![]() |
Rượu rắn “lên đời” bị cơ quan chức năng thu giữ . |
Đời sống kinh tế càng phát triển, nhu cầu sử dụng những loại thực phẩm, dược liệu quý hiếm có tác dụng bồi bổ sinh lực càng tăng. Chính vì vậy, thị trường sản phẩm động vật quý hiếm TP HCM ngày càng nhộn nhịp. Thế nhưng, trên thực tế, thị trường này đang ngập tràn hàng giả trước sự kiểm soát lỏng lẻo của cơ quan chức năng.
Chợ An Đông và đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5) là những nơi tập trung bày bán các loại thực phẩm - dược liệu hạng sang, từ hải sâm, bào ngư, vi cá đến yến sào, huyết yến, đông trùng hạ thảo, sâm, nhung quế... Một cô gái bán hàng ở tầng hầm chợ An Đông quảng cáo: "Muốn đủ sức chơi tennis hả? Mua huyết yến đi, giá 7 triệu đồng/100 gr. Còn muốn thông huyết, bổ khí, bổ phổi thì mua vài trăm gram yến sào, giá 3-4 triệu/100 gr".
Không đợi khách có ý kiến, cô ta nói luôn: "Không đủ tiền mua tổ yến có thể chọn món tuyết giáp, giá rẻ hơn nhưng có công dụng tương đương". Cô giải thích: "Tuyết giáp là lớp màng nhầy trong khoang bụng của một loài bò sát có nhiều ở vùng Tân Cương, Trung Quốc. Khi bắt được con này người ta chỉ mổ bụng lấy lớp màng nhầy, phơi khô". PV Thanh Niên hỏi giá, cô ta đáp nhanh: "3,5-4 triệu đồng/kg".
Tại đường Hải Thượng Lãn Ông, ông chủ một tiệm lớn chuyên bán các loại hải sản, sâm nhung, rượu thuốc chỉ vào bình rượu rắn, chừng 10 lít có con rắn hổ mang chúa, hét giá 8,5 triệu đồng kèm theo lời bảo đảm "công hiệu tức thì".
Một số chủ cửa hàng ở đây cho biết, những món đang được chuộng nhất trong giới ăn chơi hiện nay là bào thai cọp ngâm với nhung nai và sâm Cao Ly hay mắt cọp, pín cọp ngâm với sâm, giúp quý ông "mạnh hơn cọp''.
Khi biết có khách đang tìm mua pín cọp, nhân viên một cửa hàng thuốc bắc tại góc đường Hải Thượng Lãn Ông - Lương Nhữ Học lôi ra một chiếc thẩu. Những chiếc pín dài gần 2 gang tay với một đầu tua tủa gai, cứng như gỗ chứa đầy trong đó. Thấy khách săm soi hơi lâu, anh bán hàng nói: "Pín cọp đó, nhìn cái gai kìa, đàn ông tụi mình mà uống rượu ngâm cái thứ này thì...". Anh ta cười hề hề rồi tiếp: "Mà anh có đủ bộ chưa? Phải có thêm hải mã và nhân sâm nữa". Hũ rượu mà anh ta chỉ quả nhiên "hoành tráng", có vài con rắn, nhân sâm và những thứ đen thui, không biết là dược liệu gì.
Hỏi giá pín cọp, ông chủ tiệm đứng gần đó nói gọn lỏn: "90.000 đồng". Cái giá rẻ đến... choáng váng! Bởi theo những người kinh doanh lâu năm, giá một pín cọp thật ít nhất cũng khoảng 550 USD/cái, mà chưa chắc tìm được.
Một cán bộ Chi cục Kiểm lâm TP HCM cho biết: "Cọp là động vật quý hiếm đã được ghi tên vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng cao, ngay ở Việt Nam cũng còn rất ít. Do đó chỉ cần dựa vào giá bán như thế cũng đủ biết là hàng giả".
Không chỉ có pín cọp, rất nhiều loại dược liệu khác cũng bị làm giả. Dễ mua nhầm hàng giả nhất là đông trùng hạ thảo, một loại thuốc quý giúp tăng cường sinh lực. Một vị lương y tiết lộ: "Đông trùng hạ thảo thật chỉ có ở Trung Quốc và Nepal nên giá rất cao, giá xuất xứ là 50 triệu đồng/kg, đến thị trường tiêu thụ đã xấp xỉ 75 triệu đồng/kg. Chính vì quý hiếm như vậy nên đây là loại thuốc bị làm giả nhiều nhất. Hàng giả thường được chế bằng thân củ địa tàm và thảo thạch, thậm chí được làm từ bột ngô, bột mạch hay... thạch cao". Trong khi đó, đông trùng hạ thảo trên thị trường hiện nay chỉ có giá từ 2-2,5 triệu đồng/lạng, quá rẻ so với giá mà vị lương y nói.
Một cán bộ lãnh đạo của Chi cục Kiểm lâm TP HCM thừa nhận, hiện rất khó kiểm soát thị trường này. Ông nói: "Khâu quản lý sản phẩm động vật hoang dã, quý hiếm hiện nay trên địa bàn thành phố đang bị bỏ ngỏ nên rất phức tạp. Chúng tôi đã tuyên truyền rồi truy quét nhưng cũng chỉ có thể thu giữ các sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc được bày bán công khai, chứ các sản phẩm động vật quý hiếm được sấy khô thì không xử lý được. Các sản phẩm động vật được cho là dược liệu, chúng tôi cũng có trách nhiệm quản lý nhưng hiện nay vẫn chưa kiểm tra sát được. Ví dụ để xác định một sản phẩm là thật hay giả thì phải có sự phối hợp của nhiều cơ quan khoa học".
Một trong những dược tửu đắt tiền hiện nay là rượu ngâm rắn. Trong đợt truy quét các ổ làm rượu rắn giả vừa qua, Chi cục Kiểm lâm TP HCM đã phát hiện một "công nghệ" biến rắn chàm quặp thành hổ mang. Người làm rượu dùng kẹp banh rộng miệng rắn chàm quặp rồi luồn lò xo bằng kẽm vào sâu trong cổ rắn. Hai đầu của lò xo được cột hai sợi chỉ và thòng ra khỏi miệng chai, sau đó nhét rắn vào, chỉ vài giờ sau cổ rắn bành ra, nhìn giống hệt rắn hổ mang. Sau đó cồn được đổ vào để ngâm, khi rắn đã bắt đầu cứng lại, giữ được hình dáng đã tạo, chiếc lò xo được rút ra, đổ cồn đã pha nước lạnh (hoặc rượu đế trôi nổi ngoài chợ) vào, rồi cho rễ cây để tạo màu và chỉnh sửa lại tư thế của rắn như cho rắn tự ngậm đuôi mình, hoặc ngậm rắn con, sâm củ... và đưa đi tiêu thụ. Hình mặt trăng trên đầu rắn hổ mang được dán bằng... keo dán sắt để đánh lừa người mua. Các sản phẩm này vẫn được bày bán khá nhiều trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Đinh Tiên Hoàng, Bà Huyện Thanh Quan...