![]() |
Và tất nhiên nghệ thuật đường phố không thể thiếu Graffiti. |
Năm nay tôi 20 tuổi. Tôi từng thổ lộ với bố về mong muốn thử nghiệm ít nhất một lần trong đời trở thành một nghệ sĩ đường phố. Bố tôi không hề nghĩ nó là điên rồ và cũng chẳng ngạc nhiên vì nghĩ người trẻ ai cũng ham thích những điều mới lạ.
Trước đây khi còn ở Việt Nam, tôi chỉ biết tới nghệ thuật đường phố chủ yếu qua các bài báo du lịch bốn phương, cùng lời trầm trồ về những bức tranh tường cỡ lớn của các danh hoạ và sự thích thú trước các buổi trình diễn không ngừng nghỉ của nhạc công, ca sĩ đường phố nhan nhản khắp châu Âu.
![]() |
Anh chàng nghệ sĩ vô danh này đang thực hiện một tác phẩm tại Byward Market, Ottawa. |
Tôi du học năm 2005. Lúc đó, nghệ thuật graffiti gắn liền với văn hoá hip hop đang được thanh niên ưa chuộng. Thực chất nó chỉ là một nhánh của Urban Art trong khái niệm Street Art rất rộng, bao gồm tất cả các hoạt động trình diễn nghệ thuật tại các khu vực công cộng ngoài trời.
Các nghệ sĩ sử dụng không gian đường phố như décor chính và xu hướng đương đại là tạo các mối liên kết tương tác trực tiếp từ môi trường vào ứng dụng nghệ thuật.
Nghệ thuật đường phố tiếp cận nhanh nhất tới một lượng khán giả đa dạng về thành phần và đông đảo về số lượng, bất kể tác phẩm nghệ thuật được xếp vào dạng “hàn lâm” hay “đại chúng”. Chính vì ưu điểm này mà hình thức trình diễn đường phố được rất nhiều nghệ sĩ trẻ chọn lựa để giới thiệu các thử nghiệm nghệ thuật.
Tôi luôn cảm thấy phấn khích khi bắt gặp một vở kịch câm, một vở múa đương đại hay một giọng ca opera khi vô tình đi qua quảng trường, sân lớn trung tâm thương mại hoặc bãi đậu xe.
Năm ngoái, sự phấn khích của tôi còn tăng lên gấp bội với một một tờ chương trình dày đặc những điểm diễn ngoài trời hoàn toàn miễn phí ngoài khuôn khổ chính thức của Festival sân khấu tại Avignon.
Ấn tượng nhất là đêm tôi cùng những khán giả đường phố khác đã ngẫu hứng châm lửa nến làm nền cho màn múa đương đại của một đôi nghệ sĩ người Đức trình diễn ngay trước Nhà thờ Đức Mẹ.
Phần lớn tác phẩm trình diễn nghệ thuật đường phố là miễn phí. Tại Pháp, có riêng Trung tâm Nghệ thuật đường phố quốc gia và Hiệp hội các nghệ sĩ đường phố chuyên lo việc phân phối quỹ cho các đoàn nghệ thuật lớn biểu diễn có quy mô và tổ chức festival.
![]() |
Đường phố đã biến thành “xưởng vẽ”, “sân khấu” của các nghệ sĩ. |
Còn các nghệ sĩ đường phố như đôi nghệ sĩ người Đức nọ đều hoạt động nghệ thuật tự phát và riêng lẻ, họ có thể kiếm sống bằng việc nhận tiền thưởng của khán giả qua đường. Nhưng đa phần chỉ coi đó như một “món quà khích lệ”, quan trọng là họ được thoả mãn đam mê nghệ thuật.
Cũng trong kỳ festival, tôi đã quen một nhóm sinh viên Đài Loan sang Pháp dịp hè với một khoá biểu đảo vòng liên tục giữa ba việc trong một ngày: xem kịch, biểu diễn dân ca Trung Hoa miễn phí giữa đường phố và bán dạo đồ lưu niệm.
Cùng năm tại Việt Nam, qua báo mạng, tôi thấy nghệ thuật đường phố đã không còn là một khái niệm quá xa lạ. Graffiti đã tiến tới dự án những tác phẩm lớn để đạt được một vị trí quan trọng trong việc hình thành mỹ quan đô thị.
Các cuộc giao lưu nghệ thuật đường phố với các nghệ sĩ nước ngoài nở rộ trong các festival du lịch. Các nghệ sĩ trẻ với những ý tưởng táo bạo, khát khao thử nghiệm giờ không chỉ có sự hậu thuẫn của các trung tâm văn hoá nước ngoài (Viện Goethe, Hội đồng Anh, L’Espace) mà còn bắt đầu được sự chấp nhận từ các cơ quan văn hoá chính thống.
Có lẽ những câu chuyện về sự kiện “làm mất trật tự an ninh nơi công cộng” của nghệ sĩ Đào Anh Khánh hay sự trì hoãn vô thời hạn của ý tưởng biến phố Tràng Tiền thành một con phố sắp đặt độc đáo của L’Espace sẽ không còn nhiều trong thời gian tới.
Trở lại với mong mỏi cá nhân, nó cực kỳ bình thường đối với những người bạn cùng lớp kịch ngoại khoá tôi tham gia. Tôi nhớ rõ bài học số 5. Thày giáo, vốn là một đạo diễn sân khấu, bắt chúng tôi ra dàn hàng ngang giữa vỉa hè ngay trước nhà hát và bảo 15 học viên cùng lúc hãy diễn 15 trạng thái khác nhau của con nguời, mỗi người một động tác duy nhất. Cả khu phố trở quanh nhà hát trở nên đông đúc lạ thường.
Sau 7 phút chỉ… thở dài, tôi cùng các bạn ngỡ ngàng nhận được tiếng vỗ tay của một nửa khán giả, một nửa còn lại thì… thờ ơ đi tiếp quãng đường đang dở. Và rõ ràng là tôi đang nung nấu được sống lại cái cảm giác “nghệ sĩ đường phố” rất đặc biệt ấy!
Ý tưởng thì bất cứ người trẻ nào cũng thừa thãi, tôi từng tưởng tượng được nghe quan họ miễn phí trước Nhà hát Lớn, xem triển lãm ảnh treo trên các cột giao thông, ngắm những bộ sưu tập thời trang mới trên xích lô đi vòng vòng thành phố… và cũng mơ bản thân mình đang say sưa với một thử nghiệm nghệ thuật được trình diễn ngay một góc Bờ hồ Hoàn Kiếm chẳng hạn!
Tất nhiên nói thì vô cùng, và tôi thì hoàn toàn không phải là người tiên phong, thậm chí còn đang dậm chân “dự án” ở dạng “ước mơ”. Có rất nhiều cái đầu muốn “bùng nổ” khác đã, đang và sẽ trở thành những nghệ sĩ đường phố, góp phần tạo dựng nên một phần cá tính và độc đáo của diện mạo đô thị.
Bố từng hỏi tôi đầy nghi ngờ về giá trị chỉ mang tính thức thời của những thể nghiệm nghệ thuật đường phố. Tôi đưa cho ông đường link một trang web của một đứa bạn là tín đồ của Street Art, trưng slogan to đùng “Nghệ thuật để làm gì khi chỉ để trưng vào viện bảo tàng?”. Tôi thì không cực đoan đến mức như vậy, tôi thích slogan này của nó hơn “Khi đường phố trở thành sân khấu và gallery…”.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)