Bức ảnh về những đứa trẻ chạy trốn khỏi cuộc tấn công chết người bằng bom napalm năm 1972 đã trở thành hình ảnh tiêu biểu không chỉ về Chiến tranh Việt Nam mà còn của thế kỷ 20. Trong ảnh, khói đen cuồn cuộn phía sau, trong khi vẻ mặt những đứa trẻ là hỗn hợp của sự kinh hoàng, đau đớn và bối rối. Những người lính thuộc Sư đoàn 25 của chính quyền Việt Nam Cộng hòa bất lực đi theo phía sau.
Được chụp bên ngoài một ngôi làng ở Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, ngày 8/6/1972, bức ảnh ghi lại được sự đau thương và bạo lực của cuộc chiến tranh mà theo ước tính đã cướp đi sinh mạng của khoảng hơn một triệu dân thường. Tuy được đặt tiêu đề chính thức là "Nỗi sợ hãi của Chiến tranh", bức ảnh được biết đến bởi biệt danh mà người ta đặt cho cô bé 9 tuổi trần truồng, bị bỏng nặng ở giữa: "Em bé Napalm".

Bức ảnh gây chấn động thế giới của Nick Út năm 1972. Ảnh: AP
Em bé, được xác định là bà Phan Thị Kim Phúc, đã sống sót sau những thương tích của vụ tấn công. Điều này một phần là nhờ sự giúp đỡ của phóng viên ảnh Nick Út, người đã hỗ trợ những đứa trẻ sau khi chụp được bức ảnh mang tính biểu tượng trên. 50 năm trôi qua từ ngày định mệnh đó, hai người vẫn thường xuyên giữ liên lạc và dùng chính câu chuyện của mình để lan tỏa thông điệp về hòa bình.
"Tôi sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc đó", bà Kim Phúc nói trong cuộc gọi qua video từ Toronto, Canada, nơi bà hiện sống. Ngôi làng Trảng Bàng của bà, cách Sài Gòn (hiện là thành phố Hồ Chí Minh) chưa đến 50 km về phía tây bắc, từng bị đồn bốt của Mỹ chiếm đóng.
Theo một bài báo của New York Times thời điểm đó, quân đội miền nam Việt Nam đã mất ba ngày để cố đánh đuổi và mở lại đường cao tốc gần đó.
Sáng hôm đó, lực lượng không quân Mỹ ở miền nam đã huy động máy bay Skyraider điều khiển bằng động cơ đẩy để thả bom napalm - một chất gây bỏng nặng - xuống ngã ba Trảng Bàng. Phúc cùng gia đình và những dân làng khác khi đó đang ẩn náu trong một ngôi chùa cùng quân lính miền nam Việt Nam. Sau khi nghe có tiếng máy bay trên đầu, những người lính giục mọi người bỏ chạy vì sợ bị tấn công.
"Tôi quay đầu lại và thấy máy bay, rồi có bốn quả bom bị thả xuống", bà Phúc kể lại. "Đột nhiên, lửa cháy khắp nơi, quần áo tôi bị lửa thiêu rụi. Khi ấy, tôi chẳng nhìn thấy ai quanh mình, chỉ có lửa mà thôi. Tôi còn nhớ mình đã nghĩ rằng: 'Trời ơi, mình bị bỏng, sẽ xấu xí lắm, mọi người sẽ nhìn mình theo cách khác'. Nhưng tôi cũng rất sợ hãi".
Phúc xé hết những phần quần áo còn dính lại trên người rồi chạy dọc đường quốc lộ 1. Nhiếp ảnh gia Nick Út, khi đó mới 21 tuổi, là một trong số các phóng viên ảnh trực sẵn bên ngoài ngôi làng vì cho rằng hôm đó có thể xảy ra xung đột.
"Tôi nhìn thấy Kim Phúc chạy và cô bé hét lên 'Nóng quá! Nóng quá!", Út kể lại qua cuộc gọi từ Los Angeles. "Khi tôi chụp bức ảnh đó, tôi thấy toàn thân cô bé bị bỏng quá nặng. Tôi muốn giúp ngay lập tức. Tôi bỏ hết đồ nghề máy ảnh xuống đường và dội nước lên người cô bé".
Nhiếp ảnh gia sau đó cho những đứa trẻ bị thương lên chiếc xe tải nhỏ của mình, chở chúng đi 30 phút đến bệnh viện. Nhưng khi tới nơi, anh được thông báo không còn giường nên sẽ phải lái tiếp tới Sài Gòn.
"Tôi đã nói với họ 'nếu con bé phải tiếp tục chịu đựng thêm một tiếng mà không được chữa trị, nó sẽ chết'", ông nhớ lại, nói thêm ban đầu ông lo Phúc sẽ không qua khỏi trên đường tới viện.
Nick Út cuối cùng cũng thuyết phục được các bác sĩ cho những đứa trẻ vào viện bằng cách xuất trình thẻ phóng viên, dọa rằng ảnh của chúng sẽ được xuất hiện trên khắp mặt báo thế giới ngày hôm sau. Trong cuộc phỏng vấn với Vanity Fair năm 2015, Út nhớ chính xác ông đã nói: "Nếu một trong số những đứa trẻ này không qua khỏi, các anh sẽ gặp rắc rối đấy".
Từ bệnh viện, Nick Út đi thẳng đến tòa soạn báo AP ở Sài Gòn để dựng ảnh theo câu chuyện: Một quả bom rơi từ trên trời xuống, khói đen dày đặc bốc lên ở Trảng Bàng, một nạn nhân được chuyển lên cáng. Một bức ảnh ít được biết đến hơn cho thấy đoàn phim và những người lính miền nam đứng vây quanh Phúc, da lưng và cánh tay cô bé bị cháy xém bởi chất thạch dễ cháy, khiến bom napalm trở thành vũ khí gây tranh cãi.
Tuy nhiên, người phóng viên ảnh biết ngay rằng có một tấm ảnh sẽ nổi bật hơn so với những tấm còn lại.
"Khi tôi quay lại văn phòng, người kỹ thuật viên phòng tối và mọi người nhìn thấy bức ảnh ấy đã nói ngay rằng nó rất có sức mạnh, rằng ảnh sẽ đạt giải thưởng Pulitzer", Nick Út kể.
Nick Út được nhận giải thưởng Pulitzer về phóng sự ảnh trên năm 1973. Bức ảnh "Em bé Napalm" cũng được đặt tên là "Ảnh báo chí Thế giới của năm", sau khi nó xuất hiện trên trang nhất của hơn 20 tờ báo hàng đầu ở Mỹ.
Không có bằng chứng nào chứng minh rằng bức ảnh "Em bé Napalm" đã thúc đẩy sự kết thúc của Chiến tranh Việt Nam, kéo dài đến năm 1975. Nó cũng không gây tác động lớn đến dư luận Mỹ, vốn đã phản đối việc Mỹ tham gia vào cuộc xung đột vào cuối những năm 1960. Nhưng bức ảnh, dù thế nào, cũng đã trở thành biểu tượng của quan điểm phản đối chiến tranh.
Sự miêu tả về mức độ khủng khiếp của bom napalm trong bức ảnh thấm thía đến nỗi Richard Nixon đã đặt câu hỏi riêng về việc liệu nó có phải đã được "sửa lại". Trong các bản ghi âm của Nhà Trắng được công bố nhiều thập kỷ sau đó, Tổng thống Mỹ suy đoán rằng bức ảnh đã được dàn dựng, như một lời buộc tội mà Nick Út cho rằng đã khiến ông "rất buồn".
Trong khi đó, Phúc nằm viện 14 tháng để điều trị vết thương. Hai người anh em họ của cô bé đã thiệt mạng trong vụ đánh bom. Nhưng Phúc luôn cố gắng sống tiếp, để hướng về phía trước. Bức ảnh sau đó trở nên nổi tiếng khắp thế giới.
"Thành thật mà nói, lúc bé, tôi đã rất xấu hổ," bà Kim Phúc nói. "Tôi không thích bức ảnh đó chút nào. Tại sao ông ấy lại chụp ảnh tôi? Tôi không bao giờ muốn nhìn thấy nó".

Bà Kim Phúc và nhiếp ảnh gia Nick Út vẫn thường xuyên liên lạc. Ảnh: AP
Phúc nhớ các nhà báo từ các quốc gia khác đã tìm đến vì muốn lắng nghe câu chuyện của bà, trong khi bà thì vật lộn với sự chú ý quá mức này.
"Việc đó thực sự tác động đến cuộc sống riêng của tôi", Phúc nói, cho biết bà đôi khi đã muốn "biến mất". "Tôi đã không thể đi học trường y khoa, không thể thực hiện ước mơ của mình. Và tôi đã rất ghét việc đó".
Chỉ sau khi được Canada cho tị nạn chính trị năm 1992, Phan Thị Kim Phúc mới thấy được truyền cảm hứng để sử dụng chính bị kịch của mình vì mục đích tốt đẹp hơn. Bà đã viết một cuốn sách về những trải nghiệm của mình và thành lập Kim Foundation International, một tổ chức từ thiện cung cấp viện trợ cho trẻ em chiến tranh. Bà được vinh danh là đại sứ thiện chí Liên Hợp Quốc năm 1997 và có những bài phát biểu trên khắp thế giới về câu chuyện cuộc đời mình và sức mạnh của sự tha thứ.
Tháng trước, Phúc và nhiếp ảnh gia Út - người mà bà vẫn trìu mến gọi là "chú" - đã tặng một bản sao của bức ảnh em bé Napalm cho Giáo hoàng Francis ở Quảng trường St Peter.
"Tôi nhận ra: 'Chà, bức ảnh đó đã trở thành một món quà mạnh mẽ và tôi có thể sử dụng nó làm việc vì hòa bình, bởi tôi không thể thoát khỏi nó", bà nói. "Bây giờ, tôi có thể nhìn lại và đón nhận nó... Tôi rất biết ơn vì chú Út có thể ghi lại khoảnh khắc lịch sử này cũng như nỗi kinh hoàng của chiến tranh. Điều có thể thay đổi cả thế giới. Và khoảnh khắc đó đã thay đổi thái độ, niềm tin trong tôi, rằng tôi có thể tiếp tục nuôi ước mơ của mình để giúp đỡ người khác".
Sau nhiều năm phẫu thuật và trị liệu, bà Phúc vẫn đang chịu những tác động mà các vết bỏng gây ra. Gần đây, bà tiến hành điều trị bằng phương pháp lazer ở Mỹ.
Nhưng hiện tại, khi đã có hai con, được lên chức bà, Phúc tin rằng chính niềm tin vào Thiên chúa giáo đã giúp bà "bước tiếp".
"50 năm trôi qua, tôi thấy biết ơn vô cùng và nhận ra mình không còn là nạn nhân chiến tranh nữa. Tôi là người sống sót và có cơ hội làm việc vì hòa bình", Phúc nói.
Hướng Dương (Theo CNN)