Dương Thúy Vi là người mở hàng vàng cho đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 29 ngày 20/8. 9,67 là số điểm của Thúy Vi còn VĐV chủ nhà Eyin Phoon có 9,63 điểm. VĐV của Malaysia có thể giành HC vàng nội dung kiếm thuật tại SEA Games 29 từ lượt đấu thứ 5 nếu không có sự xuất hiện của Thúy Vi, thi ở lượt thứ 8. Một ngày sau, Thúy Vi tiếp tục giành HC vàng nội dung thương thuật nữ.
Cú đúp HC vàng SEA Games 29, một HC vàng thương thuật tại giải thế giới tại Nga giúp cô được đề cử danh hiệu VĐV nữ của năm Cup chiến thắng 2017. Trong số 5 đề cử, Thúy Vi là người duy nhất thuộc môn nằm ngoài danh mục môn Olympic. 4 người còn lại là Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), Lê Tú Chinh, Nguyễn Thị Huyền và Bùi Thị Thu Thảo (điền kinh).
Xuất thân từ gia đình có truyền thống võ học, bố làm võ sư Thiếu lâm, mẹ từng học Vịnh Xuân quyền. Tuy nhiên, Thúy Vi được cho học võ từ nhỏ một phần do thể chất không tốt. Thúy Vi thường bị ốm vặt, dễ tổn thương mỗi lần thời tiết đột ngột thay đổi. Mùa đông ở Hà Nội là thứ khiến Thúy Vi rất thích nhưng cũng có lúc không ưa nổi mỗi lần bệnh xoang mũi, cúm tái phát.
Wushu không đòi hỏi quá nhiều về thể lực mà thiên về kỹ thuật nhưng việc điều hòa nhịp thở vẫn vô cùng quan trọng. Những căn bệnh liên quan đến đường hô hấp từng là trở ngại, một đối thủ vô hình đối với Thúy Vi.
"Mọi người bảo hết giải rồi sao không có thời gian cho mình. Nhưng việc tập luyện còn chuẩn bị cho năm sau nữa. Sau một ngày tập, buổi tối tôi còn có những buổi học ở Đại học thể dục thể thao Bắc Ninh, phải trả nợ những môn học trong thời gian đi tập huấn, đi thi đấu. Tôi thấy may mắn vì bạn bè và người thân luôn cảm thông cho mình", cô gái Wushu sinh năm 1993 chia sẻ.
Thúy Vi dành tuổi thanh xuân cho wushu và môn này cũng mang đến món quà mang tên niềm vui cho cô. Nữ võ sĩ là tấm gương đẹp về ý chí vươn tới đỉnh cao và sự lạc quan trong cuộc sống.
Tú Nguyễn