|
Những thí sinh không trúng tuyển cần cân nhắc thận trọng khi đăng ký xét tuyển NV2. |
Nhìn vào điểm sàn xét tuyển NV2 của các trường công bố, nhiều thí sinh đã vội vui mừng vì nhận thấy mình có mức điểm phù hợp và sẵn sàng nộp ngay hồ sơ xét tuyển. Nhưng sự thật thì sao?
Cô Nguyễn Thị Hiếu, Phó trưởng phòng đào tạo, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP HCM), cho biết: “Năm ngoái trường xét tuyển hai ngành, ngành Sinh điểm sàn là 18 và sau đó điểm trúng tuyển là 19; ngành địa chất điểm sàn 16 trong khi điểm chuẩn trúng tuyển là 18. Năm nay trường xét tuyển bốn ngành, những thí sinh có mức điểm bằng điểm sàn hãy suy nghĩ, ít nhất là 17 điểm thì hãy nộp”.
Còn ở Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP HCM) với 12 ngành xét tuyển NV2, trong đó có bốn ngành có điểm sàn là 17 điểm thì thế nào? Hãy nhớ rằng ĐH Bách khoa là trường đầu tiên công bố điểm sàn xét tuyển NV2 cùng lúc với công bố điểm chuẩn, năm nào cũng thế và luôn tuyển đủ chỉ tiêu.
Lý do: khi công bố điểm sàn xét tuyển NV2, trường đã nhắm đến số thí sinh thi vào trường, có điểm thi cao nhưng không trúng tuyển vào những ngành khác. Nếu thí sinh từ trường khác đăng ký xét tuyển vào có điểm cao thì nhận, còn không có cũng chẳng sao vì đã có “lực lượng dự bị” rồi! Chưa kể chỉ tiêu tuyển của các ngành trong trường chỉ nhìn không thôi cũng... sợ: cơ điện tử (10 chỉ tiêu), kỹ thuật hệ thống công nghiệp (10 chỉ tiêu), cơ kỹ thuật (15 chỉ tiêu)...
Không riêng gì ĐH Bách khoa, hầu hết các trường ĐH khác đều sử dụng phương án “ta về xét tuyển trường ta” cho đảm bảo. Thử nhìn chỉ tiêu tuyển của ĐH Nông lâm TP HCM mới thấy khắt khe làm sao.
Có ba ngành chỉ tiêu tuyển 20 là phát triển nông thôn và khuyến nông, chăn nuôi và ngư y. Tất cả các ngành có tuyển NV2 còn lại thì chỉ tiêu tuyển cũng chỉ là 30. Với chỉ tiêu ít ỏi như trên, nếu thí sinh có điểm thi bằng hoặc nhỉnh hơn điểm sàn (chủ yếu là 15, 16) thì chắc chắn cơ may trúng tuyển là… không có.
Tương tự như vậy, với mức điểm sàn là 16 và 16,5, vào được ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM cũng không dễ khi ngành có chỉ tiêu cao nhất là thiết kế máy cũng chỉ 60 chỉ tiêu, tiếp theo là điện khí hóa và cung cấp điện (50 chỉ tiêu), thậm chí các ngành cơ tin kỹ thuật, kỹ thuật nữ công chỉ có 15 chỉ tiêu cho mỗi ngành.
Đặc biệt, đối với thí sinh dự thi khối B, việc dự tuyển vào NV2 lại càng gian nan hơn. Hầu hết các trường đều tuyển NV2 cho hai khối A và D, trong đó khối A vẫn nhiều nhất. Chỉ tiêu xét tuyển NV2 khối B chỉ có ở một số trường và do đó việc chọn lựa NV2 của các thí sinh dự thi khối này đương nhiên hạn chế hơn hai khối còn lại.
Theo Tuổi Trẻ, nếu chỉ tính riêng lượng thí sinh không trúng tuyển vào hai trường ĐH Y dược TP HCM và Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế TP HCM có điểm thi từ 19 trở lên thôi cũng đã đủ chỉ tiêu tuyển khối B của các trường có tuyển NV2 khu vực phía Nam. Đơn cử như ở Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế, có gần 40 thí sinh có điểm thi 25 điểm không trúng tuyển (điểm chuẩn trường này là 25,5 điểm), còn lượng thí sinh đạt 20-25 điểm chiếm hơn 400 thí sinh.
Chỉ tiêu ít, nếu không có sự suy tính cẩn thận sẽ có không ít thí sinh phải ân hận vì tự đánh mất cơ hội vào ĐH của mình.
Đưa ra lời khuyên đối với các thí sinh chuẩn bị nộp hồ sơ xét tuyển NV2, ông Huỳnh Kim Tín, phó trưởng phòng đào tạo ĐH bán công Tôn Đức Thắng, người có nhiều năm kinh nghiệm trong tuyển sinh, đã tư vấn: “Trước hết phải tìm hiểu kỹ chỉ tiêu tuyển NV2 vào ngành mình dự định nộp đơn xét tuyển. Phải cân nhắc giữa những ngành cùng khối xét tuyển để quyết định xem ngành nào dễ có khả năng trúng tuyển nhất.
Cách để xác định ngành dễ trúng tuyển là gì? Trước hết căn cứ vào tính chất của ngành đó, ngành khó tuyển hay là ngành tương đối có mức độ phổ biến. Ví dụ như ngành bảo hộ lao động là ngành khó tuyển, ngành kế toán kiểm toán, quản trị kinh doanh… là những ngành có nhiều người đăng ký. Và phải theo dõi lượng người nộp hồ sơ đăng ký vào các ngành mà mình tham gia xét tuyển”.
Ngay như Phó giám đốc ĐHQG TP HCM Nguyễn Đức Nghĩa cũng khuyên các thí sinh khi đăng ký xét tuyển vào ĐH này cần phải cẩn trọng: “Lúc này các thí sinh nên bình tĩnh, nếu chọn NV2 vào các trường thành viên của ĐHQG TP HCM thì phải có điểm thi cao hơn điểm sàn ít nhất 2 điểm mới có cơ may trúng tuyển. Chưa kể không ngoại trừ khả năng thí sinh từ phía Bắc đổ bộ vào dự tuyển”.
Trong bối cảnh hiện nay, tình huống thí sinh có điểm thi cao nộp đơn dồn vào một ngành, trường nào đó là điều rất dễ xảy ra. Như vậy sẽ có trường thoải mái xét tuyển NV2 và có trường không thể nào tuyển được. Trong trường hợp này, lẽ ra Bộ GD-ĐT nên chủ động đưa ra phương án các trường có thể liên thông với nhau trong việc xét tuyển NV2.
Trường nào, ngành nào có quá nhiều hồ sơ xét tuyển NV2, điểm nộp đơn xét tuyển cao, chỉ tiêu tuyển ít... sau khi tuyển xong chỉ tiêu NV2 có thể “chuyển” số thí sinh này sang các trường khác xét tuyển. Như thế, một số trường sẽ bớt đi phần nào nỗi lo thiếu thí sinh để xét tuyển, đồng thời đầu vào sẽ đảm bảo chất lượng hơn như tiêu chí mà Bộ GD-ĐT mong muốn.