Ngọc Phi (quận Bình Thạnh) có một nhóm bạn ba người chơi với nhau rất thân và rất sành điệu từ cái áo, cái tóc, đến chiếc xe, đôi giày… tất cả đều là “hàng độc”.
Ba năm trước một đứa hùng hồn tuyên bố, bây giờ học đại học ở nước ngoài mới là sành điệu. Sau khi tốt nghiệp THPT, người bạn đó đi Australia. Hai tháng sau đứa kia cũng đi Singapore nốt và chế giễu Phi sao còn ở Việt Nam. Thế là Phi về gây áp lực với mẹ, nói rằng nếu không cho đi Singapore du học với bạn, sẽ bỏ nhà đi bụi, hút xì ke…
Mẹ Phi nghe sợ quá, dù nhà không có tiền cũng ráng chạy vạy cho đi. Thế nhưng chạy lắm cũng chỉ được 6.000 USD, đủ để đóng học phí năm đầu. Phi khoát tay, nói mẹ khỏi lo, ăn uống là chuyện nhỏ, qua đó cuối tuần con sẽ đi làm thêm, dư sức lo cho cái ăn. Rồi con sẽ ráng lấy học bổng, mẹ chỉ cần lo năm đầu, sau đó con tự lo được.
Trong khi đó, Tuấn Bảo (quận 3) lại gây áp lực với gia đình bằng một “chiêu” khác. Nhà Bảo khá giả nên chuyện tiền nong không thành vấn đề. Bảo cũng xin mẹ cho đi du học Australia với bạn nhưng bố không cho đi vì lý do Bảo học yếu lại ham chơi, “nhiều đứa khá hơn qua bên đó còn hư hết huống chi con”. Nài nỉ đủ cách vẫn không được, cuối cùng Bảo “tung chiêu”: không cho đi thì con đi nghĩa vụ quân sự. Thế là trúng ngay điểm yếu của bà mẹ. Dù sao Bảo cũng là con trai độc nhất trong gia đình, thương con nên bà về phe con năn nỉ chồng. Ba tháng sau, Bảo đã có mặt ở New Zealand.
Nhiều bạn trẻ khi đã quyết “Tây du” thì sẽ bằng mọi cách đi cho bằng được. Khóc lóc, năn nỉ, bỏ cơm, doạ bỏ nhà đi, doạ tự tử, doạ hút chích đủ kiểu.
Do xuất phát điểm không tích cực đó, các bạn rất dễ “làm mồi” cho các công ty môi giới du học lừa đảo. Kim Anh (ở quậnTân Bình) nghe lời công ty môi giới nói rằng trường kia ở Mỹ là number one, trường đẹp và xịn lắm, không khó đầu vào, có bảo hiểm đầy đủ, giáo viên toàn người Mỹ và bảo đảm tiếng Anh sẽ được học thứ tiếng chuẩn nhất… Vì học không khá nên bạn rất sợ những điều kiện nào là Toefl 550, học lực khá giỏi nên về đòi cho bằng được đi du học trường này.
Đến khi qua đến đó rồi mới té ngửa, trường thì ở nơi hẻo lánh, cơ sở vật chất tồi tàn, có chưa tới 100 học sinh, giáo viên người Mỹ chỉ có hai người, bảo hiểm cũng không… Nhưng lỡ rồi phải đành chịu, vì mới qua có quen ai, muốn đổi trường khác cũng không biết đường nào mà lần. Cũng không dám nói thật với bố mẹ, sợ bị bắt về nước, cứ thế tàng tàng học tiếng Anh, kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, chơi là chủ yếu.
Đến lúc Kim Anh bị bệnh phải nhập viện trong khi chi phí chữa bệnh quá đắt đành phải cầu cứu bố mẹ ở quê nhà thì mọi việc mới vỡ lở ra. Người chị bay qua, nhờ người quen giúp thì Kim Anh mới được chuyển sang một trường công có uy tín hơn và cô phải học lại chương trình trung học từ đầu. Với hai năm uổng phí đó, gia đình Kim Anh đã mất cho cô hơn 35.000 USD.
Còn Ngọc Phi qua Singapore một thời gian cũng kiếm được một chân chạy bàn ở tiệm ăn gần chỗ trọ, đủ để trang trải chi phí ăn uống.
Do Phi không quen làm việc nặng, mà công việc phụ quán ăn chạy suốt ngày nên tối nào về Phi cũng thở không ra hơi, chỉ còn có nước leo lên giường ngủ, bài vở quăng đó. Sức học không đuổi kịp nên Phi không lấy được học bổng. Trong khi đó, gia đình chỉ ráng cho Phi được có một năm thì đuối không lo nổi nữa. Thế là về. Phần sốc, phần buồn và xấu hổ với bạn bè, Phi trốn biệt, không đi học lại cũng không gặp ai. Bạn bè cùng lớp lần lượt ra trường và có việc làm hết còn Phi nằm nhà thất nghiệp hơn hai năm.
Phi tâm sự: “Mình sẽ làm lại từ đầu, rồi sau này có điều kiện sẽ đi du học lại. Mình sẽ không hấp tấp nữa đâu. Dù sao đó cũng là một bài học đầu đời cho sự nông nổi!”. Với vốn tiếng Anh và tin học tích luỹ được, giờ đây Phi đang “nhắm” đến vị trí ở một công ty Nhật trong khu chế xuất Tân Thuận.
“Thế mới biết, nếu không có xuất phát điểm đúng đắn và thông tin về nơi mình sẽ đến học một cách rõ ràng, chính xác thì trời Tây hào nhoáng đâu chưa thấy, bằng quốc tế chưa có mà mình đã tiền mất tật mang. Có lẽ mình sẽ học ở đây. Du học ngay chính trên quê hương mình cũng là một điều đáng tự hào vậy, phải không?”, Kim Anh kết luận khi PV SGTT gặp cô đang tìm hiểu thông tin tại đại học RMIT.