- Nốt nhạc vui có nhiều thí sinh là những nghệ sĩ nổi tiếng. Các chương trình mà họ tham gia có gì đặc biệt?
- Nghệ sĩ khi được mời do thích chương trình nên đồng ý ngay. Nhưng khi đến sân khấu, nhận thấy không khí cạnh tranh họ bắt đầu lo lắng. Họ sợ không trả lời được sẽ bị khán giả "chê", sẽ "quê". Nhưng khi đã vào cuộc họ đều quên đi vị thế của mình mà lo tập trung cho phần thi. Như ca sĩ Thanh Thảo do quá tập trung nghe nhạc nên quên bấm chuông, vì thế bị mất điểm. Họ vốn “nhạy” sân khấu nên có thể tung hứng rất thoải mái, nhưng đôi khi lại tạo nên những tình huống bất ngờ.

MC Thanh Bạch trong chương trình Nốt nhạc vui.
- Thế còn với thí sinh bình thường?
- Trái ngược hẳn. Do căng thẳng quá nên dù được điểm mà họ vẫn đứng ngây ra, không biểu lộ được sự vui mừng. Để giúp thí sinh thoải mái bộc lộ năng khiếu, cảm xúc, tôi phải có một buổi làm việc với họ trước khi thi.
- Tại sao anh luôn ví không khí của cuộc chơi này như một trận bóng đá?
- Tốc độ chương trình dần tăng lên rất giống với nhịp độ của một trận bóng đá, đòi hỏi mọi người phải suy nghĩ thật nhanh, ký ức âm nhạc phải được khơi dậy mãnh liệt. Lần thi có 3 MC Quỳnh Hương, Phương Thảo, Phước Lập tham gia, trước khi vào cuộc họ nhắc nhau: "Mình là MC nên không được nhí nhố, phải nghiêm trang để tạo không khí hòa nhã”. Nhưng khi qua vòng 1 thì không ai còn nghiêm trang được nữa, đến cả đàn chị Quỳnh Hương cũng nhảy lên mỗi khi trả lời đúng. Còn Phước Lập thì hứng khởi quá, thay vì ấn chuông nhẹ nhàng, anh đập chuông rất mạnh làm phím chuông tụt xuống, phải ngừng chương trình để sửa lại.
- Cảm giác của anh như thế nào khi làm MC truyền hình?
- Lúc đầu tôi khá căng thẳng vì bị lệ thuộc vào kịch bản, luật chơi không thay đổi nên dễ bị nhàm chán. May thay, thí sinh mỗi người một tính cách, nghề nghiệp còn khán giả thì rất nhiệt tình cổ vũ nên đã giúp chương trình sinh động hơn. Khi chương trình được phát sóng nhiều, mọi người đã quen với thể lệ chơi thì tôi mới đỡ lệ thuộc vào kịch bản, đỡ hồi hộp. Sự hào hứng của chương trình làm tôi quên mệt mỏi.