
Vài năm gần đây, đường Tăng Bạt Hổ trở thành một trong những con phố ẩm thực nổi tiếng đối với du khách ở Đà Lạt, trong đó phải kể đến loạt quán bánh căn mọc lên 'như nấm', luôn nhộn nhịp du khách vào buổi sáng. Ngang qua đây, du khách dễ bị bối rối bởi nhiều lời mời chào của nhân viên các quán bánh căn đứng ngoài đường, không biết nên ghé quán nào.
Bánh căn buổi sáng trên đường Tăng Bạt Hổ. Video: Vi Yến

Trước kia, đường này chỉ có hai - ba quán bánh căn bình dân, được đánh giá ngon nên nhiều người kháo nhau muốn ăn bánh căn chuẩn vị Đà Lạt thì tới đây. Sau này, nhiều quán mở cửa 'ăn theo'. Chỉ vài trăm mét đường đã có hàng chục quán, luôn nườm nượp khách, còn nhân viên thì quảng cáo 'đây là quán gốc' nhằm hút khách. Để phục vụ lượng khách lớn, đa phần các quán mới sẽ sử dụng bếp gas đổ bánh căn cho nhanh.

Đi bộ xuống cuối đường Tăng Bạt Hổ, bạn sẽ gặp hai quán bánh căn lâu năm nằm gần cuối con dốc, vẫn sử dụng bếp đất nung truyền thống. Các khuôn bánh căn được làm nóng bằng than, khi có khách cô chủ mới bắt đầu đổ bánh. Vì thế, ăn ở đây bạn sẽ chờ hơi lâu một chút, nhất là lúc đông khách. Tuy nhiên hương vị thơm, nóng giòn đúng kiểu bánh căn Đà Lạt.

Có hai loại nhân cho bạn chọn: trứng cút và trứng gà. Bột bánh pha bằng bột gạo, đổ vào khuôn rồi thêm nhân tùy ý thực khách. Một phần bánh gồm năm cặp, đủ cho một người ăn no. Bạn có thể gọi ít hơn tùy khẩu phần. Bánh đổ bằng khuôn đất, vỏ bên ngoài giòn, hơi xém vàng nhưng không bị cháy.

Chén xíu mại là điểm nhấn của bánh căn Đà Lạt, giúp món ăn ngon hơn. Chén có hành lá xắt mỏng xào chín và viên xíu mại. Thực khách tự thêm nước mắm ngọt, ớt xay, khuấy đều lên.

Ăn bánh căn đúng cách là bạn nhúng nguyên miếng bánh căn vào chén nước, thưởng thức vị bùi, béo của bột pha trứng, thấm trong nước mắm ngọt, hành lá thơm. Xíu mại nhiều thịt, chả cây sần sật rất lý tưởng ăn kèm bánh căn. Một đĩa khoảng 30.000 - 40.000 đồng, tùy nơi bán.
Bài và ảnh: Vi Yến