Nhóm CĐV chủ nhà cầm ảnh Ozil trong màu áo tuyển quốc gia Đức và một số bức ký họa chân dung cầu thủ này khi tới xem trận đấu giữa Tây Ban Nha và Đức trên sân Al Bayt rạng sáng nay. Những người này còn lấy tay che miệng, mô phỏng hành động của các tuyển thủ Đức khi chụp ảnh đội trước trận gặp Nhật Bản vài ngày trước. Các cầu thủ Đức khi đó muốn phản đối quy định của FIFA cấm thủ quân các đội đeo băng One Love ủng hộ sự đa dạng, không phân biệt đối xử với cộng đồng LGBT.
Tại Qatar, yêu đồng giới và các hoạt động ủng hộ cộng đồng LGBT đều bị coi là bất hợp pháp. Việc CĐV Qatar nhắc tới Ozil - một cựu tuyển thủ của "Cỗ xe tăng" từng tố bị CĐV nhà phân biệt đối xử được cho là để đáp trả đội tuyển Đức đã che miệng khi chụp ảnh trước đó. Truyền thông Anh nói fan Qatar ngầm ý mỉa mai tuyển Đức "đạo đức giả".
Mesut Ozil sinh ra ở Đức trong một gia đình gốc nhập cư Thổ Nhĩ Kỳ. Anh được coi là một trong những tiền vệ hay nhất thuộc thế hệ mình. Sau thất bại của đội tuyển Đức tại World Cup 2018, Ozil chia tay tuyển quốc gia, cáo buộc Liên đoàn Bóng đá Đức, CĐV và truyền thông nước này phân biệt đối xử với những người có gốc gác Thổ Nhĩ Kỳ, coi anh là "cừu thế mạng" cho việc đội nhà phải dừng bước sớm ở giải đấu tại Nga.
Khi đó, anh viết trên Twitter: "Khi đội thắng, tôi là người Đức. Khi đội thua, tôi là người nhập cư. Với một trái tim nặng trĩu và sau nhiều sự cân nhắc bởi những sự kiện xảy ra gần đây, tôi sẽ không thi đấu cho tuyển Đức ở cấp độ quốc tế trong khi cảm thấy mình bị phân biệt đối xử và không được tôn trọng. Tôi từng mặc áo tuyển Đức với sự tự hào và niềm háo hức to lớn nhưng giờ thì không. Phân biệt đối xử đáng lẽ không bao giờ được chấp nhận". Ozil còn trích dẫn phát ngôn của các chính trị gia Đức, những lời chế giễu của fan cùng những bức thư điện tử mang tính ghét bỏ để lấy ví dụ việc anh và gia đình đã đối mặt với bầu không khí thù địch thế nào, dẫn tới quyết định giã từ tuyển quốc gia.
Trước đó, khi World Cup 2018 sắp diễn ra, Ozil và đồng đội Ilkay Gundogan - một người cũng có gốc Thổ Nhĩ Kỳ - bị phân biệt đối xử. Hai cầu thủ chụp ảnh với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ - người có những chính sách gây tranh cãi thời điểm đó, sau đó họ bị CĐV Đức chế nhạo trong một trận đấu khởi động trước thềm World Cup 2018. Sự phân biệt nhắm vào Ozil đặc biệt tăng lên sau phát ngôn chỉ trích của Trưởng đoàn đội tuyển Đức Oliver Bierhoff và Chủ tịch LĐBD Đức khi đó - Reinhard Grindel. Ông Grindel sau này nói đáng lẽ ông nên ủng hộ Ozil nhiều hơn.
Sau trận hòa 1-1 với Tây Ban Nha rạng sáng nay, Gundogan cho biết anh chỉ muốn tập trung vào bóng đá. "Thành thật mà nói, với tôi, chính trị giờ đã kết thúc rồi. Qatar tự hào là quốc gia Hồi giáo đầu tiên đăng cai tổ chức World Cup. Cộng đồng Hồi giáo rất tự hào. Tôi cũng xuất thân từ một gia đình Hồi giáo. Bởi vậy, tôi nghĩ giờ chỉ có bóng đá thôi".
Bất ngờ thua 1-2 trước Nhật trong trận ra quân hôm 23/11, thầy trò HLV Hansi Flick sẽ bị loại nếu không có điểm trước Tây Ban Nha rạng sáng nay. Hai đội bóng lớn của châu Âu đã cống hiến màn trình diễn hấp dẫn trên sân Al Bayt. Tây Ban Nha mở tỷ số trước nhờ công của Morata phút 62 nhưng 20 phút sau, Đức gỡ hòa với cú sút hiểm hóc của Fullkrug. Cầm chân đối thủ, "Cỗ xe tăng" níu giữ hy vọng đi tiếp với một điểm. Tuyển Đức buộc phải thắng Costa Rica ở lượt cuối cùng mới mong giành vé vào vòng 16 đội.
Hoàng Trang (Theo Al Jazeera)