Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế vừa ghi nhận em bé cư ngụ tại huyện Krông Buk này có triệu chứng dị tật bẩm sinh nghi chứng đầu nhỏ vào ngày 14/10. Các xét nghiệm ban đầu cho thấy người mẹ và thai nhi từng nhiễm virus Zika, bởi mẹ có biểu hiện sốt và phát ban trong tháng thứ 3 và thứ 6 của thai kỳ.
Hiện Cục Y tế dự phòng phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bệnh viện Sản tuyến Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, cùng điều tra, xem xét, khám lâm sàng cho cả bé và mẹ. Các cơ quan chức năng tiếp tục lấy mẫu gửi phòng xét nghiệm Đại học Nagasaki Nhật Bản để kiểm tra sự hiện diện virus Zika.
Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, kết quả kiểm nghiệm cuối cùng này sẽ cho thấy bé bị dị tật đầu nhỏ có phải do virus Zika hay không. Trong khi chờ đợi kết quả, Bộ Y tế cũng nâng mức cảnh báo với dịch bệnh do virus Zika. Dù vậy, các thai phụ được khuyến cáo là không nên quá hoang mang lo lắng ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi.
Hội chứng đầu nhỏ có thể ghi nhận ở 1-10% trẻ được sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm virus Zika trong 3 tháng đầu thời kỳ thai nghén. Vì thế, các chuyên gia nhận định có thể Việt Nam có trường hợp dị tật bẩm sinh chứng đầu nhỏ do virus Zika. Hiện Thái Lan đã ghi nhận 2 trường hợp đầu nhỏ có liên quan với virus Zika. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định đây là những trường hợp đầu tiên mắc chứng này có liên quan đến virus Zika tại khu vực Đông Nam Á.
Chứng đầu nhỏ còn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như nhiễm virus (rubella…), vi khuẩn (giang mai…), ký sinh trùng (toxoplasma…), nhiễm độc, suy dinh dưỡng, yếu tố di truyền.
Việt Nam đến nay đã ghi nhận 7 trường hợp nhiễm virus Zika, trong đó TP HCM 4 ca, Bình Dương (1), Khánh Hòa (1) và Phú Yên (1). Bộ Y tế nhận định virus Zika đã lưu hành trong quần thể muỗi vằn tự nhiên. Xét nghiệm hơn 23.000 mẫu muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn cái) tự nhiên ở thành phố Nha Trang, Khánh Hòa cho thấy có 56 cá thể muỗi vằn tự nhiên dương tính với Zika (0,24%),
Virus Zika được cho là nguyên nhân gây bệnh đầu nhỏ khiến trẻ sinh ra có phần đầu dị thường, não phát triển lệch lạc hoặc không phát triển dẫn khuyết tật về trí tuệ, vận động và ngôn ngữ. Virus Zika truyền qua muỗi, có thể lây qua đường máu giữa người với người song không phổ biến; truyền từ mẹ sang con khi sinh nhưng không lây qua sữa mẹ. Một số nghiên cứu cũng cho thấy bệnh còn lây qua quan hệ tình dục và đàn ông cũng có thể mắc bệnh.
Theo VnExpress