Chuyện tình của William với Lý Thị So như một thiên tiểu thuyết thời hiện đại. Để đến được với nhau họ phải vượt qua rào cản địa lý nửa vòng trái đất, rồi phong tục tập quán, tiếng nói và khốn khổ nhất là rào cản pháp lý.
Cách đây sáu năm, William cùng bạn bè sang VN du lịch. Cứ chỗ nào cao nhất, nguy hiểm nhất, nhiều thứ khám phá nhất thì anh xông vào. Anh quen So nhờ chuyến chinh phục đỉnh Phanxipăng. Hồi đó, So bán hàng rong ở Sapa, nhưng lúc nào khách sạn gọi thì cô lại đi làm hướng dẫn viên. 7 tuổi, So đã rời núi Hoàng Liên Sơn xuống xã Lao Chải bán hàng rong cho khách du lịch, kiếm tiền mua rượu cho bố, mua gạo cho mẹ. Lớn thêm chút, tự lập được, So ra tận Sapa. Tiếp xúc với khách Tây nhiều, tiếng Anh bồi nói nhanh như gió, trong khi tiếng Việt còn trọ trẹ.
Một tuần leo núi cùng William, ăn cùng ngủ cạnh, William chọn hoàn cảnh lãng mạn nhất để tỏ tình. Đứng trên nóc nhà Đông Dương lộng gió, tuyết phủ trắng xóa, William quỳ xuống chân cô gái Mông má đỏ hây hây vì lạnh nói tha thiết: “Anh muốn lấy em làm vợ”. Trong lòng cô rất muốn bỏ chạy. So muốn người đàn ông yêu mình phải kéo cô theo đúng phong tục cướp vợ của người Mông. Nhưng đứng ở nơi giáp ranh giữa trời và đất này, cái phong tục ấy xem ra không cần thiết lắm. Vả lại, nếu cô chạy đi theo đúng kiểu “bị cướp”, anh chàng Tây kia lại thể hiện sự lịch lãm, không đuổi theo, không ép buộc thì hóa ra hỏng bét. Thế là thay vì chạy như bà, như mẹ cô thuở trước, So liền đổ vào lòng anh chàng Tây.
Bạn bè William về nước, còn anh quyết ở lại sống với cô. Khi ấy, Lý Thị So mới 16 tuổi nên hai người không thể kết hôn, do vậy William không đưa cô về Canada được.
Để được gần So, William đã xin làm việc ở một dự án cai nghiện ở huyện Bát Xát. Dự án này là của một tổ chức nước ngoài. Cuối tuần hoặc lúc rỗi việc William phóng xe máy gần trăm cây số về Sa Pa sống với So. Nhiều khi William còn làm công việc hướng dẫn viên thay cho người yêu và du khách đều rất thích thú vì sự hiểu biết của anh về Sapa.
Hai năm chờ đợi dài dằng dặc, rồi cũng đến lúc Lý Thị So đủ 18 tuổi. Ngày So tròn 18 tuổi cũng là ngày hai người làm thủ tục đăng ký kết hôn ở Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai.
Để ăn mừng sau cả quãng thời gian yêu đương, chờ đợi vất vả, William đã tổ chức lễ cưới hết sức linh đình. Gia đình Lý Thị So mời nhân dân cả xã Lao Chải đến nhậu nhẹt túy lúy mấy ngày liền. Bữa đó mất ba con bò và chục con lợn cùng không biết bao nhiêu gà vịt.
Sau này, để cả bản, cả xã đều phải lác mắt, các cô gái lấy Tây ở xã Lao Chải đều noi gương Lý Thị So và bắt chú rể chi tiền làm đám cưới hoành tráng và đều mời khắp xã, từ trẻ con cho đến cán bộ các ban ngành. Các cô gái Mông thích cưới xin hoành tráng cũng một phần vì sĩ diện, muốn chứng minh cho cả xã, cả bản biết rằng họ lấy Tây nghiêm túc chứ không phải bồ bịch hoặc làm gái cho Tây. Cưới xong một thời gian, William xin việc ở một cơ quan ngoại giao và anh đã đưa vợ về Hà Nội sống.
Đến nay, William và Lý Thị So cưới nhau đã được bốn năm. So không đi làm hướng dẫn viên du lịch nữa mà đang đi học lớp nấu ăn ở Trường Hoa Sữa. Hai người đã có hai đứa con xinh xắn, một gái, một trai.
Mặc dù rời dãy Hoàng Liên Sơn xuống thủ đô sống từ bốn năm nay, nhưng Lý Thị So vẫn giữ được mình là một cô gái Mông chính hiệu. So bảo: “Anh chồng mình lạ lắm. Anh ấy bắt mình sinh hoạt, nuôi con, dạy dỗ con cái hoàn toàn theo phong tục dân tộc Mông. Ra phố, đến trường mình vẫn phải mặc trang phục người Mông. Đi đến đâu mọi người cũng nhìn như thể mình từ trên trời rơi xuống. Mình ngượng lắm, nhưng anh ấy lại thích thú mới lạ chứ!”.
Hiện có bốn cô gái Mông ở Sa Pa lấy chồng Tây và bỏ núi xuống Hà Nội sinh sống. Tất cả họ vẫn ăn mặc, sinh hoạt và giữ gìn văn hóa Mông giữa chốn thủ đô, nơi hương đồng gió nội khó mà giữ được. Những ông Tây này lấy vợ Mông cũng là vì yêu văn hóa Mông đến mê muội.
Thượng tá Nguyễn Văn Hoàn, Trưởng Công an huyện Sapa, bảo hiện tượng các cô gái dân tộc Mông yêu Tây khá nhiều và đã có nhiều cô lấy Tây. Anh chỉ tôi xuống xã Lao Chải, nơi mà chuyện lấy Tây đã trở thành phong trào.
Lao Chải là xã điểm đầu của tuyến du lịch khám phá bản làng, cách thị trấn Sapa gần chục cây số. Tuyến du lịch này xuyên từ xã Lao Chải sang Tả Van rồi vòng lên bãi đá cổ ở xã Hầu Thào. Hầu hết khách du lịch Tây lên Sapa đều thích khám phá tuyến này. Lao Chải nhanh chóng biến thành điểm đầu đón khách du lịch. Các cô gái dân tộc Mông, Dao, Giáy từ lúc 5 tuổi đã biết mang hàng đeo bám khách. Cuộc sống của dân bản ở đây cũng vì thế mà Tây hóa nhanh hơn Việt hóa.
Lý A Chư là trưởng công an xã mới 21 tuổi. Tôi hỏi chuyện các cô gái Mông xã Lao Chải yêu Tây và lấy Tây, Chư bảo: “Ố! Nhiều quá, ghi đầy một sổ. Họ phải làm hộ chiếu, phải khai báo qua xã nên mình nắm được mà!”.
Theo Lý A Chư, cả xã có ngót hai chục cô gái Mông lấy Tây. Đấy là con số anh và đám thanh niên trong bản “điều tra”, thống kê được, còn con số thực có thể nhiều hơn. Tuy nhiên, hiện chỉ có năm cặp đã đăng ký kết hôn. Sau khi kết hôn, có cặp về Hà Nội, có cô theo chồng ra nước ngoài, có cặp về Sapa sinh sống.
Tôi hỏi: “Có cô gái đẹp nào thì lấy Tây hết, vậy Chư và đám thanh niên trong bản có buồn không?”. Chư bảo: “Buồn lắm chứ. Cả xã giờ con gái vắng tanh vắng ngắt. Các cô gái lên Sapa làm du lịch và yêu Tây hết rồi. Tối thanh niên đi cướp vợ, nhưng chẳng có gái mà cướp”.
Ở cái xã miền núi nghèo rách nghèo rơ này, Lý A Chư có lẽ là người có trình độ cao nhất, tốt nghiệp cấp III. Trẻ thế này đã làm trưởng công an xã thì oách lắm.
Bằng tuổi Chư, trai Mông ở đây lẽ ra đều có vợ có con cả rồi, vậy mà Chư vẫn chưa có người yêu. Lý A Chư kể rằng các ông Tây rất khoái món “cướp vợ”. Có một tay người Anh xuống bản ngủ, gọi đám thanh niên trong bản cho tiền để được cùng đi cướp vợ. Khi tiếng kèn lá gọi bạn tình vang lên: “Em ơi, hoa dín tơ nở hồng trên vách đá. Ta yêu em ta chẳng có lòng gần. Em ơi, hoa dín tơ nở hồng trên núi cao. Ta yêu em ta chẳng có lòng xa...”. Cô gái liền mò ra ngoài. Mấy chàng trai thổi kèn lá nấp vào bụi cây, còn ông Tây xông ra... kéo vợ. Giờ thì họ sống với nhau như vợ chồng ở Sapa. Thỉnh thoảng, nàng có về thăm bản, nhưng không chân đất nứt nẻ như xưa, mà đi giày thể thao, tóc ép mượt như nhung, son phấn lẫy lừng nhảy chim sáo dọc bản. Rồi nàng biến thành giấc mộng của những cô gái bản nghèo này.
Lý A Chư chỉ cho tôi nhà ông Lý A Páo ngay mép sườn núi. Ông Páo rất nổi tiếng vì con gái Lý Thị Sài của ông vừa cưới một anh Tây và tổ chức đám cưới linh đình nhất xã từ trước đến nay. Chỉ có điều ngôi nhà vợ chồng và đám con ông đang sống vẫn rách nát, vẫn vá chằng vá đụp như xưa.
Khi tôi đến, ông Páo đang ngồi uống rượu, vợ ông thì dệt cửi ngoài cửa. Tôi chụp ảnh bà, bà nói y như bọn trẻ bán hàng rong ngoài thị trấn Sapa: “Chụp ảnh thì cho tiền nhé!”.
Tôi hỏi ông Páo: “Ông cho con gái đi lấy Tây có lo không?”. Ông tợp ngụm rượu rồi khà khà: “Kệ nó thôi! Thằng Tây bắt được con gái tao thì con gái tao là của nó. Thỉnh thoảng vợ chồng nó về đây ngủ, cho tiền tao mua rượu là sướng nhất rồi à. Tây nó tốt lắm”.
Nhưng ông Páo không biết tên con rể mình là gì. Ông bảo đọc cứ méo cả mồm nên không muốn đọc nữa. Tôi hỏi các đồng chí công an huyện mới biết anh ta người Nauy, tên là Tomy. Vợ chồng Tomy sống ở thị trấn Sapa. Sài làm hướng dẫn viên du lịch cho một khách sạn, còn Tomy làm ở công ty liên doanh du lịch và bảo tồn. Tôi nghe hàng xóm họ kể thì cặp vợ chồng này dù nghèo nhưng khá hạnh phúc.
![]() |
Vợ chồng Martin Colner (người Mỹ) và Lý Thị Mây. |
Trong những ngày đi viết phóng sự này, tôi đã gặp gỡ nhiều lãnh đạo trong huyện Sapa, cả những người nghiên cứu về văn hóa, nhưng họ đều không cắt nghĩa được vì sao đám đàn ông ở phía trời Tây hoa lệ kia lại thích những cô gái Mông trong bản đến vậy. Nhưng mấy anh bạn phục vụ các khách sạn, đi tour hoặc đám xe ôm thì có vẻ lại rất hiểu. Họ cắt nghĩa rằng các ông Tây đặc biệt thích con gái Mông vì họ có quan điểm sống hoang dã, phóng túng, dễ dãi về mọi mặt, kể cả vấn đề tình dục. Với các cô gái Mông, nếu đã thích nhau thì sẵn sàng ăn cùng, ngủ cùng mà không hề tính toán gì. Ngoài ra, còn vì các cô rất thật thà, cách thể hiện ngôn từ cũng rất hay, giọng nói rất nhẹ, dễ nghe. Hầu hết các cô gái Mông đều học tiếng Anh rất nhanh, nhanh hơn các cô gái Dao, Giáy, Tày, Thái.
Đội trưởng đội an ninh Công an huyện Sapa Sùng A Lành cho biết rằng các anh chưa bắt được vụ xâm hại tình dục trẻ em nào, nhưng cứ nhìn vào danh sách mà anh ghi chép về những cặp vợ chồng trai Tây, gái Mông là biết cô nào lấy Tây khi chưa đủ tuổi. Chẳng hạn như cặp vợ chồng Thào Thị Dở (bản Lao Chải San, xã Lao Chải) và Oliver Danian (người Pháp). Ngày cưới, Thào Thị Dở mới tròn 18 tuổi nhưng cặp này đã sống với nhau từ mấy năm trước khi kết hôn. Như vậy, khó có thể khẳng định rằng Thào Thị Dở không bị xâm hại tình dục ở tuổi vị thành niên.
Rồi trường hợp của cô gái Giàng Thị Si, con ông Giàng A Giăng ở xã Tả Van, cũng là một trường hợp đáng cảnh báo. Giàng Thị Si sinh năm 1990, và một người Tây đã yêu nhau từ mấy năm nay. Hai người cũng làm thủ tục cưới xin nhưng chưa đủ tuổi nên Sở Tư pháp Lào Cai chưa cấp giấy kết hôn. Tuy nhiên, cả hai thường xuyên ở với nhau như vợ chồng. Anh em công an xã tìm đến ông Giàng A Giăng để giải thích rằng việc quan hệ tình dục trước hôn nhân, nhất là với trẻ vị thành niên là phạm pháp, nhưng chẳng có tác dụng gì vì ông Giăng cãi lý: “Tao ngủ với vợ tao từ hồi 13 tuổi nhưng tao có bị đi tù đâu?”.
Phần lớn các cô gái bản làm hướng dẫn viên du lịch đều ở tuổi vị thành niên. Hầu hết những vụ yêu nhau mà chưa kết hôn được, mà số này lên đến vài chục trường hợp ở Sa Pa, đều có nguyên nhân từ việc các cô gái chưa đủ tuổi. Chưa kết hôn được nhưng họ đã sống với nhau từ nhiều năm nay.
Theo thượng tá Nguyễn Văn Hoàn, Đại sứ quán Anh đã kết hợp với Tổng cục Cảnh sát và các cơ quan của huyện Sapa triển khai đề tài phòng chống lạm dụng tình dục trẻ em ở Sapa. Tuy nhiên, chủ trương của đề tài này chỉ tuyên truyền cho du khách Anh mà thôi.
![]() |
Giàng Thị Tùng khi mới xuống núi... |
Thượng tá Nguyễn Văn Hoàn cho tôi xem biên bản ghi lời khai của Giàng Thị Tùng, sinh năm 1984 (bản Thào Hồng Dế, xã Hầu Thào). Giàng Thị Tùng là người yêu của Shepherd Thomas Stephen, người Anh. Thomas mới chết vì sốc thuốc. Xin tóm tắt mấy dòng của Tùng:
“Cháu gặp Thomas tổng cộng bốn lần. Lần đầu là vào tháng 4/2005, tại Sapa, khi cháu là hướng dẫn viên cho anh ấy. Khi chia tay, cháu cho số điện thoại. Khi rời khỏi Sapa, Thomas gọi điện ngỏ lời yêu cháu và cháu đồng ý. Ngoài ra không có nội dung gì khác.
Lần thứ hai là tháng 7/2005, Thomas lên Sapa rủ cháu đi Hạ Long chơi, cháu đồng ý. Cháu đi cùng anh ấy về Hà Nội nghỉ một ngày, rồi đi Hạ Long chơi hai ngày. Sau đó về Hà Nội nghỉ một ngày, rồi cháu về Sapa.
Lần thứ ba, tháng 8/2005, Thomas lên Sapa đưa cháu về Hà Nội học tiếng Việt. Bọn cháu thuê một căn nhà ở chung và cùng học tiếng Việt một tháng. Sau đó bọn cháu về nhà cháu ở Hầu Thào và Thomas cho bố mẹ cháu 1 triệu đồng. Cháu và Thomas ở Sapa mấy ngày rồi anh ta về Pháp làm thày giáo dạy tiếng Anh.
Lần thứ tư, 20/4/2006, Thomas sang Việt Nam, lên Sapa. Anh ta cho bố mẹ cháu 3 triệu và anh ấy bảo với bố cháu rằng nếu cho hai người cưới nhau, anh ấy sẽ cho 7 triệu đồng, thoải mái uống rượu. Bố cháu tên là Giàng A Vảng. Bọn cháu ở Sapa được bốn ngày, khi còn đang bàn chuyện cưới xin thì anh ấy chết...”.
|
... và Giàng Thị Tùng bây giờ. |
Công an tỉnh Lào Cai và huyện Sapa xác định Thomas chết vì sốc thuốc khi đang tiêm chích cùng đối tượng Nguyễn Văn Đức.
Trước đây, Giàng Thị Tùng làm hướng dẫn viên của khách sạn Cát Cát, nhưng giờ cô làm hướng dẫn viên tự do. Nhà Tùng nằm trên đỉnh núi cao ngất của dãy Hoàng Liên Sơn. Tôi và Giàng A Páo, phó Công an xã Hầu Thào, đi bộ mất nửa ngày trời, đến khi nhìn xuống thấy thung lũng Mường Hoa bé như cái ao, dòng suối chảy quanh bản Pò Lùng Chải nhỏ xíu như một đốm sáng loằng ngoằng, mới đến nhà cô. Tùng không có ở nhà, bố mẹ cô cũng vào rừng kiếm sống. Nhà Tùng bốn bề toàn đá là đá. Đồng bào bản Thào Hồng Dế phải vác đá đắp thành những ô nhỏ, đào đất đổ vào mới trồng được cây ngô, cây sắn. Mùa đông tuyết phủ trắng xóa, nước đóng băng kín ruộng, đến con suối cũng thành băng không chảy được nên dân bản vừa đói, vừa rét.
Phó công an Giàng A Páo kể: “Hồi Tùng đi với thằng Tây, mình cũng khuyên bố Tùng nhưng ông ấy bảo: “Lắm khi cũng muốn mắng nó, nhưng không có rượu uống nên tao kệ nó thôi à”. Còn mình gặp mấy ông chồng để vợ đi làm hướng dẫn viên thì mấy ông ấy bảo thẳng: Vợ tớ muốn làm gì thì làm, tớ cứ có rượu uống, có tiền tiêu là sướng rồi”.
Vừa mới đây, lại có cô Giàng Thị Mỷ làm hướng dẫn viên, lấy được chồng Nhật, sang Nhật sống; rồi Giàng Thị Mảo, lấy được Tây, theo Tây về Hà Nội... lại khiến phong trào lấy Tây của gái bản Sapa thêm sôi sục.
Công an huyện Sapa cho biết mỗi năm Sapa đón chừng 250.000 khách du lịch trong nước và 70.000 khách du lịch nước ngoài, gồm 80 quốc tịch khác nhau. Hầu hết khách du lịch nước ngoài đến đây đều muốn khám phá các nét đặc sắc của văn hóa dân tộc, nên cần đến lượng hướng dẫn viên du lịch rất lớn. Hướng dẫn viên du lịch phải đạt những tiêu chuẩn như sau: có hình thức ưa nhìn; người bản địa, hiểu biết phong tục tập quán của dân tộc mình; biết ngoại ngữ, nghiệp vụ du lịch; có năng khiếu ăn nói.
Để tìm được một cô gái có đủ những tiêu chuẩn như trên thật sự rất khó. Hơn 200 khách sạn, nhà nghỉ ra sức săn tìm, sục sạo khắp các bản làng để tuyển dụng. Các khách sạn đều có chế độ cực kỳ ưu đãi đối với các cô gái để biến họ thành hướng dẫn viên phục vụ khách sạn của mình. Cô gái nào hình thức đẹp lập tức được tuyển dụng, rồi chu cấp tiền bạc cho đi học ở các trường đào tạo nghề. Bét nhất thì cũng phải học nghề ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Sapa, thường họ được đưa xuống Hà Nội học trong các trường dạy nghề. Các cô được học ngoại ngữ, học nấu ăn, học giao tiếp, học văn hóa ứng xử... Sau khi tốt nghiệp được cấp chứng chỉ hành nghề và gắn bó với các khách sạn. Khách sạn nào có các cô hướng dẫn viên đẹp, thông minh, nói tiếng Anh giỏi thì y rằng khách đông nườm nượp. Khách sạn Hoàng Gia, Châu Long, Cát Cát nổi tiếng và đông khách nhất vì có đội ngũ tiếp viên và hướng dẫn viên người dân tộc rất chuyên nghiệp. Mỗi khi khách du lịch yêu cầu, khách sạn điều nhân viên đi tour bất kể giờ giấc và địa điểm. Những tour khám phá rừng Hoàng Liên, leo Phanxipăng kéo dài cả tuần lễ. Những tour về các bản làng trong tuyến khám phá văn hóa dân tộc Mông, Dao, Giáy... cũng mất mấy ngày. |
(Theo Tuổi Trẻ)