Nguyễn Thành Trung. |
Đó là lời tự thú của 2 "cao thủ tống tiền" Nguyễn Thành Trung, 28 tuổi, trú tại K6, phường Thu Thủy, TX Cửa Lò và Đặng Hữu Thảo, 22 tuổi, trú tại Nghi Hoa, Nghi Lộc (Nghệ An). Những "tuyệt chiêu" này được tiết lộ ngày 27/2, từ… trại tạm giam!
Một đêm áp Tết Nguyên đán Bính Tuất, ông H.L., Giám đốc một sở của tỉnh Nghệ An đang chuẩn bị đi ngủ thì chuông điện thoại reo vang, nhưng khi ông nhấc máy lên thì phía đầu dây là một sự im lặng bao trùm.
15 phút sau, lại một hồi chuông nữa reo vang và cũng không có ai. Nửa đêm, ông H.L. bực dọc ném máy sang một bên thì trong ống nghe lại có tiếng léo nhéo. Một giọng nói đặc sệt miền Nam: "Chúng tôi cần tiền để bố trí cho anh em trong "băng" ăn Tết. Ông mang ngay 50 triệu đồng gửi vào tài khoản 711A 90042134 nếu không, gia đình ông coi chừng!".
Ông H.L. hỏi lại "Các ông là ai?". Lập tức là một tiếng quát lớn: "Là ai ông không cần biết, nếu không muốn vợ con gặp chuyện chẳng lành thì liệu hồn mà nộp!". Ngày sau đó, một cuộc điện thoại khác gọi tới nhà ông H.L. và lần này là một giọng nói mang âm sắc Huế cũng đe dọa ông phải mang tiền nộp vào đúng số tài khoản nói trên.
Vài ngày sau đó, ông S., Giám đốc một sở khác cũng nhận được những lời đe dọa tương tự. Theo ông thì có khoảng 5-6 tên tống tiền gì đó, chúng nói giọng miền Nam, giọng miền Bắc, giọng Bắc pha Trung và cả giọng đặc trưng của đất Nghi Lộc. Chúng cũng đòi ông phải mang 50 triệu đồng nộp vào một tài khoản ngân hàng có số như từng đe dọa ông H.L.
Lần thứ tư ông nhận được điện thoại thì trong máy cũng lọt vào đến 4-5 thứ giọng khác nhau của cả 3 vùng miền Trung - Nam - Bắc. Ông S. và gia đình rất lo sợ vì kẻ tống tiền gọi đến giục nộp tiền liên tục, đe dọa "nếu báo công an thì sẽ đến tận nơi xử theo luật giang hồ".
Cùng thời điểm, ông Nguyễn M., cũng là một Giám đốc sở nhận được những cú điện thoại tương tự. Tiếng trong máy cho biết chúng là một băng nhóm xã hội đen thực sự và rất đông quân. Có một tên nói giọng miền Nam đã hỏi sao chậm chuyển tiền, ông trả lời rằng "nhà chưa chuẩn bị đủ" thì chúng văng tục: "Ông không chuyển thì đừng trách tại sao vợ con ông lại gặp nạn bất ngờ nhé!"...
Sau ông H.L, ông S., ông M., đến lượt 2 cán bộ lãnh đạo khác cũng nhận được những cuộc điện thoại tống tiền tương tự. Thậm chí, có một ông Phó tổng giám đốc một BQL dự án thuộc bộ tên Th. đóng tại TP Vinh cũng nhận được những cú đe dọa vào đêm khuya đòi hàng trăm triệu đồng.
Ông Th. đã trình báo cơ quan Công an Nghệ An và Hà Nội. Vì lo sợ kẻ tống tiền manh động nên đã có lãnh đạo một doanh nghiệp tại thành phố Vinh mang 20 triệu đồng gửi vào tài khoản cho bọn chúng...
Sau khi phân tích, mổ xẻ các cuộc điện thoại tống tiền giữa đêm khuya, xác định phạm vi hoạt động, tính chất của loại tội phạm nguy hiểm này, thượng tá Nguyễn Viết Hòa, Trưởng phòng PC14 Công an Nghệ An đã lên kế hoạch triệt phá. Chuyên án 106C đã được thành lập và trách nhiệm chính được giao cho Đội địa bàn của PC14. Khó khăn phát sinh ở chỗ khi chuyên án được lập xong thì các đối tượng cũng... ngừng hoạt động vì đã lấy được một số tiền kha khá mà những nạn nhân đem nộp vào tài khoản.
Trong 3 ngày từ 22 đến 25 tháng chạp năm Ất Dậu, có 5 gia đình cán bộ lãnh đạo ban ngành cấp tỉnh ở Nghệ An lại bị bọn tống tiền gọi điện đe dọa, yêu cầu phải khẩn trương nộp tiền vào tài khoản để chúng "phát cho anh em tiêu Tết".
Xác định được số tài khoản mà bọn tống tiền yêu cầu là của Ngân hàng công thương Việt Nam, thượng tá Hòa đã cử 6 tổ công tác đến các tỉnh thành như Quảng Trị, Huế, Thanh Hóa, Hà Nội và một số vùng có giọng nói đặc trưng.
Lưới đã giăng, nhưng cho đến sau Tết Nguyên đán, những kẻ tống tiền vẫn nằm im. Thậm chí có một khoản tiền 15 triệu đồng mà một bị hại đã gửi vào tài khoản chúng cũng chẳng rút. Quá trình điều tra, Ban chuyên án nhận định đối tượng có nhiều biểu hiện "giả thanh" và có thể là người Nghệ An, đang sinh sống trên địa bàn chứ không phải là băng nhóm ở miền Nam hay ở Hà Nội như chúng cố tình mạo nhận.
Từ nhận định đó, các điểm rút tiền tự động có sử dụng thẻ ATM của Ngân hàng công thương Việt Nam phát hành tại địa bàn Nghệ An đã được giám sát. Khoảng 13 giờ 35 phút ngày 18/2, tổ công tác tại điểm đặt máy rút tiền ATM Ngân hàng công thương chi nhánh Nghệ An ở TP Vinh đã phát hiện một khách hàng khả nghi cao khoảng 1,6m, mặc áo mưa, đội mũ cối che kín mặt đến rút tiền. Khi tiến lại sát máy ATM, anh ta nhìn trước ngó sau rồi thò tay vào túi áo da rút nhanh đôi găng tay cao su mang vào trước khi cho thẻ ATM vào máy rút tiền. Lập tức đại úy Đặng Huy Thanh ra hiệu cho thượng úy Mai Chiến Công cùng lao tới kẹp chặt hai bên, khóa tay đối tượng.
Các anh đã lập biên bản thu giữ tại chỗ 2 chiếc ĐTDĐ, 5 thẻ sim thuê bao trả trước, 2 thẻ ATM, 1 đôi găng tay bằng cao su, 14.500.000 đồng tiền mặt. Trước CQĐT, vị khách hàng đó khai nhận tên là Nguyễn Thành Trung, kẻ đã thực hiện hàng chục vụ tống tiền bằng điện thoại trên địa bàn. Sau khi Trung bị bắt, ngày 19/2, bố đẻ Đặng Hữu Thảo cũng đã dẫn con mình đến cơ quan công an xin được đầu thú.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy Trung là con thứ hai trong gia đình có 4 anh em, học hết phổ thông trung học thì nghỉ về nhà đi làm ăn. Từ năm 1999 đến tháng 11/2005, Trung làm đại lý cho Bảo hiểm nhân thọ Nghệ An đồng thời đăng ký đi học thêm và được cấp thẻ hội viên CLB du thuyền Cửa Lò. Khi không làm cho Bảo hiểm nhân thọ Nghệ An nữa, Trung về Cửa Lò dẫn khách du lịch ra đảo Ngư nhưng số tiền có được từ công việc này không đủ cho các nhu cầu giao du, ăn chơi của anh ta. Bạn bè của Trung ở Cửa Lò có nhiều người đi XKLĐ nước ngoài về tiền rất nhiều nên khi gia nhập những hội chơi này Trung đều cảm thấy mình thua thiệt, tự ti. Từ đó, Trung luôn nghĩ cách kiếm thật nhiều tiền và hắn phát hiện ra từ các số điện thoại của một số cán bộ lãnh đạo sở ban ngành cấp tỉnh một kiểu "kiếm tiền" là tống tiền VIP.
Trung rủ thêm người anh con cô ruột là Đặng Hữu Thảo, vốn là một "ông tú" thi trượt đại học đang nằm nhà chờ thi lại. Để chuẩn bị cho kế hoạch tống tiền đạt kết quả mỹ mãn, Trung mua 5 chiếc sim điện thoại thuê bao trả trước, mua một số băng cải lương về để luyện âm giọng miền Nam cho mình và Thảo, nghe các băng nhạc chèo, quan họ để luyện âm giọng miền Bắc. Riêng tiếng các vùng miền ở Nghệ An thì chúng luyện rất nhanh vì vốn dĩ đã có những "căn cơ" sẵn.
Sau nửa tháng "luyện giọng" hai tên đã có thể giả thanh được khoảng 7-8 âm giọng các vùng miền. Kế hoạch tống tiền chúng thực hiện cũng rất công phu, bài bản khiến nhiều người nghĩ đây là một băng nhóm giang hồ "xã hội đen" có sự tập hợp nhiều tay "anh chị". Thậm chí, Trung và Thảo còn chuẩn bị kỹ đến mức việc mở tài khoản cũng được tính toán chi tiết.
Biết việc này chỉ cần có CMND là đủ nên trong một dịp đưa khách đi đảo, Trung đã "thó" được 2 chiếc CMND. Sợ mở tài khoản ở Nghệ An có thể bị phát hiện, Trung đáp ô tô ra tận Thanh Hóa để dùng những chiếc CMND trộm được đó mở 2 tài khoản mang tên hai người khác với các số tài khoản là 711A 90091936 và 711A 90042134.
Sau đó việc truy lùng của cơ quan công an đã gặp rất nhiều khó khăn nhưng cuối cùng Trung vẫn không thoát được tội.
(Theo Thanh Niên)