Bức ảnh ghi lại hành động này được đăng lên Facebook cuối tháng 5, cho thấy một bé gái khoảng 4 hoặc 5 tuổi đang đi tiểu trên lối đi gần sảnh ngai vàng Chakri Maha Prasat trước sự chứng kiến của cha mẹ. Người chụp bức ảnh cho biết gia đình này có thể đến từ Trung Quốc, theo kênh Morning News TV3 của Thái Lan. Người cha trong bức ảnh cũng đeo balo mang thương hiệu quốc gia này.
Nhiều người bày tỏ sự tức giận và phẫn nộ dưới phần bình luận. "Không thể tin được, họ làm điều đó ngay ở Cung điện Hoàng gia linh thiêng", một người dùng viết. Trong khi đó, một tài khoản đến từ Trung Quốc bình luận: "Là một người Trung Quốc, tôi cũng xấu hổ vì một số khách du lịch không xả bồn cầu, khạc nhổ xuống đất, nói to và xả rác khắp nơi".
Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Sermsak Pongpanit gọi hành động này là "không phù hợp". Ông nói thêm rằng đã yêu cầu các cơ quan liên quan điều tra vụ việc này, theo Bangkok Post. Hành vi này có thể bị phạt theo mục 112 của bộ luật hình sự Thái Lan, theo đó, bất kỳ ai bị kết tội xúc phạm chế độ quân chủ đều có thể bị phạt tù từ 3 đến 15 năm.
Trước đó, năm 2015, một du khách Trung Quốc bị cáo buộc đá chuông cổ tại các địa điểm du lịch Thái Lan để nghe âm thanh, khạc nhổ trên vỉa hè. Giữa tháng Ba, vụ việc một du khách Trung Quốc đổi chai nước cũ lấy bình lưu niệm mới tại Bảo tàng tại Anh cũng gây phẫn nộ. Bộ Ngoại giao nước này thường xuyên đưa ra thông báo nhắc nhở công dân chú ý đến cách cư xử khi đi du lịch nước ngoài.
Mới đây, một ngôi chùa ở Thái Lan đã phải gắn cảnh báo bằng tiếng Trung: "Du khách Trung Quốc, hãy giữ sạch sẽ" trong nhà vệ sinh, gây tranh cãi vì phân biệt đối xử với du khách.
Sảnh ngai vàng Chakri Maha Prasat là một phần của Cung điện Hoàng gia ở Bangkok, nơi ở trước đây của Hoàng gia Thái Lan, hiện nay thường được sử dụng cho các nghi lễ và sự kiện quốc gia. Đây là một trong những điểm du lịch nổi tiếng và quan trọng nhất của đất nước.
Cung điện Hoàng gia Thái Lan, còn được gọi là Đại Hoàng Cung, tọa lạc tại thủ đô Bangkok, được xây dựng từ năm 1782 dưới thời vua Rama I. Đây là trung tâm chính trị và tôn giáo của Thái Lan sau khi vua Rama I dời đô từ Thonburi về Bangkok.
Trải qua nhiều triều đại, cung điện được mở rộng và hoàn thiện với nhiều công trình kiến trúc độc đáo, thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc truyền thống Thái Lan và ảnh hưởng phương Tây. Quần thể cung điện rộng lớn với diện tích 1,5 km2 bao gồm nhiều khu vực, cung điện, đền chùa, trong đó có ngôi chùa Phật Ngọc (Wat Phra Kaew) - nơi lưu giữ bức tượng Phật Ngọc bích linh thiêng nhất Thái Lan.
SuZi Nguyễn (Theo Bangkok Post, Morning News TV3)