Con trai đầu lòng của Dương Mỹ Linh và chồng - doanh nhân Bảo Anh - chào đời ngày 15/4 tại California. Dịp bé đầy tháng, cô lần đầu kể cuộc sống "mẹ bỉm sữa", hành trình mang bầu và trải nghiệm vượt cạn.
- Những ngày qua, chị làm quen cuộc sống "mẹ bỉm sữa" thế nào?
- Thật ra việc chăm trẻ với tôi không quá khó nhưng những ngày đầu đưa bé về, cuộc sống của tôi thực sự đảo lộn. Cứ ba tiếng, tôi phải cho con ăn và chăm bé những nhu cầu khác nên thời gian trôi qua rất nhanh. Đôi khi, tôi chẳng còn lúc nào cho bản thân, thậm chí quên cả việc ăn uống. Nhưng tôi không thấy đó là vất vả mà thực sự hạnh phúc. Được nhìn con lớn lên, thay đổi từng ngày, tôi sung sướng vô cùng.
Tôi cũng may mắn vì được gia đình chồng động viên và hỗ trợ rất nhiều. Những ngày này, mẹ tôi kẹt việc ở Việt Nam chưa qua được nên các chị chồng cùng nhau giúp tôi chăm con. Các chị qua nhà ngủ lại, thay phiên nấu nướng và trò chuyện để tôi không cảm thấy tủi thân, trống trải. Trong những ngày ở cữ, tôi cảm nhận gia đình chồng thật ấm áp, các chị đối xử với tôi như em ruột. Những điều này rất quý giá với tôi.
- Nhắc lại khoảng thời gian trước, khi biết mình có thai, chị nhớ nhất điều gì?
- Cả tôi và ông xã đều không còn trẻ nên chúng tôi không nghĩ niềm vui đến sớm như vậy. Chỉ sau hai tháng lên kế hoạch và biết mình mang bầu thì tôi vui mừng vô cùng. Lúc ấy, trong tôi là rất nhiều cảm giác, vừa hồi hộp, lo lắng lại phải hết sức thận trọng vì có con lần đầu tiên. Đến giờ, tôi vẫn không quên được sự xúc động đến khó tả vào giây phút đó.
- Gia đình đôi bên đã phản ứng ra sao khi anh chị báo tin vui?
- Tôi báo cho các mẹ đầu tiên. Mẹ đẻ tôi không phải người thường bộc lộ cảm xúc ra ngoài nhưng tôi tin chắc rằng sau khi cúp điện thoại, bà đã khóc vì vui mừng. Gia đình chồng, họ hàng, bạn bè thân quen đều hạnh phúc cho tôi. Từ khi tôi có bầu, mọi người quan tâm tôi đặc biệt hơn. Điều đó khiến tôi thấy vô cùng may mắn.
- Cuộc sống của chị thay đổi thế nào trong thời gian thai kỳ?
- Tôi không bị nghén, cũng không thèm món gì đặc biệt nên vẫn ăn uống bình thường, chỉ tăng cường các thực phẩm tốt cho thai nhi. Ngoài ra, tôi bổ sung dưỡng chất, vitamin được bác sĩ khuyên dùng. Ở giai đoạn đầu thai kỳ, tôi kiêng vận động cho đến khi bào thai cứng cáp mới tập luyện nhẹ nhàng theo hướng dẫn trên mạng. Nhưng từ tháng thứ bảy, em bé đã lớn, cơ thể cũng nặng nề nên tôi dừng việc tập. Tôi nghĩ tập luyện khi mang bầu lớn mà không có sự hướng dẫn của huấn luyện viên chuyên nghiệp sẽ rất nguy hiểm.
Về sức khỏe tinh thần, tôi thấy vui vẻ, tràn đầy năng lượng, dù có giai đoạn ngắn ngủ không ngon giấc. Tính cách và tâm trạng tôi không thay đổi nhiều trong thời gian mang bầu. Chỉ là lúc mới phát hiện có em bé, tôi thấy rất lạ lẫm. Trải qua mỗi lần khám định kỳ, ngắm con lớn mỗi ngày trong cơ thể mình, tôi mới dần quen và cảm nhận sự gắn bó với con.
- Ông xã dành cho chị sự quan tâm và chăm sóc thế nào?
- Anh để ý khẩu vị của tôi trong thời gian mang thai, hay hỏi tôi thèm ăn món gì. Những việc nặng nhọc trong nhà, anh giành làm hết, kể cả nấu cơm. Nhìn chung, chồng tôi tâm lý và khéo léo. Anh dặn tôi thận trọng từ việc đi đứng. Mỗi lần tôi lái xe ra ngoài, anh cũng nhắc nhở một hồi mới yên tâm.
- Một số thông tin cho rằng độ tuổi mang thai tốt nhất của phụ nữ là từ 20 - 35 tuổi. Chị lên kế hoạch sinh con đầu lòng ở tuổi 40, trước đó phải chuẩn bị những gì?
- Tôi sống rất lành mạnh và điều độ nên khi muốn có con cũng không cần thay đổi nhiều về thói quen sinh hoạt. Tôi chỉ bổ sung một số thực phẩm chức năng hỗ trợ mang thai. Lúc biết tin vui, tôi để mọi người thuận tự nhiên. Ngoài những điều bác sĩ dặn dò tôi cố gắng nghe theo, mọi hoạt động khác diễn ra bình thường.
Ông bà mình khi xưa quan niệm mẹ bầu phải ăn thật nhiều nhưng với tôi, để tránh chứng tiểu đường thai kỳ, tôi không uống sữa bầu, cũng không áp dụng chế độ bồi dưỡng đặc biệt. Tôi nghĩ tinh thần là điều quan trọng và tác động nhiều nhất đến em bé, nên tôi cân bằng cảm xúc, giữ trạng thái vui vẻ.
- Bên cạnh sức khỏe, chị trang bị cho bản thân những kiến thức chăm con nào?
- Tôi không có kinh nghiệm chăm trẻ nhưng ông xã rất khéo. Ngoài ra, mẹ đẻ sang Mỹ hỗ trợ tôi trong ba tháng đầu tiên. Về phần mình, tôi tham khảo từ bạn bè, đọc thông tin trên sách báo, internet.
Dù biết trước sẽ vất vả, chúng tôi xác định tự chăm con vì ở bên này, tôi chẳng có người thân. Bố mẹ chồng đã lớn tuổi, các chị chồng thì bận rộn. Việc thuê vú em cũng không đơn giản, rất khó để tìm được người hợp ý, chịu gắn bó với gia đình mình.
- Cuối năm 2022, chị về nước chuẩn bị đám cưới đúng giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai. Chị cảm thấy thế nào khi vừa mang bầu, vừa bận rộn lo chuyện đại sự?
- Ban đầu, chúng tôi dự định tổ chức hôn lễ ở quê nhà Bến Tre vào khoảng tháng 8/2022. Đợt đó trùng vào tháng 7 âm lịch, không tốt theo quan niệm phương Đông, nên mẹ tôi phản đối. Cả nhà bàn bạc, thống nhất dời đám cưới thêm vài tháng thì khi trở lại Mỹ, tôi phát hiện có bầu. Cuối năm, khi về Việt Nam, tôi đã bước sang tháng thứ ba nên rất ngại di chuyển. May mắn, tôi không bị mệt mỏi nhiều, thậm chí khỏe khoắn. Có lúc tôi quên mất mình đang có thai, thoải mái đi giày cao gót, chạy qua chạy lại lo đám cưới khiến mọi người phải liên tục nhắc nhở.
Thời con gái, tôi vốn khỏe mạnh nhưng không dẻo dai như lúc mang bầu. Một năm trước, tôi bị thoát vị đĩa đệm nên ngồi hay nằm đều rất đau. Đỉnh điểm, cuối năm 2021, tôi đau đến mức không ngồi được quá một tiếng và đi máy bay chỉ biết nằm. Tôi cũng tìm đến các phương pháp Đông y nhưng chưa cải thiện nhiều, cho đến khi mang bầu thì hết đau hẳn. Trước đó, mọi người đều lo lắng tôi sẽ đau lưng nhiều hơn khi có thai nhưng kỳ diệu thay, mọi chuyện rất thuận lợi.
>> Xem thêm: Dương Mỹ Linh giấu bụng bầu suốt thai kỳ
Nguyên Thảo