- Nhiều ca sĩ cho rằng nếu hát những ca khúc do mình sáng tác thì sẽ chuyên nghiệp hơn và không ít giọng ca đã thuê người viết rồi dán tên mình vào. Anh nghĩ sao về việc đó?
- Với các nước khác, việc một ca sĩ trình bày những ca khúc do mình sáng tác là chuyện thường tình, nhưng ở Việt Nam thì điều này còn quá mới mẻ. Nhưng dù sao, phải thừa nhận rằng chính xu hướng này phần nào đánh dấu sự phát triển nhạc Việt nói chung và sự nâng tầm về mức độ chuyên nghiệp cho từng ca sĩ nói riêng.
Vừa là ca sĩ, vừa là người viết nhạc rất cần bản lĩnh nhưng cũng thật khó thực hiện. Một mặt, ca sĩ phải bỏ thời gian để tìm hiểu chính bản thân mình, liệu phong cách biểu diễn cho dòng nhạc này đã ổn chưa, cần trang bị thêm những gì. Mặt khác, cũng cần quan tâm đến phản ứng nhận xét của khán giả... Khi tự sáng tác, bản thân ca sĩ đang dần nâng cao thêm trình độ âm nhạc, nhất là phần ký âm nhạc lý và sau cùng là việc sử dụng thành thạo thêm một loại nhạc cụ nữa như piano, guitar.

Ca sĩ Lam Trường.
- Khi sáng tác, anh chú trọng nhiều vào ca từ hay giai điệu?
- Cả hai tuyệt nhiên không có chuyện nhất bên trọng, nhất bên khinh. Tôi sáng tác bằng chính cảm xúc thật của mình với những sự vật xung quanh, chính vì thế tôi muốn cảm xúc đó phải được thăng hoa trong những ca từ và giai điệu đẹp. Điển hình như Có một ngày, Giọt sương ban mai, gần đây là ca khúc Cạm bẫy tôi lấy cảm hứng từ thời gian đóng phim Nữ tướng cướp.
- Anh có nhận xét gì về xu hướng bài hát hiện này giống nhạc Thái, nhạc Hoa?
- Trong âm nhạc luôn có sự ảnh hưởng lẫn nhau, nếu như bạn thích và nghe nhiều nhạc Hoa thì khi ấy giai điệu và ca từ nhạc Hoa sẽ in sâu vào trí nhớ mình, trở thành một dạng tiềm thức. Chính vì vậy, khi sáng tác, ít nhiều bạn sẽ bị ảnh hưởng nhạc Hoa. Đây là điều rất đỗi bình thường, không có gì xấu xa cả, điều duy nhất cần làm là các ca sĩ, nhạc sĩ cứ tập sáng tác không ngừng, trải qua nhiều lần, sau cùng bạn sẽ tìm được phong cách riêng cho mình, thoát khỏi ảnh hưởng của dòng nhạc tiềm thức. Điều này cũng giống như hình ảnh của một đứa trẻ đang chập chững biết đi, ngã đau rồi đứng lên đi tiếp.
- Nhìn từ góc độ một đàn anh trong nghề, anh nghĩ gì về sự ra đi ồn ào giữa các nhóm nhạc và ông bầu trong thời gian gần đây?
- Ở Việt Nam, hiện tại, mối quan hệ ông bầu và ca sĩ là mối quan hệ cảm tính, không rõ ràng và thiếu hẳn sự chuyên nghiệp cần có. Ca sĩ ỷ lại nên đã phớt lờ không xem kỹ điều khoản ký kết trong hợp đồng, đến khi xảy ra tranh chấp mới biết mình bị "đuối lý", chỉ còn nước ngậm bồ hòn làm ngọt.
Các bầu show ở nước ngoài, cách làm việc của họ rất chuyên nghiệp khi quyết định đầu tư cho ca sĩ của mình. Bản thân ca sĩ rất sướng, chẳng cần bận tâm nhiều, chỉ chuyên tâm ca hát sao cho ngày càng hay hơn, tất cả đã có manager lo liệu. Chiến lược đào tạo hoặc lăng xê rất rõ ràng, mạch lạc với từng thời gian xác định, họ thường xuyên cho "gà" xuất hiện tại những nơi quan trọng, có nhiều sự xuất hiện của báo giới, các producer... Qua đó, ca sĩ tự thể hiện bản lĩnh của mình từ ca hát, trò chuyện, phỏng vấn... Đó là lý do vì sao các manage và ca sĩ nước ngoài thường gắn bó với nhau rất lâu chứ khôg như ở bên mình.
- Trước đây, anh và nhóm The Friends kiên quyết từ chối đề nghị của kênh MTV khi sang VN thực hiện show ca nhạc. Vì sao vậy?
- Khi họ sang VN, có gặp tôi và Trung Kiên, đề nghị The Friends hóa trang thành bản sao của nhóm Bee Gee cho chương trình ca nhạc. Dù biết mục đích chương trình chỉ là để cho vui nhưng chúng tôi kiên quyết từ chối, khi ấy, Bee Gee là thần tượng của hai đứa.
- Còn chuyện "xuất khẩu" ca sĩ sang nước ngoài, anh có suy nghĩ như thế nào?
- Bên nước ngoài, công ty về đào tạo âm nhạc có cả một tòa nhà trong đó trang bị phòng thu, phòng hát, phòng tập nhảy... với nhiều thiết bị hiện đại, nhằm đảm bảo đầu ra có chất lượng cao và luôn ổn định. Việt Nam mình vẫn chưa thể đường hoàng xuất khẩu giọng ca sang nước ngoài, không phải vì mình quá tệ, hay thiếu nhân sự mà thiếu công nghệ âm nhạc từ trang bị phòng thu cho đến cả cơ sở hạ tầng. Khắc phục được điều này, chắc chắn nhạc Việt sẽ vươn tầm sang nước bạn.