Dịch cúm gia cầm tái phát ở nhiều địa phương (đã có 6 tỉnh, thành có ổ dịch), tuy nhiên, tại nhiều địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM, nơi có hoạt động phòng chống dịch bệnh chặt chẽ, tình trạng buôn bán gia cầm không qua kiểm dịch vẫn diễn ra.
Sáng 24/5, đến đường Trần Chánh Chiếu (quận 5, TP HCM), hỏi mua gà sống, một chị bán trái cây liền nhanh nhảu: “Em đợi chút, chị bán gà vô kho lấy hàng ra liền”. Kho mà chị chỉ là một căn nhà sâu hun hút, cửa đóng gần kín chỉ chừa khoảng trống nhỏ đủ 2 người ra vào.
Chị ta nói thêm: “Gà ở đây nhiều lắm, loại nào cũng có từ gà ác, gà trống, gà mái, gà trống thiến. Theo tiểu thương bán hàng ở khu vực này, “chợ gà” có khoảng 4-5 “kho” gà, hoạt động từ 7h đến 19h nhưng xôm tụ nhất là khoảng 17, 18h vì thời điểm đó có nhiều mối đến lấy hàng. Giá gà “lậu” ở đây 60.000-75.000 đồng/kg, vịt 30.000 -35.000 đồng/kg.
Tại khu vực đường Bình Long - Bình Hưng Hòa (giáp ranh giữa 2 quận Bình Tân và Tân Phú, TP HCM), mỗi ngày có cả “đội quân” gần chục người ngồi dọc trên lề đường chèo kéo khách.
Rất nhiều đoạn đường ở ngoại thành, dọc theo cửa ngõ vào TP đang trở thành điểm bán gà, vịt lưu động. Ngay dưới chân cầu Chợ Cầu (quận 12), chợ Tân Sơn (Gò Vấp) và dọc theo cầu Trường Đai (giáp ranh giữa quận Gò Vấp và quận 12)... gà, vịt sống bày la liệt trên lề đường.
Một chị bán gà, vịt dưới chân cầu Chợ Cầu cho biết mỗi ngày chị bán mấy chục con gà, vịt. Nguồn hàng lấy từ Tây Ninh hoặc mua của người dân ở xung quanh...
Tuy có nhiều điểm bán gia cầm “lậu” nhưng có lẽ không ở đâu bày bán “vô tư” như ở đường Phan Văn Trị, phường 10, Gò Vấp. Tại đây có rất nhiều điểm bán gia cầm sống hoặc giết mổ chưa qua kiểm dịch. Trong đó, có những điểm luôn nhốt sẵn 20-30 con gà ở trước cửa hàng.
Tại Hà Nội, từ khi khu buôn bán gia cầm tại chợ đầu mối Long Biên bị xóa sổ, lực lượng quản lý chợ ở đây được giao nhiệm vụ hễ thấy gia cầm vận chuyển trái phép không có dấu kiểm dịch là phải tịch thu toàn bộ. Tuy vậy, hoạt động buôn bán gia cầm vẫn diễn ra ngay trong khuôn viên chợ.
Tại khu vực bãi xe Long Biên, vào mỗi buổi sáng, các tiểu thương tập trung trước khoảng chục xe khách (trong đó có cả xe buýt) để đón hàng. Một phụ xe chạy tuyến Gia Lương (Bắc Ninh) cho biết: “Xe nào ít cũng phải có vài chục ký (cả gà thịt và gà sống). Có nhiều mối hàng là khách quen từ nhiều năm nay. Ở những vùng dịch chưa xuất hiện cũng không ai kiểm tra nên các xe chúng tôi đi qua không có gì khó khăn”.
Tại chợ Phúc Xá (chợ nhỏ ngay cạnh chợ Long Biên), theo ghi nhận của chúng tôi, không hề có lực lượng kiểm dịch. Gia cầm sống và giết mổ sẵn bày bán công khai và không hề có dấu kiểm dịch. Nhiều người bán hàng tại chợ cho hay: “Từ hồi hết dịch, lực lượng kiểm dịch cũng... mất hút luôn, nay tái phát chẳng thấy ai quay lại”.
(Theo Người Lao Động)