Trải lòng về biến chứng sau khi tiêm chất làm đầy cằm, Nguyễn Thị Vân Anh, sinh năm 1994, sống tại Hà Nội, mong muốn chị em tìm hiểu thật kỹ trước khi quyết định thực hiện bất cứ phương pháp làm đẹp nào để tránh gặp những tai nạn ngoài ý muốn.
Cô gái trẻ cho biết từng tiêm filler cách đây 4 năm và không có dấu hiệu bất thường gì về sức khỏe. Sau đó, Vân Anh nhiều lần tìm đến phương pháp độn cằm để có gương mặt thon gọn như ý muốn. Lần đặt miếng silicon độn cằm đầu tiên, Vân Anh khẳng định bác sĩ đã nạo bỏ filler. Tuy nhiên, thời gian gần đây, sau khi sửa dáng cằm đến lần thứ ba, Vân Anh bắt đầu thấy cằm sưng bất thường, ăn uống khó khăn, đau nhức. Dù đã đi thăm khám, uống nhiều đợt kháng sinh và tiêm hai lần thuốc làm tan filler nhưng tình trạng không mấy khả quan nên 9X quyết định tháo độn cằm ra để điều trị dứt điểm.
Khi tháo độn cằm, bác sĩ cũng nạo hết những cục nhỏ filler chưa tan ra ngoài. Cô được chỉ định theo dõi trong vài tuần sau đó cấy mỡ tự thân để tái tạo lại cằm. "Ám ảnh cuộc đời tôi, lần này là rạch lần thứ 4 rồi, nhiều lúc thấy mình mạnh mẽ thật. Chẳng biết có làm lại được nữa không, bác sĩ nói phải theo dõi 2 tuần nữa đến tiêm mỡ vào để tái tạo cằm, nếu được thì ít nhất cũng phải 6 tháng nữa mới có thể sửa dáng cằm tiếp".
Chia sẻ với Ngoisao.net, Vân Anh cho biết sức khỏe của cô đang dần hồi phục nhưng việc sinh hoạt vẫn gặp nhiều bất tiện. Vùng cằm sau khi tháo bỏ miệng độn vẫn còn sưng và phải băng nẹp cố định, đồng thời, cô gái trẻ chưa thể ăn uống, nói chuyện một cách bình thường. Thời gian này, Vân Anh chỉ ăn được cháo, các loại thức ăn mềm.
Độn cằm là phương pháp đưa miếng độn bằng silicon vào vùng chỏm cằm nhằm chỉnh sửa, định dáng cằm như ý muốn. Còn tiêm filler là đưa chất làm đầy có thành phần chủ yếu là acid hyaluronic vào các bộ phận nhất định trên cơ thể. Thông thường, chất này sau khi tiêm sẽ tự đào thải, tuy nhiên, khi cần đẩy nhanh tốc độ đào thải filler, cần tiêm thuốc làm tan hoặc nạo bỏ.
Duk Sun