![]() |
Tỷ phú Oleg Deripaska. |
Tạp chí kinh doanh của Mỹ Forbes hôm 19/4 đã công bố danh sách các tỷ phú giàu nhất Nga và đứng đầu danh sách vẫn là Roman Abramovich, ông chủ của Câu lạc bộ bóng đá Chelsea (Anh) với tổng tài sản ước đạt 19,2 tỷ USD.
Xếp vị trí thứ hai là Oleg Deripaska, 39 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn đa ngành Basic Elements và Tập đoàn sản xuất nhôm và hợp kim nhôm lớn nhất Nga Russian Aluminum (RusAl), với tổng tài sản ước là 16,8 tỷ USD.
Trong lần xếp hạng năm ngoái của Forbes, Oleg Deripaska mới ở vị trí người giàu thứ sáu của Nga với tài sản trị giá 13,3 tỷ USD. Cái tên Oleg Deripaska còn khá lạ lẫm với nhiều người.
Sinh năm 1968, Oleg Deripaska cầm tinh con khỉ (tức là tuổi Thân), theo tử vi của phương Đông thì tuổi này không được hanh thông lắm về đường làm ăn. Nhưng hiện giờ, Oleg Deripaska nằm trong đội ngũ các nhà tỷ phú Nga “phất nhanh” nhờ chính sách tư nhân hóa của Chính phủ Nga dưới thời của Tổng thống Nga Boris Yeltsin (vào những năm giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước). Ông giàu lên nhờ mua được quyền sở hữu các nguồn tài nguyên thiên nhiên có giá trị chiến lược như dầu thô, khí đốt, khai thác quặng... rẻ như cho.
Sau khi lên nắm quyền vào năm 2000, Tổng thống Nga Vladimir Putin thực hiện chính sách siết chặt việc quản lý tài nguyên của đất nước và một số tỷ phú “bốc lên nhờ tư nhân hóa” dường như không còn đất dung thân. Tỷ phú Boris Berezovsky đã phải lưu vong sang Anh và mới đây dám cả gan tuyên bố sẽ tài trợ cho các phe phái đối lập ở Nga nổi loạn lật đổ Chính phủ. Nguyên chủ tịch Tập đoàn Dầu khí khổng lồ Yukos Mikhail Khodorkovski đang phải ngồi nhà đá “bóc lịch” dài dài vì tội trốn thuế...
Riêng Oleg Deripaska thì vẫn sống đàng hoàng, ung dung ở Nga và cũng chẳng bị ai “sờ tới”.
Nhiều người am hiểu nội tình cho biết, một phần là vì Oleg Deripaska sống rất khôn khéo, lựa thời, mặt khác là do ông này có những quan hệ rất gần gũi với nguyên Tổng thống Nga Boris Eltsin. Polina Yumasheva, vợ của Oleg Deripaska là con gái rượu của Valetin Yumashev, Chánh văn phòng Tổng thống Nga dưới thời Tổng thống Nga Boris Eltsin và ông này chính là con rể của Boris Eltsin.
Nhờ vậy mà Oleg Deripaska đã được hưởng lợi từ sự ban phát bổng lộc của ông ngoại vợ thông qua việc dễ dàng mua được cổ phần của nhiều tập đoàn kinh tế lớn với giá rẻ như bèo. Khách quan mà xét cũng phải thừa nhận một thực tế là Oleg Deripaska rất giỏi nắm bắt cơ hội nghìn vàng và có tài kinh doanh.
Liên Xô (cũ) sụp đổ vào năm 1991, Oleg Deripaska vẫn còn là sinh viên năm thứ hai Đại học Tổng hợp Lomonosov ở Matxcơva. Năm 1993, tốt nghiệp loại ưu chuyên ngành vật lý, ông tham gia vào môi giới mua bán các loại nguyên liệu, rồi về làm việc ở Aluminprodukt, một công ty sản xuất nhôm, để rồi chưa đầy một năm sau được đề bạt làm kế toán trưởng.
Sau đó, Oleg Deripaska về làm Tổng giám đốc Nhà máy luyện nhôm Sayanogorsk (1994-1997) và Chủ tịch Sibirsky Aluminium (1997-2001). Bận túi bụi vào công việc kinh doanh, song đồng thời Oleg Deripaska vẫn rất chịu khó học lấy bằng đại học thứ 2 tại Học viện Kinh tế Plekhanov, trường đại học kinh tế danh giá bậc nhất Nga.
Năm 2000, Oleg Deripaska cùng với Roman Abramovich thành lập liên doanh sản xuất nhôm Russian Aluminum (RusAl), ông nắm 75% cổ phần. Tháng 10/2003, Oleg Deripaska bỏ ra khoảng 2 tỷ USD mua đứt 25% cổ phần còn lại của RusAl từ Roman Abramovich. Với doanh thu hàng năm cỡ 4 tỷ USD, RusAl hiện là nhà sản xuất nhôm lớn thứ 2 thế giới, sau Tập đoàn Alcoa của Mỹ. Bên cạnh đó, ông còn có cổ phần lớn ở Ingosstrakh Insurance, công ty bảo hiểm lớn nhất Nga; hãng sản xuất máy bay Aviacor; hãng sản xuất ô tô lớn nhất Nga GAZ...
Mới đây, Oleg Deripaska tuyên bố sẽ sống lâu dài ở Nga và thế nhưng cách thức xuất ngoại của ông lại vô cùng độc đáo. Đều đặn nhiều năm nay, Oleg Deripaska cố gắng thu xếp sang Anh học ngoại ngữ mỗi tuần một lần... bằng máy bay riêng.
Vài năm trước, Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối cấp thị thực nhập cảnh (visa) vào Mỹ với lý do Oleg Deripaska vướng vào vụ kiện tụng tại tòa án quốc tế mà nguyên đơn là Mikhail Chernoi, một cộng sự trước đây của Oleg Deripaska. Thế nhưng, ròng rã hơn 2 năm (từ 2003 đến 2005), Oleg Deripaska đã bỏ ra khoảng 560.000 USD để thuê Công ty luật Alston & Bird (mà Chủ tịch là ông Bob Dole, nguyên Thượng nghị sĩ Mỹ) đi “lobby” Bộ Ngoại giao nước này. Cuối năm 2005, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đồng ý cấp visa vào Mỹ cho ông. Nay thì Oleg Deripaska có thể dễ dàng đi lại vào Mỹ bất cứ khi nào muốn.
(Theo Đầu Tư)