![]() |
Vào các điểm du lịch “bụng”, các du khách nam rất thích được làm... “Tôn Ngộ Không”. |
Đi “tiên phong” trong việc sáng lập ra loại hình du lịch này là các nhà vườn ở 4 xã thuộc đất cù lao Minh của huyện Long Hồ (Vĩnh Long): Đồng Phú, Hòa Ninh, Bình Hòa Phước và An Bình. Từ trung tâm thị xã Vĩnh Long, du khách sẽ qua phà Bình Lương để đến xã An Bình. Tại đây, mọi người sẽ cảm thấy “choáng” khi tận mắt chứng kiến những vườn nhãn và chôm chôm trĩu quả sà xuống hai bên con đường nhựa phẳng phiu chạy dài đến tận thôn ấp. Nếu nhận thấy trước cửa mỗi khu vườn có treo tấm bảng với nội dung “cho tham quan vườn trái cây” hoặc “bán trái cây bụng”, thì du khách biết ngay đó là điểm du lịch “bụng”.
Nếu như ở những điểm tham quan du lịch khác thường bán vé vào cổng, thì tại điểm du lịch “bụng”, du khách được tự do vào cửa. Đứng dưới những rặng chôm chôm đang vào mùa chín mọng, du khách sẽ tha hồ hái và “chén” đến... no bụng thì thôi. Thời gian lưu lại trong vườn cũng do du khách tự quyết định (từ sáng tới chiều). Miễn sao khi rời khỏi vườn, mỗi du khách sẽ trả một khoản tiền cho chủ vườn là 10.000 đồng/ “bụng người lớn” và 5.000 đồng đối với “bụng trẻ em”. Nếu mang trái cây về, chủ vườn chỉ tính giá “gốc” 2.000-2.500 đồng/kg.
Ông Bảy Trinh, một trong những nhà vườn đầu tiên ở ấp An Thới, xã An Bình (Long Hồ, Vĩnh Long) thành lập nên điểm du lịch “bụng”, cho biết trước đây do nhận thấy nhiều du khách là học sinh, sinh viên và cán bộ công chức mong muốn được vào vườn trái cây để tham quan và sinh hoạt tập thể, nên ông đã quyết định treo bảng “bán trái cây bụng” tại vườn. Với diện tích trên 2.500 m2 trồng chôm chôm, mỗi khi vào vụ, vườn của ông Bảy Trinh lúc nào cũng đông nghẹt du khách trong tỉnh và các vùng lân cận đến tham quan. Thậm chí khi đã qua mùa trái cây nhưng nhiều du khách vẫn cứ gọi điện hỏi ông xem là trái cây đã ra trái lại chưa.
Ông tính: “Tôi “bán bụng” cho mỗi du khách là 10.000 đồng, nhưng người nào “ăn giỏi” lắm cũng chỉ 3 kg là... no bụng rồi. Như vậy, những lúc chôm chôm rớt giá xuống còn 1.000-2.000 đồng/kg, thì tôi lãi được khoảng 4.000-6.000 đồng/khách”. Còn theo chị Ngọc Thùy, chủ một điểm du lịch “bụng” ở xã Hòa Ninh: “Những năm gần đây, người làm vườn ở miền Tây cứ luôn phải đối diện với điệp khúc “được mùa mất giá”, nên việc cho khách vào vườn “bán bụng” sẽ giúp chủ vườn vừa tiêu thụ được lượng trái cây tại chỗ, vừa không phải tốn thêm khoản chi phí trả cho nhân công thu hoạch.
Tiếp xúc với PV Người Lao Động, nhiều du khách tỏ ra rất phấn khởi khi được tham quan ở điểm du lịch “bụng”. Anh Khương, nhân viên của một công ty bảo hiểm nhân thọ có văn phòng đặt tại TP Cần Thơ, nói: “Đi làm việc cả tuần lễ nên rất cần thư giãn. Những lúc như thế, tôi rủ một nhóm “bằng hữu” đến điểm du lịch “bụng” ở TP Cần Thơ hoặc Vĩnh Long. Vào đây, chúng tôi không chỉ được tự do hái trái cây theo ý thích của mình, mà còn được hít thở bầu không khí hết sức trong lành, thoáng mát”.
Còn anh Thạch Dũng, một công chức đến từ Trà Vinh, cứ luôn miệng khen ngợi người bạn của mình vì anh này đã... có công phát hiện và giới thiệu với gia đình anh một điểm du lịch “bụng” ở cù lao Minh. Anh tâm sự: “Vào ngày cuối tuần, cả gia đình kéo vào đây thì còn gì hạnh phúc bằng. Theo tôi, mô hình này cần được nhân rộng ra ở nhiều địa phương nữa để đáp ứng nhu cầu của du khách”. Đặc biệt là ý kiến của em Nguyễn Thị Mỹ Hương, sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Vĩnh Long: “Bữa vào vườn chôm chôm ở một điểm du lịch “bụng”, tụi em ăn đến... no nê. Riêng đám bạn trai, khi vào vườn trái cây thì cứ leo trèo trông chẳng khác nào “Tôn Ngộ Không”. Thật là vui hết biết!”.
Thời gian đầu “khai trương”, các điểm du lịch “bụng” ở miền Tây chỉ phục vụ duy nhất món trái cây. Tuy nhiên, do lượng du khách ngày càng đông nên các nhà vườn đã phát triển thêm một số dịch vụ “ăn theo” hết sức dân dã nhưng giá cả cũng rất... nhà vườn, như: cá tai tượng chiên xù, cháo cá lóc ăn với rau đắng... và các loại nước giải khát. Ngoài ra, hiện nay nhiều nhà vườn đã áp dụng các biện pháp cho cây ra trái nghịch mùa hoặc siết nước cho các liếp cây trong cùng một vườn ra trái theo từng đợt để kéo dài thời gian phục vụ khách tham quan.