>> Chủ quán phở thừa nhận dùng kìm kẹp mạng sườn Bình
>> Chính quyền đổ lỗi cho tổ dân phố
>> Em Bình bị hành hạ, cán bộ sẽ bị thay thế
>> Bắt kẻ hành hạ người làm suốt 10 năm
![]() |
Em Bình (ngồi giữa) trong cuộc gặp với người thân. Ảnh: N.T. |
Ngoài ra, 2 người thân khác của Bình là ông Phan Văn Đồng, bác rể (chồng chị gái của mẹ) và một người anh họ cũng đã được tìm ra. Ngay lập tức, những người thân này đã có mặt tại trụ sở Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội cùng đoàn cán bộ huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc vào sáng 9/11. Đó là cuộc gặp mặt cảm động đầu đời của em Bình. Một số người thân của em ngỏ ý muốn được đón em về quê Vĩnh Tường.
Theo xác minh của công an huyện Vĩnh Tường, Nguyễn Thị Bình tên thật là Nguyễn Thị Thông, được chính ông ngoại làm thủ tục khai sinh vào tháng 8/1983 (như vậy năm nay, Bình 24 tuổi, chứ không phải là 21 tuổi như em vẫn nghĩ), tại thôn Vĩnh Lại, xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Còn mẹ Bình là bà Nguyễn Thị Quảng, hiện chưa tìm được tung tích.
Những người họ hàng kể lại rằng, hồi Bình sinh ra, hoàn cảnh hai mẹ con rất khó khăn. Bà Quảng có đi lại với một người đàn ông đã có vợ, sinh ra Bình nhưng người bố này không dám nhận con. Một năm sau, bà Quảng đi lấy chồng chấp nhận làm lẽ của một người đàn ông cao tuổi tên là Lê Thanh Nghị. Đến năm 1984, bà sinh một cậu con trai đặt tên là Lê Văn Kiến.
Khi cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn, bà Quảng gửi Bình cho bà ngoại và ra Hà Nội tìm việc. Lúc đó, cậu em trai cùng mẹ khác cha của Bình mới được 9 tháng tuổi, vì vậy mà đến giờ, Kiến cũng không biết mặt mẹ mình. Khi Bình được 10 tuổi (khoảng năm 1993), bà Quảng về đón em xuống Hà Nội và xin làm tại quán phở nhà vợ chồng Đức - Phương. Rồi một năm sau, bà Quảng đã bỏ quán phở này sang Trung Trung Quốc làm ăn và lấy chồng luôn ở bên đó để Bình một mình trong cảnh đòn roi suốt 10 năm.
Đề cập trách nhiệm công an cơ sở trong việc bà Hà Kim Bình (người giải cứu cháu Bình) trình báo nhiều lần tại Công an phường Hạ Đình, Thanh Xuân về việc hành hạ người khác của vợ chồng chủ quán phở, ông Nguyễn Quốc Chính, Phó công an quận Thanh Xuân cho biết: "đến tối 5/11, Công an quận mới nhận được tin báo của bà Hà Kim Bình về hành vi sai trái của hai vợ chồng chủ quán phở nên đã tiến hành điều tra. Trước đó, công an phường và quận đều không nhận được tin báo về vụ việc này".
Phó công an quận cũng cho biết, việc xử lý trách nhiệm cán bộ công an có liên quan sẽ phụ thuộc vào kết luận của Thanh tra công an thành phố. Từ 8/11, lực lượng thanh tra này đã bắt đầu làm việc với công an quận Thanh Xuân để xác minh vụ việc.
Một ngày sau khi vợ chồng Đức -Phương bị bắt, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã chỉ đạo xem xét trách nhiệm, kỷ luật chính quyền và công an nơi em Nguyễn Thị Bình bị chủ hành hạ nhiều năm qua.
Về vợ chồng Đức - Phương, sau khi bị bắt tạm giam đã thừa nhận việc hành hạ cháu Bình bằng nhiều dụng cụ khác nhau. Lý do cho việc đánh đập mà họ đưa ra là: Bình không nghe lời, lười biếng, ngủ muộn, hay làm đổ vỡ bát đĩa trong quán phở..., mới đầu thì đánh nhẹ, sau dần đánh nặng. Trung tá Đào Đức Hoàn, Đội trưởng Đội Cảnh sát Điều tra, Công an quận Thanh Xuân khẳng định: "Từ lời khai của vợ chồng Đức - Phương, của cháu Bình và tang vật chứng thu được, đã có đủ cơ sở để truy tố vợ chồng chủ quán phở ra xét xử trước pháp luật".
Điều 110: Tội hành hạ người khác Điều 104: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác 3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. |
Khánh Ngọc