Đức Tiến trở lại làm việc tại đài truyền dành cho người Việt ở địa phương khi nước Mỹ nới lỏng giãn cách xã hội. Tuy nhiên, anh phải thay đổi lộ trình đi làm vì tuyến đường chính xảy ra biểu tình sau cái chết của người đàn ông da đen tên George Floyd. Cựu người mẫu cho biết những ngày này, tình hình an ninh bang California ổn định hơn khi chính phủ điều thêm binh lính kiểm soát mọi ngóc ngách. Tuy hiện tượng người biểu tình quá khích, nạn đập phá và cướp bóc được giảm bớt nhưng anh luôn trong tâm trạng lo lắng nếu chưa về đến nhà.
Trong vòng 6 tháng đầu năm 2020, nước Mỹ lần lượt trải qua hai đại họa. Covid-19 khiến nhiều người chết còn những cuộc biểu tình mới đây như đòn đau giáng xuống nền kinh tế đang trì trệ. Đức Tiến căng thẳng trong một tháng cách ly xã hội, càng mệt mỏi hơn khi nước Mỹ tiếp tục gặp sự cố. Anh thất vọng trước mặt trái của nền dân chủ Mỹ và cách một bộ phận dân Mỹ lạm dụng quyền tự do để kích động bạo lực.
"Tôi đến Mỹ chưa lâu nhưng hiểu về lịch sử nước này. Kể từ khi thành lập năm 1776 đến nay, đây là lần đầu đất nước rơi vào hoàn cảnh khốn đốn. Những người lớn tuổi rất sốc. Họ không hiểu điều gì đang diễn ra", anh nói.
Theo Đức Tiến, biểu tình là quyền đặc trưng ở Mỹ. Người dân sử dụng quyền đó để nói lên ý kiến nhưng theo cách quá khích và biến tướng thành đập phá, cướp bóc thì đây là lần đầu. "Có rất nhiều lý do để người ta đi biểu tình, thậm chí coi đó là cách xả stress. Có người đi cho vui, có người vì điều gì đó mà chỉ họ mới biết", anh mệt mỏi nói. Khi xuất hiện bạo lực trong biểu tình, bên cạnh thay đổi lộ trình đi làm, Đức Tiến tránh đến những nơi đông người như cơ quan hành chính đầu não, trung tâm thương mại. Nỗi bất an khiến anh ngại ra ngoài, chỉ muốn ở nhà cùng gia đình nếu không có việc quan trọng.
Trước đó, dịch bệnh làm Đức Tiến cùng nhiều dân Mỹ sống trong lo lắng. "Một số người Mỹ cho rằng Covid-19 có nguồn gốc từ Trung Quốc nên kỳ thị dân châu Á. Họ khép kín, ít giao tiếp và có phần cảnh giác với chúng tôi hơn", anh bảo.
"Tôi có những dấu hiệu trầm cảm nhưng cố gắng thích nghi bởi cuộc sống ở đây luôn tiền ẩn vấn đề", anh nói. Anh tập gym mỗi ngày, giải trí với gia đình và bạn bè, đi chơi xa để chống lại căng thẳng. Từ Tết, dịch bệnh khiến Đức Tiến không thể du lịch nên anh thấy bí bách. Trước đó anh thường thư giãn bằng những chuyến nghỉ dưỡng kết hợp đi công tác hoặc về Việt Nam thăm người thân. Không chỉ riêng mình, Đức Tiến cho rằng nhiều người Mỹ cần du lịch ít nhất mỗi năm một lần để cân bằng cuộc sống. Trước sức ép quá lớn từ công việc, xã hội, nếu không có khoảng nghỉ, theo anh, những người dân ở đây sẽ không chống chịu nổi.
Bà xã của Đức Tiến, hoa hậu Bình Phương, sinh ra ở Mỹ. Cô quen với cuộc sống nhiều biến động nhưng vẫn lo sợ trước dịch bệnh, bạo loạn. May mắn, người đẹp gốc Việt sống cùng chồng và gia đình nên cảm thấy được bao bọc. Cô mong bất ổn sớm qua để bình yên trở lại trong vài tuần tới. Sau khi nước Mỹ nới lỏng giãn cách xã hội, Bình Phương vẫn duy trì làm việc tại nhà. Lúc này, cô không muốn ra đường vì chẳng biết điều gì sẽ đến.
Lam Trà