"Người ta nói rằng các phát minh của tôi là vô dụng, nhưng tôi nghĩ sự hữu dụng có hai chiều hướng: tính thực tiễn và tính giải trí", Geng Shuai, người đã bỏ nghề thợ hàn năm ngoái để tập trung toàn thời gian vào việc sáng tạo ra những món đồ nhảm nhí, chẳng hạn như một chiếc xe máy trang bị sẵn toilet, nói. "Tôi thích làm công việc này. Thế nên tôi thấy nó có ích với tôi". Anh được người hâm mộ đặt biệt danh "Edison vô dụng".
Mỗi quốc gia đều có những nhà phát minh công cụ, nhưng Trung Quốc dường như là nơi có nhiều nhà phát minh nông dân và những người yêu thích DIY (tự mình làm lấy). Họ từng tự chế tạo ra tàu ngầm, máy bay hạng nhẹ, các robot máy cày hay máy kéo kiểu xe tải trông như quái vật. Geng, 30 tuổi, hiện là một trong số những nhà phát minh như thế.

Geng Shuai trong nhà xưởng của mình ở ngoại ô thành phố Bắc Kinh. Ảnh: Washington Post.
Đứng giữa nhà xưởng của mình trong ngôi làng nhỏ bé ở ngoại thành Bắc Kinh, Geng tự hào khoe các sản phẩm do anh chế tạo, bao gồm lược chải đầu được chế từ dao thái thịt hay máy cắt dưa hấu có kích thước bằng chiếc vợt tennis. Nhưng Geng tự hào nhất là chiếc "túi búa". Nó thực ra là một cái búa rỗng bằng thép, khi mở đầu búa ra sẽ có một cái ngăn bên trong để cất điện thoại, chìa khóa và ví tiền. Ngoài ra, túi còn có một cái dây để treo lên vai người sử dụng.
"Nó rất thời trang", Geng nói bằng giọng nghiêm túc về tác phẩm của mình. "Và nếu có ai đó định ăn trộm chiếc túi, bạn chỉ cần ném nó vào người chúng".
Ngôi sao online 'nhảm nhí'
Lớn lên bằng cách sáng tạo đủ thứ trong nhà máy sản xuất máy bơm của gia đình, Geng là một kiểu doanh nhân đặc biệt ở Trung Quốc. Anh không kiếm tiền từ chính những sản phẩm của mình mà chuyên đăng các video gây cười lên mạng xã hội. Ở đó, Geng chia sẻ đã làm chúng ra sao trước khi hướng dẫn cách sử dụng chúng trước camera. Trong một video, Geng giơ con dao thái thịt để chải mái tóc rối bù hay khoe xe máy có phần yên lật lên là chiếc toilet ngồi xổm, chỉ cần bóp ga là xả nước.
Hiện Geng có khoảng 2 triệu người theo dõi trên trang video Kwai, nơi người ta "bo" cho anh ít tiền vì những màn biểu diễn giới thiệu sản phẩm mà Geng sáng chế. Có những người bo tiền để bảng tên hoặc thương hiệu của họ được xuất hiện trên bức tường trong xưởng của Geng, nơi anh vẫn thường đặt máy quay. Càng bo nhiều thì bảng càng lớn.

Geng không quan tâm dù mọi người gọi anh là 'Edison vô dụng'. Ảnh: Washington Post.
Mỗi tuần Geng cố gắng nảy ra một phát minh mới và quay hai đến ba video. Mỗi lần phát trực tiếp lên mạng, Geng thu về khoảng 150 USD, một con số lớn so với mức thu nhập trung bình ở vùng thôn quê, nơi 5 người nếu ăn trưa sang trọng cũng chỉ hết tổng cộng 25 USD. Số tiền thu được giúp Geng trang trải cuộc sống cho vợ chồng anh và hai con, cùng với người em trai quay phim cho anh.
"Hầu hết mọi người nghĩ rằng tôi là một kẻ mua vui, nhưng tôi nghĩ tôi là một nhà sáng tạo", Geng nói, nhắc đến nhà phát minh Nikola Tesla người Mỹ gốc Serbia.
Những phát minh không dùng để bán
Geng cho rằng mình trở nên nổi tiếng là nhờ có tốc độ công nghiệp hóa nhanh chóng ở Trung Quốc, khi hàng triệu người từ các vùng quê đổ lên làm việc ở các thành phố lớn, chui rúc trong các căn hộ chật hẹp, làm việc suốt nhiều tiếng liền từ ngày này qua ngày khác.
"Người Trung Quốc vốn thích sáng tạo và phát minh ra các món đồ, nhưng vì sự phát triển kinh tế, hầu hết mọi người đều không có thời gian để làm việc đó", Geng nói. "Đó chính là lý do vì sao tôi lại trở nên nổi tiếng, họ xem tôi sáng chế ra nhiều thứ, bởi bản thân họ không thể tự làm được".
Geng cho hay có lần một người hâm mộ còn gửi cho anh 720 USD sau khi xem những video của chàng thợ hàn này. Đây là số tiền không hề nhỏ với Geng, bởi nếu bán những sản phẩm của mình, anh chắc chắn không thể thu được nhiều tiền như thế.
Khi mới bỏ công việc xây dựng nhàm chán để theo đuổi đam mê, Geng sáng chế ra chiếc súng cao su được làm từ những viên ốc kim loại hàn chặt với nhau. Anh bán chúng trên Wechat với giá 10 USD, tuy nhiên chỉ có hai đến ba người mua nó.
Sản phẩm nổi tiếng nhất của Geng là chiếc bao điện thoại dao phay. Geng thường đi dạo với chiếc dao này nhét trong túi quần, và anh sẽ cầm nó để lấy điện thoại khi cần thiết. Geng bán được khoảng 10 chiếc như vậy.

Bao điện thoại dao phay, sản phẩm nổi tiếng nhất của Geng. Ảnh: Washington Post.
Tuy nhiên, chính những video trên mạng mới giúp Geng trở nên nổi tiếng.
"Mọi người có thể không muốn mua các phát minh của tôi, nhưng họ thích xem video tôi quay, vì thế họ ủng hộ bằng cách cho tôi tiền", nhà phát minh "vô dụng" nói.
Ngôi sao 'siêu ngầu'
Gia đình không mấy ủng hộ niềm đam mê sáng chế của Geng. Vợ anh, Ji Xiangying, ban đầu còn kiên quyết phản đối quyết định từ bỏ công việc ổn định của chồng để có cuộc sống bấp bênh với sự nổi tiếng trên mạng Internet.
"Nhưng rồi tôi cũng đành chấp nhận sau khi thấy có nhiều người thích xem các phát minh của anh ấy", Ji vừa bế đứa con út vừa nói.
Và khi Geng nói với bà mình rằng anh đã có "một triệu người hâm mộ trực tuyến", cụ đã thắc mắc sao cháu trai lại có thể ăn nhiều đến vậy, do cụm từ này phát âm trong tiếng Trung Quốc giống như "một triệu bát mỳ gạo".
Hiện tại, người hâm mộ khuyến khích Geng hãy vượt xa hơn các giới hạn phát minh của chính mình. Một số người thậm chí còn dọa sẽ không xem nữa nếu Geng chế tạo ra thứ gì đó thực sự nghiêm túc và có ý nghĩa thực tiễn.
"Tôi nhận ra rằng các phát minh nhỏ bé của tôi đã không còn thỏa mãn được mong muốn của các bạn nữa, vì thế tôi đã dành rất nhiều tiền để mua chiếc xe máy này", Geng nói trước camera trong một video gần đây. "Lần này, tôi sẽ làm một thứ gì đó thực sự có ích".
Nói xong, Geng giới thiệu chiếc xe đặc biệt, nửa đầu là cút kít, nửa sau là xe máy. Anh lái nó đi khắp xưởng, gần như không thể kiểm soát được nó. Với Geng, việc bán được đồ hay không không quan trọng, mà chính sự nổi tiếng trên mạng đã trở thành động lực cho anh. Cuối cùng, thay vì chỉ có gia đình và bạn bè cười đùa trước những phát minh của Geng như trước đây thì hiện tại anh còn mang lại tiếng cười cho gần 2 triệu người khác.