Giống như anh Quang, không ít người "đứng núi này, trông núi nọ", lúc nào cũng chỉ nhìn thấy mặt xấu của bạn đời, mặt tốt của vợ... người khác rồi đem ra so sánh, dằn vặt. Và nhiều khi, hôn nhân tan vỡ chỉ vì lý do đó.
Chuyện của vợ chồng chị Châu - anh Khuê là một ví dụ.
Chị Châu luôn miệng ca cẩm chồng về đủ thứ khuyết điểm. Gay nhất là những khi hai vợ chồng xích mích, chị cứ đem anh ra mà so sánh với anh Tôn hàng xóm. Nào anh Tôn biết giúp vợ trông con, làm bếp, nào anh Tôn ăn nói nhỏ nhẹ, không đi nhậu, không la cà, nào anh Tôn...
Bực mình, anh Khuê gắt lên: “Em yêu tôi hay yêu anh Tôn? Tôi không phải chỗ nào thì em nói tôi sẽ sửa chỗ đó, chứ đừng có đem tôi ra mà so sánh với thằng đàn ông khác”. Nghe vậy, chị càng có cớ... so sánh. “Thấy chưa! Chỉ việc ăn nói thôi, anh cũng không bằng anh Tôn, đụng tới là tự ái một cục, la lối vợ con!”.
Thế là anh Khuê càng điên tiết, càng bê tha hơn cho bõ ghét. Anh nói: “Tôi làm gì cũng không vừa ý cô, vậy xấu cho xấu luôn. Tôi tệ thế, thì thôi, đường ai nấy đi cho cô rảnh". Tưởng chỉ nói thế, ai ngờ, lá đơn ly dị lại có thật. Sau này, khi đã chia tay, anh nhắn với chị: “Chúc em chọn được người hoàn hảo mà em tôn thờ”. Còn anh chẳng bao lâu lại kết hôn với chị My, người “ái mộ” anh nhiều năm qua.
Chị My hay bảo: “Kệ, anh ấy hơi cộc tính nhưng thẳng thắn, can đảm. Việc nhà hơi vụng về, nhưng giỏi ngoại giao, làm được sự nghiệp lớn cho vợ con hãnh diện. Anh ấy có cái hay riêng, tôi chọn là chọn cái hay đó, còn cái dở thì... xí xoá”. Từ ngày sống bên chị My, anh Khuê cảm thấy mình tự tin hẳn, luôn được động viên, khuyến khích, chẳng thế còn tự giác nhìn nhận những cái dở của mình. Chị My cười: “Anh như thế là tốt lắm rồi, đủ cho em thần tượng rồi. Anh mà quá 'siêu' thì bay lên trời mất, chứ đâu còn là người phàm”.
Anh Quang cũng thuộc người đứng núi này trông núi nọ. Lúc nào anh cũng chê vợ. Anh ước chị đẹp như chị Thủy, giỏi ngoại giao như chị Liên, đảm đang như chị Hảo, làm ra tiền như chị Mai... Cứ mỗi khi gặp một ai đó có ưu điểm nổi trội là anh lại thèm, và so sánh. Thế là vợ anh lẳng lặng ra đi.
Đối diện với căn nhà bề bộn, anh mới hối hận. Thì ra vợ anh tuy không quá sắc về một phương diện nào, nhưng về tổng thể lại có nét hay riêng không giải thích nổi. Chị Liên giỏi ngoại ngữ, nhưng hình như giọng của vợ anh mới thật êm đềm, sâu lắng. Chị Hảo nấu ăn rất giỏi, nhưng hình như món canh chua vợ anh nấu mới có hương vị thân quen. Chị Thủy rất đẹp, nhưng hình như cái mũi hếch của vợ anh mới ngộ nghĩnh lạ kỳ...
Càng lúc, người vợ hiện ra trong anh càng rõ nét và tuyệt vời hơn, không có ai so sánh nổi. Anh chạy đi tìm chị, cứ lo nhỡ có “thằng cha nào” nó tôn sùng, ca ngợi vợ xiêu lòng thì chết.
Đa số chúng ta hay quên hạnh phúc trong tầm tay mình, mà luôn so sánh, chờ đợi những thứ của người khác. Có câu “văn mình, vợ người” là thế. Hoặc “cũ người mới ta”. Rốt cuộc, ai cũng có những ưu và khuyết điểm mà kẻ trong cuộc mới thấy, còn mình đứng xa xa nên chỉ thấy hào quang lấp lánh. Vậy nên quay về mà chấp nhận “cái của ta”, phát hiện nét đẹp bị vùi lấp bởi sự quen thuộc, nhàm chán, chớ để khi mất rồi mới thấy nó đẹp, thì đã muộn.
(Theo Thanh Niên)