứu trợ.
Tổng thống Sri Lanka Chandrika Kumaratunga, đang đi nghỉ ở Anh, cho biết: "Chúng tôi không được trang bị đủ để chống chọi với thảm hoạ như thế này vì chúng tôi chưa từng gặp một thảm hoạ nào như thế".
Đây cũng là thảm hoạ thiên nhiên tàn khốc nhất ở Sri Lanka trong những năm gần đây. Giới chức nước này dự báo rằng số người chết còn tiếp tục lên cao khi các binh sĩ tìm kiếm những xác chết trôi nổi ngoài biển và các mảnh thi thể trên bờ biển.
Các binh sĩ Indonesia đang tìm kiếm những xác chết mắc kẹt trên những ngọn cây và trong những căn nhà đổ nát. "Mùi thật kinh khủng. Xác người chết lẫn với xác động vật như chó, mèo, dê và cá", đại tá hải quân Buyung Lelana, người phụ trách cứu hộ tại Sumatra, cho hay.
Thi thể các em bé trong những bộ sarong được đặt hành hàng tại những nhà xác tạm. Số khác được đặt trong những thùng cá màu trắng. Bên cạnh đó, các bà mẹ gào khóc bên xác những đứa con.
Khách du lịch, ngư dân, nhà cửa và xe cộ đã bị những bức tường nước cuốn trôi. Cơn chấn động 8,9 độ Richter lúc 7h59 sáng qua gây ra sóng thần cao tới 10 m tấn công bờ biển Sumatra, lan tới châu Phi làm ít nhất 9 người ở Somalia thiệt mạng.
Số người thiệt mạng: |
Sri Lanka: 13.000 Indonesia: 4.500 India: 3.500 Thái Lan: 866 Maldives: 52 Malaysia: 44 Burma: 30 Bangladesh: 2 |
Nhân viên cứu hộ Ấn Độ đang tích cực tìm kiếm hàng trăm ngư dân bị mất tích. Thủ tướng Manmohan Singh đặt lực lượng đặc nhiệm trong tình trạng báo động. "Tôi rất kinh hoàng khi nhìn thấy cảnh vô số thuyền đánh cá bị những đợt sóng cuốn và bị đẩy đi như những tờ giấy", một ngư dân tên là P. Ramanamurthy, 40 tuổi, nói.
Rất nhiều khu vực trong vùng bị tàn phá không có điện. Tại Tamil Nadu, Ấn Độ, một chi nhánh của Trạm năng lượng hạt nhân Madras, đã phải ngừng hoạt động sau khi nước tràn vào. Lực lượng không quân Ấn Độ dự định sẽ thả những máy phát điện diesel cùng với thức ăn và thuốc xuống khu vực bị tàn phá.
"Thái Lan chưa từng chứng kiến thảm hoạ nào tương tự", Thủ tướng Thaksin Shinawatra phát biểu. Ở các khu đảo du lịch nổi tiếng nam Thái Lan, nhân viên cứu hộ đã tìm và cứu được hơn 70 thợ lặn thám hiểm hang Emeral nổi tiếng. Hơn 600 khách du lịch đã được di tản khỏi đảo Ko Phi Phi, nổi tiếng sau bộ phim "Bãi biển" (The Beach) của Leonardo DiCaprio. Chính phủ Thái Lan yêu cầu người dân di tản khỏi các bờ biển, bao gồm các bãi biển nổi tiếng như Phuket và Krabi.
Hàng nghìn người Sri Lanka thoát khỏi cơn sóng thần đã sơ tán tới khu vực cao hơn để tránh các đợt sóng tiếp theo. "Quân đội và hải quân đã gửi những đội cứu hộ tới đây; chúng tôi cũng đã triển khai 4 máy bay lên thẳng và một nửa số chuyên cơ của hải quân được dùng để tìm kiếm những người còn sống sót", phát ngôn viên cảnh sát Daya Ratnayake cho biết.
Nơi bị tàn phá nặng nề nhất là khu du lịch tại miền nam và miền đông. Tại đây, nhiều khách sạn đã bị đánh sập và bị cuốn trôi. "Căn cứ hải quân của chúng tôi tại Trincomalee nằm dưới biển. Chúng tôi đang cố gắng cứu người", phát ngôn viên của hải quân Jayantha Perera cho biết. Chính phủ Sri Lanka đã lên tiếng kêu gọi sự giúp đỡ của toàn thế giới.
Theo VnExpress, tại Sumatra (Indonesia) động đất phá huỷ rất nhiều toà nhà, nhưng những đợt sóng thần mới là nguyên nhân gây ra nhiều người chết và thiệt hại nặng nề nhất. Theo Els Mangundap, một quan chức bộ Y tế, khu vực Aceh bị thiệt hại nghiêm trọng nhất với 1.400 người chết. Liên lạc tới khu vực này bị cắt đứt. Người thân của nạn nhân đang tìm xác người thân của họ được gói trong chăn và giấy.
Các nhà khoa học nhận định số thương vong có thể ít hơn nếu Ấn Độ và Sri Lanka có hệ thống cảnh báo quốc tế được thiết kế để tư vấn cho người dân gần các bờ biển tránh các trận sóng chết chóc. Mặc dù Thái Lan cũng có hệ thống trên nhưng bờ biển phía tây không có hệ thống đo sóng.
Đại sứ VN tại Indonesia Nguyễn Hoàng An hôm qua cho biết cộng đồng người Việt ở đây chủ yếu tập trung ở thủ đô Jakarta, cách xa tâm động đất và đến giờ mọi người vẫn an toàn. Từ Ấn Độ, ông Nguyễn Lương Ngọc, bí thư thứ ba đại sứ quán VN cho biết chưa nhận được thông tin bất lợi nào về cộng đồng người Việt từ cơ quan chức năng. Theo ông Ngọc, vì lượng người Việt ở Ấn Độ và Sri Lanka không đông nên sứ quán theo dõi rất sát. (Tuổi Trẻ) |
Do đó, khi sóng thần xảy ra, không hề có cảnh báo nào hết. Nhiều em bé thậm chí còn đuổi bắt cá bị văng ra trên bãi biển sau đợt sóng thứ nhất. "Chỉ một lúc sau, một loạt đợt sóng thứ hai tới", một phóng viên cho biết. Anh đã phải đứng trên xe hơi nhưng "chỉ trong vài phút, chiếc xe của tôi đã chìm trong nước. Nóc xe cũng bị sụp".
"Tôi cùng với nhiều người khác chạy đến những khu vực cao hơn. Nhiều người mang theo cả người thân đã chết hoặc bị thương. Một số người chết vẫn còn nằm trên đường, được phủ bởi chăn hoặc quần áo. Nhiều người khác tìm kiếm người thân trong số này", anh nói.
Indonesia, đất nước của 17.000 hòn đảo, thường xuyên phải gánh chịu những cơn địa chấn do vị trí địa lý nằm trong "vành đai lửa" của Thái bình dương. Động đất tại Indonesia xảy ra chỉ ba ngày say khi một trận động đất 8,1 độ Richter xảy ra tại lòng đại dương giữa Australia và Nam cực khiến các ngôi nhà cách đó hàng trăm mét rung chuyển. Tuy nhiên, cơn chấn động này không gây ra thiệt hại hay thương vong.
Động đất ở mức trên dưới 8 độ Richter rất hiếm khi xảy ra. Gần đây, một trận động đất 8 độ đã xảy ra tại đảo Hokkaido, Nhật, hôm 25/9/2003 làm gần 600 người bị thương. Ở Peru cũng xảy ra một trận động đất 8,4 độ Richter ngày 23/6/2001 làm 74 người thiệt mạng.
Lời kể của một người bơi trong sóng thần
Michael Dobb, phóng viên Washington Post đang du lịch tại Sri Lanka, kể về trải nghiệm của mình trong cơn sóng thần hôm chủ nhật. Sáng sớm tinh mơ, tôi đang bơi quanh hòn đảo mà ông anh trai tôi mua cách đây 10 năm và biến nó thành một thiên đường nhiệt đới ở Sri Lanka, thì nghe thấy anh thét lên: "Quay lại! Quay lại! Có cái gì đó rất lạ ngoài biển!". Anh ấy bơi phía sau tôi, gần bờ hơn. Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Mọi thứ đều có vẻ hiền hoà. Mặt biển hầu như không gợn sóng. Thế rồi tôi nhận thấy nước xung quanh tôi dâng lên, biến thành một bức tường dựng đứng, trèo lên những vách đá của hòn đảo với tốc độ kinh khủng. Trong chớp mắt, bãi cát vàng bao quanh vịnh Welligama biến mất, nước dâng lên đến con đường dọc bãi biển, nơi có những hàng cây cọ. Trong lúc bơi vào bờ, tâm trí tôi chỉ có ấn tượng về hai thứ trái ngược: bầu trời xanh trong vắt và nước đang cuồn cuộn dâng lên. Chỉ trong khoảng một phút, mực nước lên cao tới 5 mét - nhưng mặt biển vẫn có vẻ phẳng lặng, hầu như không có sóng. Trong vòng vài phút, toàn bộ bãi cát và khu vực bên trong biến thành biển nước mênh mông, nước tràn qua đường và tấn công những ngôi nhà mỏng manh. Mọi thứ diễn ra chóng vánh như cảnh tượng trong kinh thánh - một hiện tượng thiên nhiên tôi chưa từng thấy trong đời. Tôi gần như mong đợi bắt gặp chiếc thuyền Noah. Thay vì Noah, tôi túm được một cái thuyền gỗ nhỏ mà ngư dân ở đây thường dùng đi câu. Anh tôi đang ở trên đó. Chúng tôi trồi lên hụp xuống cho đến khi sóng đưa chiếc thuyền vào trong một ngôi làng ở phía bên kia con đường. Khi nước ngừng dâng, tôi cảm thấy có thể nhảy ra và bơi vào chỗ cao. Nhưng cái mà tôi không nhận ngay lúc đó là nước sẽ rút đi cũng nhanh như khi nó dâng lên. Trong cơn hoảng hốt, tôi thấy mình lại bị lôi tuột ra biển với tốc độ kinh hoàng. Dù là tay bơi cự phách, tôi không thể chống đỡ được dòng nước xiết. Những chiếc thuyền đã bị sóng đánh tan ra từng mảnh, nhấp nhô trên sóng. Lần đầu tiên kể từ lúc mọi việc xảy ra, tôi sợ, tôi không đủ sức chống chọi và để bị nhấn chìm trong những cơn sóng cuốn ra khơi. Tôi cố sức chụp lấy một mảnh vỡ của thuyền, sức nặng của tôi khiến nó trôi chậm hơn và cuối cùng, chân tôi chạm cát. Khi nước rút ra, tôi bấu chặt lấy con đường chính chạy quanh bãi biển. Tiếng gào thét vang lên khắp nơi, từ những ngôi nhà đang ngập một nửa trong nước phía bên kia đường. Vẫn còn rất nhiều người đang ở bên trong đó. Một số dân làng chân trần chạy trên đường lớn, không thể hiểu nổi điều gì vừa xảy đến với họ. Tôi lo sợ chạy đi tìm vợ và mừng phát điên khi thấy cô ấy còn sống. Vợ tôi đang ở trên bãi biển thì bị sóng đánh dạt vào sân nhà một ai đó. Cô ấy bị chìm trong nước, vật lộn mất một lúc. May mắn làm sao, vợ tôi túm được một cái dây thừng và theo đó leo lên ngọn cây, trong khi nước réo sùng sục bên dưới. Chúng tôi không có điện, không có nước, không có thông tin. Không thể mua thực phẩm. Chúng tôi sống nhờ vào những miếng bánh kẹp đã nguội còn thừa từ bữa tối hôm Giáng sinh. Kỳ nghỉ mà chúng tôi mơ ước và lên kế hoạch bao lâu nay tan theo bọt nước, nhưng chúng tôi cảm thấy cực kỳ may mắn, may mắn vì sống sót. |