Đúng như tựa đề Em và Trịnh, những bóng hồng luôn song hành với cuộc đời và âm nhạc của Trịnh Công Sơn trong khuôn khổ bộ phim này.
Tác phẩm mở đầu bằng chuyến lưu diễn Paris của anh em nhạc sĩ. Tại đây, ông ấn tượng với cô gái người Nhật Michiko có giọng hát đẹp, ngón đàn hay và dành cho nhạc Trịnh tình yêu chân thành. Michiko đề nghị nhạc sĩ giúp cô hoàn thành luận văn thạc sĩ về đề tài âm nhạc phản chiến của ông, nhưng ông từ chối.
Một năm sau, Michiko sang Việt Nam, tìm đến nhà họ Trịnh ở Sài Gòn để chúc mừng sinh nhật thần tượng. Lòng nhiệt thành của cô gái phương xa làm nhạc sĩ cảm động. Ông bằng lòng giúp cô hoàn thành nghiên cứu. Qua những cuộc chuyện trò giữa hai người, từng lớp ký ức của Trịnh Công Sơn được lật mở.
Ở phía bên kia của con dốc cuộc đời, người nhạc sĩ vẫn nhớ hoài cái đêm viết sầu khúc Ướt mi tặng danh ca Thanh Thúy; những ngày thanh xuân đến nhà Bích Diễm - Dao Ánh, theo đuổi cô chị mà phải lòng cô em; và cả tháng ngày buồn một cách bình thản cùng Khánh Ly trong âm nhạc. Bước vào cuộc tình mới với Michiko, Trịnh Công Sơn cũng như nhìn lại những nhân duyên đã thành dĩ vãng của đời người.
Nhiều lần trong bộ phim, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh dành những khung hình đặc tả đôi bàn chân và nhịp bước chân của các bóng hồng, gieo ngụ ý về sự gắn bó hoặc rời bỏ giữa họ và Trịnh Công Sơn.
Trên con dốc đổ bóng chiều tà của Đà Lạt, bước chân Michiko rộn ràng hoan ca, dìu người nhạc sĩ bước vào điệu nhảy và mối tình vượt qua cách biệt tuổi tác. Trong con hẻm nhỏ nơi Sài thành, đôi chân Thanh Thúy dạo bước bên Trịnh rồi rời đi không lời giã biệt. Giữa con mưa rào của xứ Huế, bước chân Bích Diễm gần ngay trước mắt nhưng xa tựa cõi mơ, để chàng si tình theo hoài theo mãi cũng không theo kịp.
"Chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm", đôi chân trần của Dao Ánh chạy vụt xa khỏi Công Sơn vì ngượng, rồi lại rụt rè tiến đến gần chàng, ngồi xuống bên chàng. Bàn chân thiếu nữ ấy gõ nhịp hoan vui khi nhận thư tình hay hẹn hò đôi lứa, lùa bước rộn ràng giữa sân ga như chạy về phía người thương; nhưng đôi lần chợt dừng bước vì ghen tuông, hờn giận, có khi lấn cấn vì quyết định rời đi hay ở lại.
Lệ Mai, người sau này lấy nghệ danh Khánh Ly, cùng Trịnh bước qua những con dốc ở Đà Lạt và những sân khấu ở Sài Gòn, thăng hoa trong những lời ca, giai điệu, từ ngày chàng còn là "Trịnh Công Sơn lãng mạn của em" tới khi âm nhạc của Sơn nhuốm màu đau thương vì thời cuộc.
"Anh Sơn về Huế đi, về với tình yêu của anh", Lệ Mai nói với dòng lệ hoen mi. Không phải cô không muốn giữ người tri kỷ ở lại, chỉ là cô biết mình không thể níu giữ bước chân của kẻ đã có người thương trong lòng.
Thúy và Diễm không phải thiếu thiện cảm với Sơn, nhưng rung động không đủ níu bước họ dừng lại bên chàng. Ánh là người nhạc sĩ muốn kề bên mãi nhưng đành lìa xa. Riêng Michiko đã bằng lòng chọn ngôi nhà của Trịnh làm tổ ấm đời mình, vậy mà trái tim của Trịnh đã vô thức đẩy cô xa cách.
Những bước chân của họ lướt qua đời nhạc sĩ dẫu chớp nhoáng hay lâu dài cũng in dấu trên những dòng nhạc Trịnh, chắp cánh rung cảm cho những tình khúc vượt thời gian. Dấu chân Dao Ánh lưu giữ cuộc tình sâu nặng nhất cuộc đời Trịnh Công Sơn.
Em và Trịnh được giới thiệu là cuốn phim hòa trộn chất liệu hiện thực và sáng tạo. Tình yêu hay mối tri âm, tri kỷ của Trịnh Công Sơn với các nàng thơ trên màn ảnh có thể đúng hoặc không, so với những câu chuyện công chúng bấy lâu đã biết. Nhiều bóng hồng khác ngoài đời thực của ông cũng chỉ được nhắc tới qua câu thoại của một người bạn. Nhưng trong khuôn khổ bộ phim, biên kịch và đạo diễn lựa chọn tạo điểm nhấn cho tuyến truyện của Dao Ánh, Khánh Ly và Michiko.
Người xem dễ dàng tìm thấy sự so sánh và đối chiếu giữa Dao Ánh - Khánh Ly. Một người là mối tình sâu nặng nhất đời Trịnh, một người là tri kỷ đưa âm nhạc của ông sống mãi với thời gian. Cùng có khoảnh khắc chân trần trên màn ảnh, Dao Ánh bước đi nhẹ nhõm và tự tin với bàn chân mềm mại của tiểu thư nhà gia giáo có điều kiện; trong khi Khánh Ly lộ vẻ bối rối như muốn giấu đi hai bàn chân đen đúa, sần gai của người đàn bà sớm làm vợ, làm mẹ và nếm trải nhiều truân chuyên cuộc đời.
Một trong những khoảnh khắc tinh tế nhất của phim là hình ảnh đặc tả đôi chân Khánh Ly bước hụt khi cùng Trịnh Công Sơn đi trên nền gạch đá để bước lên sân khấu Quán Văn lần đầu tiên. Hình ảnh lột tả vẻ bình dân, luống cuống của người ca sĩ tay ngang đầy tự ti, dẫn dắt đến khoảnh khắc cô rút chân khỏi đôi guốc cao gót trước khi cất tiếng hát và tạo nên biệt hiệu "nữ hoàng chân đất" của làng tân nhạc Việt.
Chú trọng cảm xúc yêu đương, thất tình, trăn trở của Trịnh Công Sơn nhưng phim cũng không bỏ quên góc nhìn, tâm lý của các giai nhân ở phía ngược lại. Thậm chí, chân dung Khánh Ly, Dao Ánh và Michiko đôi lúc chạm vào trái tim khán giả, khiến họ có phần nổi bật trong mạch truyện chính hơn nam chính Trịnh Công Sơn.
Hóa thân vào các bóng hồng đi ngang đời Trịnh, dàn người đẹp của phim hầu hết để lại dấu ấn đẹp. Nhật Linh phù hợp thần thái cao sang của danh ca Thanh Thúy. Lan Thy mang dung nhan nàng thơ của Bích Diễm. Akari truyền tải năng lượng tươi sáng của Michiko. Hoàng Hà mang vẻ đẹp của ánh nắng đúng điệu Dao Ánh, lại ghi điểm với diễn xuất thông minh.
Và trong vai danh ca Khánh Ly, Bùi Lan Hương đẹp cả giọng hát lẫn diễn xuất. Cô gửi gắm nhiều niềm khắc khoải, thể hiện duyên dáng nhiều nét tính cách trong cùng một bản thể: lúc sành đời, bản lĩnh trước lời tán tỉnh của đàn ông chốn phòng trà; khi nũng nịu, yếu mềm bên cạnh Trịnh; lúc lại quyết liệt và bình thản trước chia ly.
Đáng tiếc nhất trong dàn nữ là Phạm Quỳnh Anh, vai Dao Ánh khi trưởng thành. Biểu cảm và lời thoại của nữ ca sĩ khá khô cứng, dễ khiến đánh mất sự xúc động của người xem ở những cảnh cuối phim. Dung nhan, thần thái quá khác biệt giữa cô và Hoàng Hà cũng khiến khán giả khó tin họ là cùng một người trên màn ảnh.
Được đặt vào vai diễn Trịnh Công Sơn ở hai giai đoạn của cuộc đời, ca sĩ Avin Lu và NSƯT Trần Lực diễn tròn vai nhưng đôi khi chưa vẹn cảm xúc. Giữa họ cũng thiếu đi sự đồng nhất của một hình tượng, Avin Lu quá run rẩy, Trần Lực quá vững vàng. Avin Lu làm tốt chân dung chàng nghệ sĩ si tình nhưng chưa thoát được cái bóng của chính mình ở phim Sài Gòn trong cơn mưa. Trong khi, nghệ sĩ Trần Lực thiếu đi "xúc tác cảm xúc" khi diễn chung với diễn viên trẻ Akari.
Tái hiện những lát cắt cuộc đời của tượng đài âm nhạc Việt Nam, Em và Trịnh cũng đưa những cuộc tình và mối tri âm của ông từ trang sách và những giai thoại hiện hữu trên màn ảnh.
Phong Kiều