Monica Humphries, một du khách đến từ Mỹ, có chuyến đi kéo dài hai tuần tới Nhật Bản. Xứ sở mặt trời mọc gây ấn tượng với cô bởi đồ ăn địa phương, phương tiện di chuyển nhưng điều khiến Monica thích thú nhất lại là căn phòng vệ sinh ở một vùng nông thôn.
"Trước khi đến Nhật Bản, một chiếc bồn cầu ấm áp sẽ khiến tôi ngần ngại vì đó là dấu hiệu cho thấy có người vừa sử dụng bồn cầu xong. Nhưng việc này ở Nhật lại được xem là bình thường bởi bồn cầu luôn được gắn hệ thống sưởi tiên tiến. Bồn cầu sưởi xuất hiện khắp nơi ở Nhật, từ những khách sạn sang trọng tới những quán bar bình dân. Là một người lớn lên ở Mỹ, tôi lần đầu tiên sử dụng chúng. Sau khi trở về từ Tokyo, tôi đã tìm kiếm để mua một thiết bị tương tự cho nhà vệ sinh của mình", cô nói.
Đây không phải là thứ duy nhất Monica yêu thích trong nhà vệ sinh Nhật Bản. Người sử dụng toilet tìm thấy một bảng menu gồm nhiều lựa chọn cho trải nghiệm của mình như cường độ dòng chảy, nhiệt độ nước, góc của dòng chảy, ngoài ra còn có nút sấy khô, xả nước. Đó chỉ là những chức năng cơ bản. Ở những nơi sang trọng hơn, Monica còn tìm thấy máy tạo tiếng ồn trắng, chế độ khử mùi không khí, tự làm sạch hay đèn ngủ. "Sự phổ biến của những toilet kiểu này đi đôi với một xã hội coi trọng sự vệ sinh", cô nói.
Bill Strang, Giám đốc chiến lược của một công ty thiết bị vệ sinh Nhật tại Mỹ, cho biết người Nhật ưu tiên tắm rửa và cảm giác sạch sẽ. Nhà vệ sinh của họ phản ánh điều đó. Họ không chỉ cần một bồn cầu sạch sẽ mà phòng tắm cũng cần "sạch không tỳ vết".
Không chỉ choáng ngợp với phòng vệ sinh, Monica còn rất mê các nhà tắm công cộng ở Nhật. Khi ở Mỹ, cô luôn tránh dùng bằng mọi giá. "Hồi tôi sống ở New York, một số ga tàu điện ngầm và công viên có phòng tắm công cộng nhưng những nơi này luôn lộn xộn. Ở nhiều quán bar và nhà hàng, rác thải trên sàn, hình vẽ bậy trên tường và mùi hôi thối kinh khủng. Tình trạng tương tự ở Denver, Colorado, nơi tôi đang sống", nữ du khách cho biết.
Nhưng khi đến Nhật, cô không hề đắn đo khi bước vào phòng tắm công cộng. Các ga tàu điện ngầm có phòng tắm thường sạch bong và khô ráo. Còn với các nhà tắm trong khách sạn, nhà nghỉ thì chất lượng tốt hơn nhiều. Monica đã có cuộc trò chuyện với chủ các nhà trọ ở Tokyo và được biết phòng tắm trong các căn hộ ở đây thường có ít nhất hai buồng. Buồng đầu tiên có bồn rửa, là nơi cởi quần áo trước khi tắm. Buồng thứ hai có vòi sen và bồn tắm. Nhà vệ sinh thường đặt ở buồng đầu tiên hoặc trong một căn phòng riêng biệt. Mục đích là mô phỏng các nhà tắm truyền thống của Nhật.
Trong hai tuần ở quốc gia này, Monica đã nghỉ lại hai căn nhà có phòng tắm kiểu này và ở đó có tích hợp một số công nghệ phục vụ việc thư giãn. Căn hộ đầu tiên rộng 285 mét vuông ở Tokyo với giá chỉ 800 USD một tháng, gồm hai buồng tắm riêng biệt. Ở buồng có vòi sen và bồn tắm, chủ nhà trang bị một bảng điều khiển cho phép người dùng có các cài đặt khác nhau như tỏa nhiệt giống như phòng tắm hơi. Căn hộ thứ hai ở Kyoto được trang bị bồn tắm thiết kế phức tạp hơn. Dù không hiểu tiếng, Monica vẫn sử dụng được bảng điều khiển cài đặt nhiệt độ nước chính xác, thời gian nước xả đầy bồn, kiểm soát mực nước. Với các căn hộ khác, dù tiện tích nhỏ, kiến trúc sư vẫn ưu tiên dành cho phòng tắm.
"Trở về Mỹ, tôi không có phòng tắm hơi tại nhà, phải liên tục chuyển đổi giữa vòi nước nóng và lạnh. Tôi nhớ mãi về phòng tắm ở Nhật nhiều tháng sau đó", nữ du khách nói.
Hà Nguyên (Theo Insider)