
Tùng (áo đen) cùng các thành viên cộng đồng nữ yêu nữ tham gia triển lãm.
Phạm Tùng, 19 tuổi ở Nguyên Xá, Thái Bình, khiến người đối diện chú ý với kiểu tóc cắt sát da đầu, dáng người gầy nhẳng và nước da ngăm đen. Tùng quấn lấy cô bạn gái tóc xoăn dài lúc chụp selfie, khi lại cười đùa vui vẻ. Vẻ ngoài "cực chất" của Tùng khiến ai có mặt tại buổi triển lãm Lộ sáng cũng ngỡ cậu là con trai.
Mãi tới tháng 3 năm ngoái, Tùng mới biết mình là người đồng tính và thực sự hiểu cụm từ đó nghĩa là gì. Trước đấy, Tùng hồn nhiên lớn lên trong khát khao có cậu ấm của bố. Sinh ra trong gia đình có điều kiện, lại là con út nên Tùng được bố mẹ chiều chuộng và thương yêu hết mực. Là trưởng họ nhưng nhà Tùng chỉ toàn con gái. Bố mẹ cậu chịu áp lực từ gia đình, họ hàng và làng xóm khi bị cho là "không biết đẻ, thất đức và lắm con gái".
"Từ bé tôi đã sống cuộc đời của một đứa con trai. Tất cả quần áo bố mua cho tôi đều không phải dành cho con gái. Bố mong tôi là con trai nhưng lại muốn tôi nuôi tóc dài và lấy chồng", Tùng tâm sự.
Tùng quen với hình ảnh tóc ngắn, khoác cổ bá vai bạn trai mà không mảy may nghĩ mình khác biệt. Cậu không tìm hiểu vì nghĩ đó là chuyện bình thường. Tùng thích sống như vậy. Cho đến ngày bị nhà trường đuổi học vì vẻ ngoài không giống ai, Tùng thực sự sốc và tự hỏi: "Liệu trên thế giới này có ai như mình không?".
"Ngày ấy, tôi thực sự không biết mình là người đồng tính, cũng không rõ đồng tính là gì, chỉ cảm thấy thích có tình cảm với những bạn gái và tôi thì đậm chất manly", Tùng viết dưới bộ ảnh tham gia triển lãm.

Một trong số các bức ảnh chụp Tùng về lại trường cấp 3 cũ được trưng bày trong triển lãm.
Mối tình đầu của Tùng bắt đầu từ năm lớp 9, với một chị khác trường và lớn hơn hai tuổi. Ngày đó, Tùng đến ở nhà bạn gái và thỉnh thoảng buổi tối về với bố mẹ. Gia đình phản đối mối quan hệ này vì cho rằng cô gái kia không tốt và bắt Tùng phải lựa chọn. Tuy nhiên, hai người vẫn bám lấy nhau cho tới khi Tùng bị đuổi khỏi trường.
Câu chuyện bị kỳ thị của Tùng khiến người xem triển lãm xúc động và lặng đi trước bức ảnh chụp từ sau lưng một thanh niên đứng ngoài cổng trường, mắt hướng vào bên trong như tìm lại ký ức buồn. Khoảng thời gian ngắn ngủi ở trường cấp ba là mảng ký ức xám Tùng chẳng bao giờ quên nổi. Cậu bị ám ảnh từng lời nói, hành động đối xử của giáo viên. Tùng muốn quãng ký ức đó không phải của mình.
Ngay ngày đầu nhập học, cô giáo gọi Tùng lên bục giảng đứng chỉ để cho cả lớp "ngắm" và biến cậu thành "trò cười". Không ai bênh vực, tất cả chỉ bàn tán rồi chỉ trỏ khiến Tùng có cảm giác bất lực, tủi thân xen lẫn xấu hổ như khi phạm tội bị bắt quả tang. Những ngày đến trường sau đấy, Tùng chỉ để ý xem cô chủ nhiệm ở đâu và cố gắng không mắc lỗi.
Tùng nhớ nhất hôm bị phạt phải đứng ngoài trời nắng suốt 5 tiết học khiến cậu bị tụt huyết áp và ngất đến rách cằm. Tới giờ, dưới cằm Tùng vẫn còn vết sẹo của ngày hôm đó. Sau nhiều lần bị gọi lên "nhắc nhở" và mời phụ huynh tới làm việc, Tùng chính thức bị đuổi vì "đi học chỉ để phá lớp".
Nhắc tới bố mẹ, cậu thấy day dứt vì lời ra tiếng vào của những người xung quanh về đứa con "ăn chơi, đua đòi" khiến họ buồn phiền. Nhiều đêm nằm cạnh, Tùng thấy mẹ không ngủ và khóc rất nhiều. Bà nghĩ Tùng manly như vậy là do "nghịch ngợm, cá tính" và nhiều lần xin con đừng làm khổ bố mẹ nữa.
Hiện tại, Tùng làm ở quán cà phê và thuê nhà cùng nhóm bạn. Cậu đã có người yêu mới và không còn dùng tên nữ Phạm Thị Phương Hạnh trước đây. Cậu và bạn gái quen nhau trong một lần gặp mặt các bạn trong giới. Gia đình cậu không phản đối nhưng cũng không thể hiện sự ủng hộ. Được tập huấn kiến thức về LGBT, Tùng tự tin hơn và không muốn thay đổi vẻ manly như bây giờ. Cậu không mong gì cho bản thân mà chỉ muốn thành công để bố mẹ được nở mày nở mặt. Sắp tới, Tùng dự định sẽ cắt ngực để có cuộc sống thoải mái hơn.
Khi đã hiểu hơn về giới, đa số những người như Tùng vứt bỏ tự ti để "lộ sáng". Để có cuộc sống tích cực như vậy, gia đình là yếu tố quan trọng giúp họ bước ra khỏi bóng tối mặc cảm. Trường hợp của Trần Diệu Ly ở Hải Phòng là một ví dụ. Ly có cuộc sống như mong muốn khi gia đình và những người xung quanh cởi mở với giới tính của cô.

Ly (áo trắng) hiện tại sống cùng gia đình bạn trai ở Hải Phòng.
Người thân của Ly, kể cả mẹ và bà ngoại, đều sử dụng mạng thành thạo. Họ tìm hiểu thông tin qua mạng và có cái nhìn không kỳ thị với người đồng tính. Hơn nữa, Ly ở riêng từ sớm và có thể tự lo được cho bản thân với nghề làm nail, tổ chức sự kiện và có một shop nhỏ. Vì thế, gia đình để cô sống cuộc đời của mình.
Ly bắt đầu đi tìm lời giải cho những cảm xúc nữ với nữ sau khi kết thúc mối tình thời đại học ở TP HCM. Cô không sốc hay ghét bản thân, đơn giản chỉ yêu là yêu. Trở về Hải Phòng, Ly bắt đầu mối quan hệ với một người bạn gái từ lúc nhỏ. Người bạn ấy tới nhà cô ở và được mẹ Ly xem như con nuôi.
Người yêu hiện tại của Ly bằng tuổi và tên thân mật là Đen. Cô hiện sống cùng gia đình Đen ở thành phố và thỉnh thoảng có về thăm nhà. Hai người bên nhau đã ba năm qua và cùng làm việc để tự lo liệu cuộc sống. Hôm đầu tiên đưa Ly về ra mắt gia đình, Đen hồi hộp không biết bố mẹ sẽ phản ứng ra sao. Cuối cùng, mọi chuyện cũng ổn thỏa. Đen come out (công khai giới tính) từ lúc bé nên bố mẹ không bất ngờ và có sự chuẩn bị tâm lý từ trước.
Gia đình hai bên biết chuyện tình của cô và Đen nhưng không cấm cản. Bà ngoại Ly thậm chí còn trêu đùa: "Chồng cháu bao giờ sang Thái Lan phẫu thuật?". Trong khi, nhà Đen mời Ly về ở cùng và coi như con.
Tại triển lãm, bức ảnh Ly một tay vòng qua cổ, tay còn lại trêu đùa bạn trai từ phía sau được đặt trang trọng trong một khung ảnh viền bằng những bông hoa hồng. Nụ cười tự tin và hạnh phúc của cả hai truyền đến người xem sự ấm áp, chân thành. Ly thấy may mắn vì được tự do yêu đương và được sống thật với chính mình. Cô khuyên những người chưa "lộ sáng" đừng nên bận tâm tới cái nhìn tiêu cực, soi mói mà hãy hòa thuận với người xung quanh.
"Tôi chỉ muốn nói, sống tốt và tích cực rồi dần dần bạn có thể bước ra ngoài vỏ bọc và tỏa sáng", Ly chia sẻ.
Cô dự định sẽ gắng kiếm tiền để 2-3 năm nữa tổ chức đám cưới.
Triển lãm Lộ sáng do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) phối hợp cùng đại diện của cộng đồng Nữ yêu nữ 7 tỉnh phía Bắc tổ chức. Buổi trưng bày gồm các tác phẩm được thể hiện bằng nhiều chất liệu và phương tiện đa dạng của nghệ thuật đương đại từ sắp đặt ảnh, sắp đặt âm thanh, nhiếp ảnh, photo voice, video, book art đến tranh vẽ... Mỗi tác phẩm là một câu chuyện từ những góc khuất trong tâm hồn của các bạn thuộc cộng đồng Nữ yêu nữ nay có dịp được "lộ sáng". Triển lãm diễn ra tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội từ 21/2 đến 2/3. |