Theo lẽ tự nhiên “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, nhưng vẫn có sự tráo đổi thiên chức ở không ít gia đình. Khi phụ nữ trở thành trụ cột gia đình, họ phải đối mặt với những thách thức đến từ nhiều phía, trong đó có cả nguy cơ tan vỡ hạnh phúc gia đình nếu chỉ mải mê “kiếm củi” mà quên “giữ lửa”.
Đàn ông ở đâu khi phụ nữ 'xây nhà'
Khủng hoảng kinh tế, làm bà mẹ đơn thân hay chồng “an phận”… là lý do khiến phụ nữ trở thành trụ cột của gia đình. Mai Phương (28 tuổi) trở thành mẹ đơn thân khi con gái bước vào tuổi đi học. Phụ cấp 2,5 triệu đồng/tháng từ chồng cũ chỉ đủ đóng tiền học phí cho cô con gái. Là người chủ động đưa ra quyết định ly hôn nên bà mẹ trẻ đã lường trước được những áp lực về kinh tế khi một mình nuôi con. Để đảm bảo cuộc sống giữa lòng thủ đô, bên cạnh 8 tiếng làm việc văn phòng, Phương phải tất bật buôn bán đủ thứ như quần áo, sữa trẻ em, vật dụng gia đình…
Không thuộc diện mẹ đơn thân, nhưng Bích Hạnh (34 tuổi) cũng là người kiếm tiền chính của gia đình. Là giám đốc của một công ty truyền thông, thu nhập của Hạnh tính bằng tiền đô, trong khi mức lương của anh chồng chỉ là số lẻ so với cô. Nếu chỉ trông chờ vào đồng lương công chức ba cọc, ba đồng của chồng, gia đình Bích Hạnh chắc khó có cuộc sống đầy đủ như hiện nay, nói gì đến chuyện hai đứa trẻ được đi học ở trường quốc tế và mỗi năm đi du lịch vài ba lần.
Ảnh minh họa: InImages. |
Dù rất yêu chồng nhưng Thanh Hà (26 tuổi) vẫn phải thừa nhận rằng, chồng cô thuộc tuýp đàn ông “mặc váy”. Sau 2 lần bị công ty giảm lương với lý do khủng hoàng kinh tế, mỗi tháng chồng cô đều đặn mang về cho vợ 4 triệu đồng. Nhưng anh không lấy thế làm lo lắng, hàng ngày anh đi làm về đúng giờ, ăn cơm xong thì xem TV hoặc chơi game cho đến khi đi ngủ. Suy nghĩ của chồng Hà rất đơn giản: “Làm đủ ăn là được, không cần giàu có. Đời người quan trọng nhất là ngủ đủ giấc và ăn uống điều độ”. Nhiều lần chán nản vì thói “an phận” của chồng, Hà có nói thì cũng chỉ dẫn đến cãi nhau. Lâu dần, cô đành chấp nhận và tự buôn bán thêm ngoài giờ hành chính để tích lũy, chuẩn bị cho kế hoạch sinh con.
Phụ nữ được và mất gì khi trở thành trụ cột
Sau hai năm kể từ khi một mình nuôi con, cuộc sống của Mai Phương bận rộn hơn, nhiều hôm chỉ được ngủ 4 - 5 tiếng để làm việc nhưng bù lại, cô thừa nhận việc làm chủ cuộc sống khiến cô trẻ ra và năng động hơn. “Khi còn sống chung, chồng mình là trụ cột kinh tế kiêm luôn “tay hòm chìa khóa”, muốn mua gì cũng phải hỏi chồng. Có lần muốn mua một cái váy mới cũng phải nghĩ cách bù khoản nọ, đắp khoản kia cho đủ tiền. So với cảm giác phải ngửa tay xin tiền chồng thì việc tự kiếm được tiền và được thoải mái mua sắm theo ý muốn quả thật tuyệt vời”, Mai Phương tâm sự.
Ảnh minh họa: InImages. |
Không phủ nhận sự vất vả khi vừa phải cáng đáng việc cơ quan, vừa chăm sóc hai con, Bích Hạnh chia sẻ, nhiều lần cô có cảm giác chạnh lòng khi nghĩ về ông xã. Những lúc cô bị stress vì công việc và con cái, anh cũng thản nhiên như không. Có lẽ cảm giác thua kém vợ khiến anh không còn muốn gần gũi với người được gọi là bạn đời. Anh còn tuyên bố thẳng sẽ không xuất hiện bên cạnh bà xã trong các dịp vui chơi ở cơ quan cô. Hạnh nhớ lại có lần rủ anh đi cùng trong tiệc sinh nhật công ty thì anh lạnh lùng đáp lại: “Tôi đi để cho người ta khinh à?”. Cô biết ý nên kể từ đó không bao giờ nhắc đến chuyện công việc trước mặt chồng nữa.
Từ kinh nghiệm bản thân trong vai trò trụ cột kinh tế, Bích Hạnh tâm sự: “Phụ nữ, dù giỏi giang đến đâu, ở công ty là sếp nọ, sếp kia, kiếm tiền nhiều thế nào thì về nhà cũng chỉ là vợ, là mẹ. Nếu quen thói chỉ đạo chồng hay có thái độ coi thường, bất mãn thì ly hôn là điều không khó xảy ra. Đàn ông đôi khi rất sĩ nên mình phải biết lựa để cuộc sống yên ổn, hòa thuận”.
“Với bản tính của phụ nữ, dù có là người 'xây nhà' thì các chị em sẽ không quên nhiệm vụ vun đắp hạnh phúc gia đình, chăm lo tổ ấm. Điều đó đồng nghĩa với việc phụ nữ phải lãnh gấp đôi công việc. Nhưng rất ít đàn ông thấu hiếu được những gánh nặng đặt trên vai người phụ nữ. Nếu gặp được người chồng tâm lý, sẵn lòng giúp đỡ vợ trong việc nội trợ, chăm lo gia đình thì không sao, còn 'vớ' phải những ông chồng vô tâm thì sự nỗ lực và hy sinh của các chị em quả thật rất vô nghĩa”, Thanh Hà kết luận.
Tường Vi