Người điều khiển xe hai bên đường được phen thất kinh, dạt hết vào bên lề để hai chiếc xe chở đất "trổ tài", còn hai xế có vẻ khoái trá với trò chơi tốc độ, vừa dượt đuổi nhau họ vừa bấm còi, nháy đèn làm ám hiệu thông báo cho nhau chiến tích lùa xe khác...
Những chiếc xe ben này vừa là hung thần vừa là nguyên nhân gây ra nạn ô nhiễm môi trường. |
Cách đây vài tháng một loạt công trình xây dựng được mọc lên ven trục đường Láng - Hòa Lạc, đặc biệt từ khi khu biệt thự cao cấp đặt tại khu An Khánh, Hoài Đức - Hà Tây chính thức được khởi công thì trên tuyến đường cao tốc này và quốc lộ 70 xuất hiện đội quân xe ben hết sức hùng hậu tham gia vào việc vận chuyển đất và cát xây dựng. Chính sự góp mặt của những chiếc xe ben này khiến đường lúc nào cũng mịt mù khói bụi, còn người điều khiển giao thông luôn phải chuẩn bị tâm lý đề phòng trước sự trở chứng của những lái xe "điên" với màn biểu diễn tốc độ cực ẩu.
Đường 70 mang tiếng là quốc lộ nhưng nó đã trở nên nhỏ bé và quá tải trước tốc độ đô thị hóa, cung đường được những "hung thần" xe ben lựa chọn là đoạn chạy qua xã Tây Mỗ và Đại Mỗ của huyện Từ Liêm, Hà Nội sau đó nối tiếp với đoạn đường khu vực Cánh Kiến thuộc thành phố Hà Đông, Hà Tây. Tại xã Đại Mỗ, người dân sống dọc tuyến đường chạy qua các xóm Chợ, Tháp, khu liên cơ và Ngọc Đại không giấu được vẻ khó chịu mỗi lần nhắc đến những chiếc xe chở đất. Chị Nguyễn Thị An, bán hàng cạnh ngã ba Biển Sắt kể: " Chợ sáng của xã chúng tôi nằm sát mặt đường, người đông là vậy nhưng dường như những lái xe này không chú ý tới. Mỗi lần qua đây là họ bóp còi inh ỏi từ xa và phóng như không hề thấy ai. Chợ chiều họp ở khu vực khác cũng chịu chung cảnh như vậy, có lúc tới bốn năm chiếc xe chở đất tránh nhau tại chỗ đông người gây ra cảnh tắc đường hàng giờ".
Để đối phó với bụi đường và bụi từ những chiếc xe ben cồng kềnh, người dân và đặc biệt là người bán hàng đã tự trang bị cho mình những chiếc khẩu trang bịt mặt hoặc thỉnh thoảng hắt chậu nước ra mặt đường.Thế nhưng, những biện pháp trên cũng chẳng ăn thua. Anh Nguyễn Đức Cường, xóm Chợ, làm nghề rửa xe dẫn chúng tôi vào nhà và chỉ cho xem lớp bụi đang phủ kín mặt tủ và nhiều đồ đạc khác: " Chỉ vài phút sau khi lau đồ đạc là bụi lại phủ kín như lúc ban đầu, cho dù nhà tôi có trang bị cửa kính để cách âm và bụi", anh Cường nói. Đứng ít phút ở đây chúng tôi đã đếm được trên chục xe ben mang biển số.....của các công ty tư nhân như....
Đoạn đường cua chạy qua thôn Ngọc Đại là nơi đường bị tàn phá nặng nề nhất, mặt đường thủng lỗ trỗ bởi sức nặng của các loại xe. Trời nắng bụi bay mịt mù, trời mưa nước đọng thành nhiều vũng lớn và những hố bẫy lại có dịp đe dọa đến người điều khiển phương tiên giao thông. Để hạn chế tai nạn phía giao thông công chính đã tạo ra những gờ giảm tốc độ nhưng chính những gờ này lại trở thành tác nhân khiến đường bị băm chặt nhiều hơn bởi độ rằn trọng tải các xe khi phải di chuyển với tốc độ "rùa".
Khi nói về xe chở đất, ông Nguyễn Đức Nhiên, xóm Ngọc Đại than thở: " Họ chạy bất kể đêm hay ngày, xe chở đất nhưng không có bạt che. Người già chúng tôi muốn có ít phút yên tĩnh cũng thật khó. Lạ hơn nữa là gây ô nhiễm môi trường như thế nhưng chẳng thấy bóng dáng của công an hay giao thông công chính xử phạt". Thắc mắc trên của ông Nhiên cũng là thắc mắc chung của nhiều người dân khu Cánh Kiến, Hà Đông, Hà Tây. Tại đây, sau khi vòng vào con đường được đánh dấu điểm là một cây xăng để lấy đất, những chiếc ben lại quay ra, tiến vào thành phố cuộn theo đó là bụi đất mịt mờ.
Để hiểu rõ hơn về công việc của cánh xe ben, tại một quán nước ven đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, chạy qua địa phận huyện Hoài Đức, Hà Tây nơi cánh xế đất hay nghỉ giải lao, trong vai kẻ nhỡ độ đường, tôi năn nỉ một lái xe tên Khánh cho quá giang về Cánh Kiến. Châm xong điếu thuốc, Khánh gật đầu và hất hàm về phía cabin, trong đó có một phụ xe khác khoảng 24 tuổi ngồi vắt vẻo chân lên phần nhựa sát kính cản gió. Khánh đóng cửa xe, tay ấn cần số, chân dí ga, chiếc Kamaz như con ngựa bất kham chồm lên phía trước hết luồn bên này, lách bên kia tìm mọi cách vượt qua chiếc xe tải khác đang nghênh ngang trước mặt. Chiếc xe kia cũng hiểu cuộc đua ngầm đang diễn ra nên cũng tăng tốc không kém.
Người điều khiển xe hai bên đường được phen thất kinh, dạt hết vào lề để hai chiếc xe chở đất "trổ tài", còn hai xế có vẻ khoái trá với trò chơi tốc độ, vừa dượt đuổi nhau họ vừa bấm còi, nháy đèn làm ám hiệu thông báo cho nhau chiến tích lùa xe khác... Chạy ngang qua UBND xã Tây Mỗ, do đường hẹp họ mới chịu giảm ga cho xe chạy chậm lại. Khánh có vẻ không hài lòng lắm vì không cắt đuôi được chiếc xe kia nên miệng liên tục chửi thề. Tôi thắc mắc: "Chạy thế này không sợ bị CSGT phạt à?". Người phụ xe nhếch mép: " Mấy ông chủ làm luật hết rồi, lái xe chỉ còn việc chạy sao cho được thật nhiều chuyến, kiếm thật nhiều tiền, không cần biết đó là đêm hay ngày".
Có lẽ đây cũng là điều lý giải cho sự vắng bóng của các cơ quan chức năng trên tuyến đường này. Khánh kể, việc xe tông vào người hay va quệt nhau là chuyện thường ngày, ngay như chiếc xe đang chở chúng tôi cũng đã hai lần phải nắn lại buồng lái do quệt phải xe khác và do chính lái xe ngủ gật để xe đâm xuống mương. Thế nhưng, những "chiến tích" khiến không ít nạn nhân trở thành tàn phế oan uổng cũng không làm cho những lái xe trên sợ hãi mà ngược lại nhiều tay lái "điên" lại cho đó là cách chứng tỏ sự can trường hoặc đơn thuần coi đó là tai nạn nghề nghiệp. Cho tôi xuống xe nhưng Khánh vẫn không quên dứ nắm đấm về phía xe bạn với hàm ý lát nữa sẽ có "một cuộc báo thù" bằng tốc độ.
(Theo Lao Động Thủ Đô)