Thứ hai, 30/12/2024, 10:36 (GMT+7)

Gái xinh người Mông khoe sắc đón Tết cổ truyền

Sự kiện chào đón năm mới của cộng đồng người Mông ở Hà Nội thu hút nhiều nam thanh, nữ tú diện trang phục truyền thống tham dự, chiều 29/12.

Ngày hội 'Tết Mông xuống phố' diễn ra tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (Tây Hồ, Hà Nội).

Thông thường, người Mông ăn Tết cổ truyền vào đầu tháng 12 âm lịch (trước Tết Nguyên đán của người Kinh một tháng). Tết năm mới của người Mông không cố định vào một ngày cụ thể, mà là khoảng ngày do Hội đồng già làng trưởng bản ấn định, trên cơ sở giao thời mùa vụ giữa năm cũ và năm mới, thời tiết thuận lợi. Vì vậy, từng bản, từng vùng có thể ăn Tết vào những ngày khác nhau trong khoảng thời gian đó.

Sự kiện thu hút đông đảo người dân tộc Mông tham gia, trong đó nhiều cô gái gây ấn tượng với vẻ ngoài xinh xắn, nổi bật.

Những cô gái, chàng trai người Mông khoác lên mình trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu, mỗi chi tiết đều được thêu dệt tỉ mỉ, với những họa tiết tinh xảo, thể hiện sự khéo léo và tay nghề của người thợ. Đi kèm là mũ đội đầu và vòng bạc lấp lánh, tạo nên vẻ ngoài nổi bật và trang trọng.

Sự kiện cũng là dịp để cộng đồng người Mông sinh sống và học tập tại Hà Nội cùng nhau đón Tết xa nhà, đồng thời góp phần quảng bá bản sắc văn hóa đến với bạn bè, cộng đồng dân tộc khác.

Sùng Thị Nhung, 19 tuổi, đến từ tỉnh Điện Biên, cho biết cô thuê bộ đồ với giá 250.000 đồng.

'Vào các dịp lễ, Tết hoặc đám cưới, chúng em mới mặc trang phục truyền thống. Trong những ngày Tết, các lễ hội sẽ tổ chức nhiều trò chơi như kéo co, ném pao, và mọi người có thể thưởng thức các món đặc trưng như bánh dày và mèn mén làm từ ngô', cô nói.

Ngày hội diễn ra trong tiết trời nắng ấm, điều này càng làm tăng thêm không khí vui tươi, rộn ràng của lễ hội, tạo nên một không gian đầy sức sống và phấn khởi chào đón mùa xuân.

Những bộ đồ này thường được các cô gái, chàng trai khoác lên mình trong dịp đặc biệt trong năm.

Vàng Thị Đông, đến từ tỉnh Sơn La, chia sẻ rằng cô đã sắm một bộ đồ người Mông với giá 1,5 triệu đồng để tham dự ngày hội. Bộ đồ này có một số nét cách tân, khác với kiểu trang phục truyền thống vốn đi kèm quần.

"Lần đầu tham gia ngày hội, tôi cảm thấy rất vui vì đây là cơ hội để gặp gỡ mọi người trong cộng đồng người Mông, đặc biệt khi mình đi làm xa nhà," Đông bày tỏ.

Theo Vàng Thị Đông, ngày mùng 1 Tết, người Mông giữ phong tục ở nhà sum họp gia đình, tránh ra ngoài, và chỉ bắt đầu đi chơi từ mùng 2.

'Mỗi năm chỉ diễn ra một lần, nên năm nào tôi cũng háo hức tham gia và cố gắng đến thật sớm để có nhiều thời gian tận hưởng không khí Tết cùng mọi người', Tính Thị Hà (23 tuổi, tỉnh Sơn La) cho biết.

Mùa Thị Cúc, 21 tuổi, đến từ tỉnh Lai Châu, tự may và thiết kế bộ trang phục truyền thống trong vòng 2 ngày.

Cúc cho hay: 'Thông thường, các bộ thổ cẩm làm thủ công mất từ 2-3 tháng, nhưng với họa tiết phổ thông may bằng máy, tôi chỉ cần 2 ngày. So với kiểu truyền thống, trang phục của tôi có chút cách tân, được may theo ý thích cá nhân và hiện đại hơn'.

'Ngày Tết vui nhất khi tham gia lễ hội Gầu Tào đây là dịp để cho các bạn trai xinh, gái đẹp đến vui chơi và có thể tìm được một nửa của mình. Vào mùng 1, 2, 3, tôi sẽ đi chúc Tết bà con trong dòng họ, và từ mùng 4, sẽ dành thời gian đi chơi với bạn bè. Trong dịp này, tôi rất thích ăn bánh dày không nhân và bắt đầu thưởng thức bánh chưng từ rằm trở đi', cô nói.

Các cô gái tạo dáng chụp ảnh trong trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Trò chơi dân gian ném Pao được nhiều người tham gia và yêu thích trong các lễ hội.

Tùng Đinh

Đánh giá phiên bản mới