![]() |
Anh Hoàng Mai, một trong những ngư dân đã nhiều ngày vật lộn với sóng dữ để cứu bạn nghề. |
Đã là bữa cơm thứ hai trên đất liền, trưa hôm qua 24/5, nhưng ngư dân Hoàng Mai (44 tuổi, thôn Bình Tân, Thăng Bình, Quảng Nam) vẫn thấy miệng đắng ngắt.
Anh nói: "Nuốt chi nổi, anh ! Ròng rã 30 giờ đánh vật với bão, rồi dang nắng hai ngày đêm đi cứu đồng nghiệp, lại thêm mấy ngày đêm nữa ngồi giữ xác mang về... Đến cái dây thừng quăng cũng không nổi, anh em đuối sức cả. Có người lả, gục xuống sàn tàu. Nước tăng lực cũng uống không vô"...
Ngư dân Mai về đến nhà khoảng 18h ngày 23/5, cũng là lúc chính quyền địa phương chuẩn bị lễ truy điệu tập thể nạn nhân xấu số. Trên chuyến tàu cứu hộ cập cảng Đà Nẵng ngày 23/5, trong số 15 thi thể có 7 ngư dân ở cùng xã Bình Minh, do chính anh và các bạn vật lộn với sóng dữ để mang về. Câu chuyện những ngư dân vừa thoát hiểm đã lùng sục trên mặt biển mênh mông để cứu vớt bạn thật cảm động.
Đó là quãng thời gian kinh hoàng. 22h ngày 16/5, gió mạnh dần lên trên cấp 12. Lúc đó, anh Mai đi trên tàu DNA-90354 cùng 27 ngư dân khác. Chủ tàu này có 4 chiếc đang đánh bắt tại vùng biển đó đi trên chiếc thứ 4 đã bị đánh chìm. "Phải cắn răng chịu, chặt bỏ giàn, vứt bớt tài sản không cần thiết, chống cự", anh Mai kể.
Bão tan, các ngư dân trên tàu DNA-90354 lập tức đi cứu bạn. Lúc ấy họ ở vị trí 19,45 độ vĩ Bắc, 115,30 độ kinh Đông. "Cố mà tìm cho kỳ hết, ai nỡ bỏ bạn trên biển. Có một cánh tay chúng tôi cũng vớt. Nhưng tàu chìm thì chịu, không đủ sức lai dắt nổi, đành bỏ thôi. Gặp xác nạn nhân, mình nín thở thả võng xuống, kéo lên. Vớt lên tàu mình thì dễ, nhưng khi gặp được tàu cứu nạn từ đất liền ra phải chuyển thi thể sang mới thật gay go. Lúc ấy, xác của họ đã trương phình", anh Mai rít hơi thuốc trấn tĩnh.
Không ai muốn quay tàu về đất liền, dù gió lại nổi lên, sóng mù mịt, tầm nhìn xa chừng 2 cây số. Đã sang ngày tìm kiếm thứ 4, radio vừa báo có áp thấp và họ đã "trôi" đến vị trí 21,48 độ Bắc - 118,30 độ kinh Đông.
"Nhẩm tính phải đến 1.000 hải lý nữa mới về đến đất liền Việt Nam, phải đi tìm tiếp hay quay về? Anh em tính toán, ai nấy sức cạn cả rồi. Không khéo gió nổi lên thì người sống lẫn người chết đều bị hất văng trở lại xuống biển...", anh nói. Lúc này, anh đã nhảy sang chiếc tàu thứ 4, bởi theo lệ, hễ vớt được thi thể nào là "đi" theo thi thể đó để giữ.
![]() |
Ông Hoàng Tấn Điền: "Bão tan, chúng tôi tìm được 20 chiếc tàu". |
Dồn thi thể tìm được từ 3 chiếc tàu, anh Hoàng Mai cùng 23 ngư dân sống sót bắt đầu nhắm hướng đất liền trở về. Vừa rời vị trí tìm kiếm trước đó chừng 50 hải lý thì gặp tàu cứu nạn Trung Quốc. "Trên tàu có một người biết tiếng Quảng Đông, nói một hồi mới hay họ đến ứng cứu mình. Họ bơm sang một ít dầu, 2 thùng đồ ăn, 1 chai thuốc ướp xác. Lúc đó, hầu như ngư dân của mình đã tự cứu nhau nhiều rồi... Tàu chúng tôi đang chở theo 20 xác. Muối không đủ để ướp". Giọng anh Mai chùng xuống: "Tất cả vì bạn. Khi trở về đất liền, thấy cảnh hàng nghìn đồng bào đón tiếp tận tình, mình thấy công sức bỏ ra cũng không đến nỗi".
Hai anh em Võ Văn Ý, Võ Văn Kệnh (xã Bình Minh, Thăng Bình) cùng trở về với anh Mai, khư khư ôm xác chết của người anh ruột Võ Văn Mệnh. Một người anh khác của họ, Võ Văn Mến, vẫn biệt tăm. Nỗi đau đã khiến cho vợ anh Mến phải đi cấp cứu nhiều lần dù sắp đến ngày sinh nở.
Bà Trần Thị Liên, 59 tuổi, mẹ của những ngư dân xấu số ấy không kịp mừng khi hai con trai trở về thì đã đau vì 2 người khác chết và mất tích. Điều lo lắng nhất bây giờ đối với những người thoát hiểm chính là những người ở lại.
Ngư dân Hoàng Tấn Điền (50 tuổi, ở thôn Bình Tân, Bình Minh) vừa trở về cùng ngư dân Hoàng Mai, bần thần: "Tôi biết còn nhiều bạn ngoài đó. Như tàu DNA-90153, đi cả thảy 32 người nhưng mới vớt được 6. Chúng tôi đã làm hết sức mình rồi, nhưng có lẽ anh em bị "kẹt" dưới san hô... Tôi nhớ, lúc đoàn tàu neo đậu có đến 40 chiếc cả thảy, nhưng bão tan tìm hoài chỉ còn 20 chiếc gồm 5 chiếc câu gù, lặn bắt tôm hùm ở Quảng Ngãi, Bình Định và 15 chiếc câu mực Quảng Nam".
Thâm niên 20 năm đi biển, năm nào cũng "đụng" 1-2 trận bão cấp 9-11, chỉ lần này ngư dân Hoàng Tấn Điền mới thật sự gặp bão dữ. Mãi đến ngày 23/5, vợ ông nhìn thấy danh sách tàu tìm thấy phát trên tivi mới thôi khóc lóc. Còn riêng ông, sau nụ cười thoát hiểm thì thoáng chạnh lòng: "Chúng tôi đã kiệt sức để cứu bạn nghề, nhưng... cũng không hết được".
Ông Phạm Văn Xinh (tức Xinh Xoài), thuyền trưởng tàu ĐNa 90189 kể: "Bão tan lúc 22h ngày 18/5, gió còn cấp 7. Sáng sớm ngày 19/5, tôi bắt đầu lái tàu đi cứu người. Một giờ chiều, vớt được thi thể đầu tiên là em ruột Phạm Văn Hoa, thuyền trưởng tàu ĐNa 90199. Theo điện đàm của Xin "nhà quê" (tức Đỗ Văn Xin, thuyền trưởng tàu ĐNa 90152), tôi cho tàu chạy ra 16 lý theo hướng chính E (chính Đông) nhận thêm 3 thi thể và 4 người quê Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) được tàu ĐNa 90351 (anh Phùng làm thuyền trưởng) vớt lên trước đó. Trên đường vô, tàu tôi nhận thêm 2 thi thể từ tàu số đuôi 07 và 1 thi thể từ tàu số đuôi 61. Lúc đó là 12 giờ khuya. Trên đường chạy vô, lại cứu thêm 4 người đang kêu cứu trên đảo. Đêm 21/5, đoàn tàu ngư dân cứu nạn ngư dân quay về Việt Nam. Mãi đến sáng 22/5, tàu của tôi là tàu đầu tiên gặp tàu nước bạn (Trung Quốc). Tàu bạn đã giúp chúng tôi một ít dầu chạy tàu, 1 thùng cá khô, 1 thùng sữa, ít thuốc tây, 2 chai thuốc tẩy, 1 lọ nước hoa, 1 chai khử mùi. Họ cho gạo nhưng tôi cảm ơn, không nhận".
Ông nói thêm: "Giữa biển gặp được người là mừng rồi, bạn giúp thì mình rất cám ơn! Nhưng ai nói họ cứu sống thuyền viên, vớt xác người chết là không đúng bản chất sự việc".
Ông Phạm Văn Thắm (tức Thắm "Mập"), thuyền trưởng tàu ĐNa 90151 thì kể: "Máy bay trực thăng có quần quanh đảo, sau đó có mấy chiếc ho-bo chạy ra, không cho vào gần đảo. Còn ngày 22/5, đoàn tàu của ngư dân nhận được tín hiệu phải dừng lại chờ tàu nước bạn đuổi theo. Khi gặp, họ giúp cho tàu của tôi 1 thùng cá hộp".
Chiều 24/5, ông Phạm Thuận, nhà ở phường Thanh Khê Tây (Thanh Khê, Đà Nẵng) chủ hai tàu đánh cá Đna 90261 và Đna 90342 cho biết, sáng ngày 18/5, khi bão tan, một trong hai tàu đánh cá của ông (chiếc Đna 90342) đã bị bão đánh kéo ra khỏi đảo Đông Sa hơn 4 hải lý. Lúc này trên tàu có 25 thuyền viên, trong lúc tàu lại bị hỏng máy. Rất may, các tàu Đna 90111, Đna 90307 đã nhanh chóng đi tìm và đã kéo được tàu bị nạn vào đảo, hỗ trợ sửa chữa máy móc. Sửa chữa xong, hai tàu của ông Phạm Thuận cùng với các tàu của ngư dân Đà Nẵng thống nhất phân chia nhau bủa ra các hướng tìm kiếm, cứu vớt các nạn nhân và đã vớt được 3 thi thể nổi vật vờ trên biển (sau đó bàn giao cho tàu SAR 412).
![]() |
Ông Phạm Văn Xinh đã giữ xác người em trai trong suốt 1 tuần trên biển. |
Ông Phạm Thuận khẳng định, hai tàu của gia đình ông không nhận bất kỳ sự cứu giúp nào cả. Bởi trên tàu chuẩn bị đầy đủ lương thực và các nhu yếu phẩm khác cho 2 tháng đi biển trong khi thời điểm gặp bão mới đi được hơn 1 tháng, nên chẳng thiếu thứ gì. "Ngày 20/5, khi chuẩn bị trở về, tàu chúng tôi mới gặp tàu cứu nạn của nước bạn", ông Thuận nói.
Ngay trong sáng 24/5, gia đình ông Thuận cũng đã mua 1 tấn gạo hỗ trợ cho 10 gia đình có thân nhân mất tích tại phường Thanh Khê Đông.
Sau một thoáng băn khoăn, chị Đặng Thị Mỹ, vợ anh Nguyễn Đức Toàn (Thanh Khê Đông, Đà Nẵng) mới cho người vào gặp. Chị sợ nhiều người vào hỏi han nhiều sẽ làm anh mệt bởi từ ngày hôm qua đến giờ, anh chỉ mới nói được vài câu với người nhà.
"Ngày hôm qua đến giờ, anh ấy chỉ ăn được một ít cháo" chị khẽ bảo. Chống chọi với bão tố, rồi hành trình tìm kiếm xác của hai người thân và gần một tuần sống chung với những người chết đang bị phân hủy đã vắt kiệt sức lực của anh. Anh Toàn, tài công của tàu 90345, xọp trông thấy, gương mặt đen sạm chỉ còn nhìn thấy hốc mắt.
Sáng 24/5, anh Toàn gắng gượng cùng vợ về Bình Minh (Thăng Bình, Quảng Nam) quê của 6 thuyền viên bị tử nạn trên tàu 90053 để thăm hỏi, động viên gia đình họ. Chị Mỹ thở dài thườn thượt bên cạnh người dì, bà Lê Thị Huệ, chủ 4 chiếc tàu đi biển lần này, trong đó chiếc 90053 đã bị chìm mang theo cả người chồng và người em của bà. Sau khi đi thăm người nhà của những nạn nhân xấu số đến giờ, anh Toàn chỉ biết nằm một chỗ. Sợ sức khỏe anh xấu, người nhà đã phải chạy đi mời bác sĩ đến khám và truyền đạm.
Với hai ông Phạm Văn Thắm và Phạm Văn Xinh, cuộc trở về lần này quá nặng nề. Gần một tuần trên tàu lo bảo quản thi thể của người em trai Phạm Văn Hoa, vừa bước chân lên bờ, hai người đã phải đứng ra lo mai táng. Ông Thắm ngậm ngùi: "Mọi lần về đến bờ, anh em tụi tui sau khi cân mực cho mấy người buôn thì rủ nhau đi nhậu liền. Còn chuyến về lần này...".
Căn nhà ông Thắm ngày 24/5 vắng tênh. Lúc đến, chỉ nghe người giúp việc bảo: vừa bước chân vào nhà, ông liền lên bàn thờ thắp hương cho ông bà rồi qua chuẩn bị tang lễ cho chú Hoa.
(Theo Thanh Niên)