![]() |
Vợ và con nhạc sĩ An il Thai tại Hàn Quốc. |
Những năm 30 của thế kỷ XX, bán đảo Triều Tiên bị Nhật xâm chiếm, các chiến sĩ Triều Tiên yêu nước chống Nhật đã truyền nhau đọc bài thơ “Bài ca yêu nước”. Năm 1936, bài thơ này đã được nhạc sĩ An il Thai (sinh năm 1906, từng học ở Nhật, Mỹ sau đó sang sống ở Tây Ban Nha) phổ nhạc thành bài hát “Bài ca yêu nước”. Nhiều người Triều Tiên ở hải ngoại và trên bán đảo Triều Tiên đã truyền nhau hát “Bài ca yêu nước”. Năm 1948, khi Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc) thành lập, đã lấy tác phẩm trên làm Quốc ca.
Bản quyền của “Bài ca yêu nước” thuộc về cá nhân tác giả An il Thai là điều hiển nhiên. Khi An il Thai còn sống, ông vẫn không đưa ra vấn đề bản quyền, một thời gian dài, sau khi ông qua đời, mọi người trong gia tộc của ông cũng không đặt ra. Nhưng đến năm 1992, gia tộc An il Thai thông qua Hiệp hội Bản quyền âm nhạc Hàn Quốc đề nghị được sử dụng bản quyền, đồng thời bắt đầu thu phí bản quyền.
Bộ Văn hóa Hàn Quốc quy định, nếu không có sự đồng ý của tất cả những người được chấp nhận bản quyền thì không được chế tác băng từ của quốc ca. Hiệp hội Bản quyền âm nhạc Hàn Quốc cũng cho rằng, Đài Truyền hình Hàn Quốc phát đi Quốc ca cũng phải nộp thuế bản quyền. Trong một số trận thi đấu thể thao và trình diễn thương nghiệp, nếu diễn tấu Quốc ca cũng phải “có bồi thường sử dụng”...
Từ năm 1992, người nhà của An il Thai thông qua Hiệp hội Bản quyền âm nhạc Hàn Quốc, mỗi năm đã thu được 5-8 triệu won (tiền Hàn Quốc) phí sử dụng bản quyền Quốc ca. Luật Bản quyền Hàn Quốc còn quy định, kỳ hạn có hiệu quả của bản quyền được kéo dài 50 năm sau khi tác giả chết. Nếu theo quy định này thì Hàn Quốc phải tiếp tục trả bản quyền “Bài ca yêu nước” đến trước năm 2015.
Theo quy định, một sân bóng chuyên sử dụng cho đấu bóng đá, một năm phải trả phí bản quyền Bài ca yêu nước khoảng 1-6 vạn won. Năm 2003, Hiệp hội Bản quyền âm nhạc Hàn Quốc đã tố cáo đội bóng chuyên nghiệp Phúc Xuyên và Đại Điền không trả thuế bản quyền Quốc ca. Hai đội bóng bị tố cáo đương nhiên cũng không chịu, họ cho rằng, Quốc ca là tài sản chung, hát Quốc ca trước khi thi đấu là nghi thức quốc gia thiêng liêng, trả phí cho việc này là trái với đạo lý bình thường.
Một số người dân Hàn Quốc, qua báo chí mới biết sự việc hát Quốc ca phải nộp tiền, phản ứng đầu tiên của họ là phẫn nộ. Họ cho rằng, bài hát được chọn làm quốc ca là vinh dự lớn lao của tác giả, hành vi của gia tộc An il Thai lấy tiền bản quyền là coi thường tinh thần yêu nước của cố nhân. Họ cho rằng, biện pháp tốt nhất là chính phủ nên mua đứt một lần bản quyền. Lại có người đưa ra ý kiến, Hàn Quốc nên chọn lại hoặc cho sáng tác Quốc ca mới.
Trước áp lực và dư luận của người dân, từ năm 2003 đến đầu năm 2005, Bộ Văn hóa Hàn Quốc đã 2 lần kiến nghị với Bộ Hành chính tự trị, yêu cầu nhà nước mua đứt bản quyền tác phẩm âm nhạc “Bài ca yêu nước”.
Sau khi biết tin này, tháng 3 năm nay, nữ sĩ Rolida (vợ An il Thai) và các con đã từ Tây Ban Nha trở về Hàn Quốc, quyết định làm thủ tục chuyển nhượng cho không bản quyền “Bài ca yêu nước” cho Chính phủ Hàn Quốc qua Bộ trưởng Văn hóa Hàn Quốc.
Rolida (90 tuổi) cảm động nói: “Bản nhạc được sáng tác vì Hàn Quốc, cần trả lại cho nhân dân Hàn Quốc”. Bà biểu thị sự tôn kính và tình yêu của người dân Hàn Quốc đối với Bài ca yêu nước và bản thân An il Thai đã đủ để an ủi và động viên bà rất nhiều.
Sau sự kiện bản quyền trên được giải quyết, ở Hàn Quốc đã tổ chức các hoạt động kỷ niệm An il Thai. Cuộc đời và tác phẩm âm nhạc của An il Thai cũng bắt đầu được người Hàn Quốc nghiên cứu.
(Theo An Ninh Thế Giới)