Hơn chục trường hợp ngộ độc nặng đã được chuyển lên cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh ngay trong đêm 17/9, số còn lại điều trị tại Trạm Y tế xã hoặc cho về nhà theo dõi. Các cháu đến cấp cứu đều có các dấu hiệu: đau bụng, nôn mửa, tức ngực, chóng mặt, mệt mỏi, lạnh chân tay…
![]() |
Các bác sĩ khám cấp cứu cho các cháu. |
Anh Nguyễn Văn Hảo (37 tuổi) ở khu 2 xã Vĩnh Lại, bố cháu Nguyễn Thị Hậu (3 tuổi), cho biết: "Cháu đi học về, tôi thấy cháu kêu mệt, không chơi như mọi ngày. Đến khoảng 18h, cháu kêu đau bụng, một lúc sau có biểu hiện nôn mửa, chân tay lạnh ngắt. Tưởng bị cảm, mẹ cháu đã cạo gió, nhưng cháu vẫn nôn ra nước và chất nhầy mầu trắng, người cứ lả dần. Đưa con ra trạm xá, đã thấy hàng trăm người đang tụ tập, hốt hoảng, lo lắng vì con, cháu mình cũng đang phải cấp cứu với những triệu chứng tương tự".
Mặc dù đã được cán bộ y tế xã khám, cho truyền dịch nhưng con anh Hảo vẫn tiếp tục nôn mửa và mệt li bì. Trạm Y tế xã Vĩnh Lại có 16 giường bệnh, tuy nhiên, do số cháu phải cấp cứu quá đông nên mỗi giường bệnh đã bố trí nằm 2 - 3 cháu. Nhiều cháu, bố mẹ phải bế đứng ngoài hành lang hay nhờ buồng nghỉ của các bác sĩ.
Chị Ngô Thị Nghiên, mẹ cháu Lê Kim Oanh (3 tuổi), cho biết chị đón con từ trường mẫu giáo về nhà lúc 16h30. Về nhà được một lúc, cháu nôn ra cơm, canh và bánh dày. Khoảng nửa tiếng sau, cháu lại tiếp tục nôn, lần này toàn nước và chút chất nhầy. Chị gọi người nhà đưa con ra trạm xá.
Sau khi được truyền dịch, cháu Oanh đã dần ổn định, không nôn, không kêu đau nữa, nhưng người vẫn mệt mỏi. Ngoài bé Oanh, chị còn 2 đứa cháu cũng bị ngộ độc như thế.
Theo cô giáo Trần Thị Dậu, Hiệu trưởng trường mầm non bán công xã Vĩnh Lại, trường có hai khu với 204 cháu học bán trú. Buổi trưa 17/9, các cháu ăn cơm với rau (do các cô trồng), thịt và đậu. Sau giờ ngủ trưa, khoảng 14h30, nhà trường có cho các cháu ăn bánh dày (mỗi cháu 1 chiếc), nhà trường đặt tại một cơ sở ở xã Sơn Dương (Lâm Thao).
Giờ học buổi chiều vẫn diễn ra bình thường. Khoảng 17h, cô nhận được tin báo từ trạm y tế xã và phụ huynh học sinh có một số cháu bị đau bụng, nôn ọe phải đưa đến cấp cứu tại trạm y tế. Đến 19h, số cháu có triệu chứng ngộ độc được đưa đến trạm y tế xã cấp cứu ngày một đông, tới gần 100 cháu. Qua chẩn đoán ban đầu, cán bộ y tế xã kết luận các cháu bị ngộ độc thức ăn và chỉ định truyền dịch, uống thuốc chống co thắt…
Ông Nguyễn Đình Thu, Phó trưởng công an xã Vĩnh Lại, cho biết: "Ngay sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã niêm phong và bảo vệ mẫu bệnh phẩm, mẫu thức ăn lấy từ trường học, trạm xá, đồng thời yêu cầu những người liên quan đến việc cung cấp thực phẩm, đồ ăn cho trường lên UBND xã để làm việc. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác gây ra ngộ độc phải kết luận của các cơ quan chức năng".
Đây là vụ ngộ độc tập thể thứ tư trong ba năm qua trên địa bàn xã. Ngoài một vụ ngộ độc do ăn bún, hai vụ kia đều là ngộ độc do ăn bánh dày ở đám cưới. Vụ thứ nhất làm 70 người đi cấp cứu, vụ thứ hai làm hơn 30 người phải vào viện.
(Theo Tiền Phong)