![]() |
Ảnh minh hoạ. |
Theo đơn kiện của Thủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì đã ký một quyết định sai, dựa trên chứng lý không có căn cứ và các tài liệu giả mạo khiến công an dựa vào đó cưỡng chế anh đi cai nghiện, dù anh chưa hề nghiện.
Hiện nay, Thủy phải sống chung với những thanh niên đang vật vã cai nghiện ở Trung tâm Cai nghiện số 4 (Yên Bái, Ba Vì, Hà Tây). Theo luật sư của Thủy, anh này không có một chút biểu hiện gì của một người trong trạng thái cai nghiện nhưng khủng hoảng tinh thần, oán hận vì bố mẹ không làm gì để đưa anh ra khỏi nơi này vì anh chưa hề nghiện, cho dù trước đó có bị bạn bè rủ rê hút hít vài lần.
Chính ông Nguyễn Tây Nam, Phó giám đốc Trung tâm này đã khẳng định: "Từ khi lên đây, Thủy chưa có dấu hiệu lên cơn nghiện lần nào".
Đến gia đình Đặng Mạnh Thủy, ông Đặng Văn Dậu, cha của Thủy cho biết: "Khổ quá, cả gia đình tôi mấy miệng ăn lâu nay chỉ trông vào nó (Thủy làm ở Công ty TNHH Đại An) nên rất muốn nó được ra trại, về đi làm. Hồi tháng 8 năm ngoái, cháu nó đột nhiên bị mời lên Ủy ban xã nói là để kiểm tra hành chính nhưng sau đó chúng tôi không thấy cháu về nhà. Mãi sau này mới biết nó bị đưa đi cai nghiện".
Ông Dậu nói tiếp: "Chúng tôi có được xem cái phiếu xét nghiệm của cháu ký ngày 7/7/2004 của trạm y tế xã cho kết quả dương tính, nhưng chính ông Huỳnh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã lại nói không hề làm xét nghiệm cho một trường hợp nào có tên con tôi. Và thực tế, khi công an xét nghiệm tại ủy ban thì không có sự tham gia của đại diện y tế xã".
Cũng theo lời bố của nạn nhân thì hồ sơ để đưa con ông đi cai nghiện có nhiều điểm sai, giả mạo khác, như việc ông không hề ký tên vào một văn bản nào là đơn đăng ký cai nghiện bắt buộc vào ngày 7/7/2004 như trong hồ sơ của Đặng Mạnh Thủy.
Đến nay, gia đình ông vẫn chưa nhận được một quyết định nào về việc đưa con ông đi cai nghiện như Pháp lệnh về Xử phạt vi phạm hành chính năm 2002 yêu cầu (phải được gửi ngay cho gia đình sau khi quyết định được ký). Đáng chú ý nhất là việc một số văn bản như Quyết định số 09/QĐ-UB của Chủ tịch UBND xã Vạn Phúc về áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường ngày 16/3/2004 với Thủy, biên bản cảm hóa giáo dục đối tượng sử dụng ma túy ngày 20/4/2004 đối với Thủy và một số văn bản khác trong bộ hồ sơ đưa Thủy đi cai nghiện do các ông Nguyễn Văn Vụ ký với chức danh Chủ tịch UBND xã, ông Chử Văn Tý, ký với chức danh Trưởng Công an xã đều là sai trái. Bởi vì vào thời điểm đó, cả hai ông này đều không phải là Chủ tịch hay Trưởng công an xã.
Hiện nay, hai ông này cũng đã có bản xác nhận, tự kiểm điểm về hành vi trên. Sau này, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội của huyện Thanh Trì thanh minh giúp cho chính quyền xã Vạn Phúc là đã điền nhầm ngày, ký nhầm chức danh.
Một chi tiết đáng lưu ý khác là ông Nguyễn Trọng Tài, Trưởng Công an xã Vạn Phúc vào thời điểm đó cũng xác nhận "Đặng Mạnh Thủy không nằm trong danh sách nghi nghiện" do công an xã lập ra để theo dõi và cũng không hề biết việc Thủy bị đưa đi cai nghiện.
Theo luật sư của Đặng Mạnh Thủy, nếu đối chiếu đúng các quy định về cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy thì Thủy không thuộc nhóm đối tượng này. Vì theo điều 2 của Luật Phòng chống ma túy năm 2000, điều kiện cần với một người được coi là "nghiện ma túy" là đã sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện và thuốc hướng thần; điều kiện đủ là phải lệ thuộc vào chất này. Việc xác định ai là người nghiện, theo hướng dẫn trong Quyết định số 57/QĐ/CAHN ngày 15/8/2001 của Giám đốc Công an TP Hà Nội thì người nghiện có biểu hiện thèm muốn mãnh liệt dùng ma túy, khó khăn trong việc kiềm chế sử dụng; khi không dùng ma túy từ 6-18 giờ sẽ xuất hiện hội chứng cai... Và hội chứng cai nghiện được hướng dẫn là: thèm dùng chất ma túy, buồn nôn hay nôn, mất ngủ, hay ngáp vặt, phân lỏng... Nhưng qua xác định và tại nơi Thủy cai nghiện thì anh này đều không có biểu hiện, triệu chứng nào cho thấy bị lệ thuộc vào ma túy.
Theo Thanh Niên, mặc dù gia đình Thủy đã gửi nhiều đơn khiếu nại, kêu cứu đi các nơi, nhưng chính quyền huyện Thanh Trì vẫn không giải quyết cho anh về. Ngày 19/10/2004, UBND xã Vạn Phúc đã mời gia đình Thủy ra bàn bạc và đề nghị với gia đình thời hạn 15 ngày để tiến hành "các thủ tục hành chính" để chấm dứt việc thực hiện quyết định đưa Thủy đi cai nghiện.
Nhưng đến nay vẫn chẳng ai thực hiện. Cực chẳng đã, ngày 18/11/2004, Thủy đã làm đơn khởi kiện Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì ra tòa. Trong đơn khởi kiện, Thủy chỉ đề nghị hủy quyết định của chủ tịch huyện để đưa Thủy về gia đình và bồi thường một khoản tiền rất khiêm tốn là 3,6 triệu đồng, coi như tổng số tiền công trong 72 ngày làm việc của Thủy tại một công ty tư nhân (50.000 đồng/ngày).
Thậm chí, anh này còn viết rõ: "Tôi cam đoan không khiếu nại lên cấp trên trực tiếp của UBND huyện Thanh Trì". Nhưng rất lạ, Tòa án nhân dân huyện Thanh Trì đến nay cũng không chịu thụ lý vụ kiện với lý do: họ chưa có trong tay bản quyết định của Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì về việc buộc Đặng Mạnh Thủy đi cai nghiện bắt buộc. Còn ở huyện Thanh Trì thì người ta cũng cương quyết không chịu "xì" cái quyết định này ra cho gia đình của người bị đưa đi cai nghiện.