![]() |
Nhà đầu tư tham gia đấu giá cổ phiếu. |
Cơn sốt giá cổ phiếu đầu năm 2007 đã để lại nhiều "vết thương" nơi nhà đầu tư. Hậu quả là nhiều người đã biết sợ và tìm mọi cách thoái lui khỏi thị trường. Trong những ngày gần đây, giá cổ phiếu trên thị trường OTC có nhích nhẹ nhưng vẫn chỉ bằng 40-60% so với thời huy hoàng.
Vào thời điểm chứng khoán đang nóng sốt, hầu như cổ phiếu nào cũng tăng giá mạnh và được săn lùng ráo riết. Nhưng bây giờ nghe đến việc công ty phát hành thêm cổ phiếu thì nhà đầu tư lại ngán vì giá sẽ bị "pha loãng" hơn... Giá giảm, tính thanh khoản của cổ phiếu trên thị trường OTC cũng yếu theo. Những người ít vốn hoặc "nhát tay" đã chấp nhận bán lỗ và tháo lui. Số đông thì ôm hàng và trở thành nhà đầu tư dài hạn bất đắc dĩ.
Một "cò” cổ phiếu cho biết đang được khách hàng "ký gửi" hàng chục loại cổ phiếu, hầu hết đều đã mất giá 30-50% so với thời điểm mua vào. Cổ phiếu của công ty H. trước đây được mua 105.000 đồng nay chỉ còn 71.000-72.000 đồng/cổ phiếu. Có cổ phiếu giảm gần chạm mệnh giá như cổ phiếu Thủy điện M. chỉ còn... 12.000 đồng/cổ phiếu.
Nhiều công ty cổ phần hiện đang mắc nợ nhà đầu tư do trước đây đã tung ra nhiều dự án "lớn" với hiệu quả rất cao để thuyết phục họ bỏ tiền mua cổ phiếu giá cao. Đến nay một số dự án vẫn còn nằm trên giấy dù theo kế hoạch khi phát hành được rao với nhà đầu tư, nay đã đến kỳ giải ngân. Theo các chuyên gia, sẽ không có tình trạng này nếu trước đây các công ty trên cũng được quản lý như các công ty niêm yết. |
Trước đây, thông tin về thời gian phát hành cổ phần lần đầu của Vietcombank được bung ra vào lúc thị trường OTC đang "sốt", nhiều nhà đầu tư đã đổ xô vào mua trái phiếu chuyển đổi của ngân hàng này với giá gấp ba lần mệnh giá. Nhà đầu tư cũng mua... năm công tác để được mua cổ phiếu của ngân hàng này với giá lên tới 6,2-6,4 triệu đồng/năm. Tuy nhiên đến nay, thông tin chi tiết đợt phát hành cổ phần của Vietcombank còn khá "mờ mịt". Nhiều nhà đầu tư đã lỡ đầu tư vào trái phiếu chuyển đổi và "quyền mua" cổ phiếu của đơn vị này với giá trên trời chỉ biết tìm cách thu quân, được đồng nào hay đồng ấy.
Cũng vào thời điểm sốt giá cổ phiếu OTC, giới đầu tư và kinh doanh từng rao bán, rao mua và "quyền mua" những ngân hàng còn nằm trên hồ sơ xin phép thành lập, kể cả cổ phiếu của những ngân hàng ngừng hoạt động và thuộc diện "kiểm soát đặc biệt" của Ngân hàng Nhà nước. Cơn sốt đầu tư vào cổ phiếu dạng "lúa non" chỉ thật sự lắng xuống, hàng loạt nhà đầu tư trắng tay khi kế hoạch cổ phần hóa Bệnh viện Bình Dân được xếp lại.
Không chỉ giới kinh doanh cổ phiếu OTC, nhiều công ty cổ phần cũng đã tận dụng thời cơ "máu" cổ phiếu của nhà đầu tư để "hốt" bằng cách phát hành thêm cổ phiếu với giá trên trời từ những dự án "rỗng ruột".
Cho đến nay, nhà đầu tư chờ "đỏ con mắt" nhưng vẫn chưa thấy cổ phiếu của công ty thủy sản C. niêm yết trên sàn dù từ đầu năm đơn vị này đã tuyên bố sẽ niêm yết trong tháng 3. Nhờ công bố "kế hoạch lên sàn", đơn vị này đã nhanh chóng hoàn tất việc tăng vốn điều lệ từ 50 tỷ lên 100 tỷ đồng với giá ngất ngưởng.
Tương tự, nhiều người đang "dở khóc dở mếu" do đã đổ vốn vào đầu tư cổ phiếu của công ty T. với giá lên tới gần 100.000 đồng/cổ phiếu, với hy vọng cổ phiếu này lên sàn vào tháng 7 như kế hoạch đã công bố. Tuy nhiên đến nay, ngay cả kế hoạch đấu giá gần 30% cổ phần để tăng vốn điều lệ của công ty T. vẫn chưa được thực hiện.
(Theo Tuổi Trẻ)