Nguyễn Ngọc Linh, sinh viên hệ Thạc sĩ, ngành Quản lý Truyền thông Doanh nghiệp, Học viện Quản lý doanh nghiệp (IAE Aix en Provence, Pháp), cho biết: "Việc đánh giá thày được sinh viên tại đây thực hiện rất nghiêm túc, có trách nhiệm, công bằng".
![]() |
Sinh viên hệ Thạc sĩ, ngành Quản lý Truyền thông Doanh nghiệp, Học viện Quản lý doanh nghiệp (IAE Aix en Provence). |
Cuối mỗi kỳ học, sinh viên phát một quyển sổ đánh giá giảng viên. Trong đó, mỗi trang ghi rõ tên giáo viên, môn học, thời gian học, kèm điểm số từ 1 đến 5 với các nội dung: Khả năng truyền đạt kiến thức của giảng viên, hàm lượng thông tin trong chương trình, tính hữu ích của môn học với công việc trong tương lai của sinh viên, thời lượng học ít hay nhiều, giảng viên có cởi mở, thân thiện với sinh viên không?... Sau đó, sinh viên sẽ cho điểm tổng quan chung.
Ví dụ: Kèm theo câu hỏi: Thái độ giảng dạy của giảng viên là những điểm số 1, 2, 3, 4, 5. Sinh viên sẽ khoanh vào số điểm mình chọn. Trong đó, điểm 1 là rất chán; điểm 2 là kém, điểm 3: trung bình, điểm 4: tốt và điểm 5 tuyệt đối thì “miễn chê”.
Tuy nhiên, sinh viên Pháp khá khắt khe, ít “chấm” cho giảng viên 5 điểm. Giảng viên dạy tốt thường được 4 điểm (có thể được 4 điểm về nội dung giảng dạy nhưng chỉ được 3 điểm về phong cách giảng dạy, sự dễ hiểu…).
Phía dưới (khoảng 1/2 trang) của trang đánh giá là phần để sinh viên nhận xét thêm. Thường ở mục này, các sinh viên Pháp đưa ra ý kiến khá dài, chi tiết và rất thẳng thắn.
Sinh viên nước ngoài phân biệt rất rõ việc công - tư. Việc đánh giá ở đây là đánh giá về môn học, phương pháp giảng dạy của người dạy, chứ không phải đánh giá con người giảng viên đó, vì thế không có chuyện yêu ghét để cho điểm không công bằng đối với giảng viên.
Việc đánh giá được tiến hành 1 lần/kỳ. Sinh viên không phải điền tên vào quyển sổ (tất nhiên nếu muốn thì vẫn có thể công khai danh tính). Cuối học kỳ, sinh viên nộp sổ đánh giá về văn phòng khoa. Nhân viên sẽ tổng hợp lại và thông báo cho giảng viên và dựa trên cơ sở đó để điều chỉnh chương trình học, cũng như thay đổi giảng viên (nếu cần) cho phù hợp.
Bên cạnh hệ thống đánh giá theo "sổ chấm điểm", sinh viên cũng có thể trực tiếp yêu cầu họp lớp với trưởng khoa để phản ánh về một môn học nào đó không phù hợp, hoặc giảng viên dạy chưa tốt.
Năm ngoái, lớp tôi học có một giảng viên nữ. Theo kế hoạch, cô ấy đứng lớp 3 môn học. Sau khi kết thúc 2 môn đầu tiên, giảng viên này bị đánh giá là "không đạt yêu cầu" đối với bộ môn Lý thuyết Truyền thông. Trước sự phản đối của sinh viên, trưởng khoa đã phải xin lỗi và giảng viên này sau đó phải nghỉ dạy ở môn học trên.
Tôi luôn nhấn mạnh rằng, việc "trò chấm điểm thày" ở nơi tôi học không dừng lại ở việc đánh giá thày, mà còn là sự phản hồi về môn học, thông qua các câu hỏi: Bạn đánh giá thế nào về sự cần thiết của môn học này đối với công việc tương lai? Thời lượng của môn học như thế có đủ không? Nội dung của môn học có cần thiết cho bạn?...
Việc đánh giá này giúp sinh viên khóa sau được hưởng lợi vì những bất cập sẽ được khắc phục kịp thời. Sự phản hồi cũng là động lực tác động giảng viên luôn cố gắng hoàn thành tốt bài giảng.
Trần Sơn Tùng, sinh viên năm cuối ngành Công nghệ Thông tin, Đại học Công nghệ Nanyang Singapore (NTU), cho hay: "Ở nơi tôi học, hàng năm, trường đều trao giải cho những giảng viên giảng dạy tốt nhất mà một phần là dựa trên những đánh giá của sinh viên".
Lớp Tùng có 20 sinh viên (học thực hành). Mỗi môn học có hai giảng viên thay nhau đứng lớp. Cứ hết học kỳ, sinh viên được cấp một “bảng phỏng vấn” về các vấn đề như: Kiến thức giảng viên mang lại, sự nhiệt tình giảng dạy, khả năng sư phạm, giao tiếp của thày?…
Mỗi vấn đề có những lựa chọn như yếu, kém, trung bình khá, khá, giỏi, xuất sắc để người học chọn. Môn học nào, sinh viên cũng có quyền “phản hồi” như vậy.
Sinh viên nộp đánh giá cho trưởng khoa, sau đó sẽ có người tổng hợp và thông báo lại cho giảng viên. Nếu giảng viên liên tục bị đánh giá không tốt thì sẽ phải nghỉ dạy từ học kỳ sau.
"Theo tôi, ở Việt Nam nên áp dụng việc "trò đánh giá thày". Như thế, thày sẽ biết bài giảng của mình còn thiếu gì để cung cấp cho trò, cũng như luôn nhiệt tình và cởi mở trong giảng dạy", Tùng nói.
Bảng hỏi có thể bao quát các vấn đề như: Cách truyền đạt, giao tiếp, khả năng sư phạm... của giảng viên; Sự cần thiết của môn học; Thời lượng của môn học... kết hợp với phần để trống để sinh viên được nêu các kiến nghị, đề xuất khác.
Đặng Thị Mai Hương, sinh viên Khoa Văn triết, ĐH Quốc gia Buenos Aires (Argentina) nói: "Trong trường tôi, vai trò của giáo viên là đưa ý kiến và định hướng, sau đó để sinh viên tự tranh luận. Nếu sinh viên có ý kiến phản biện bài giảng của người dạy, có thể nêu trực tiếp ý kiến ngay tại buổi học và cùng giảng viên tranh luận.
Về việc đánh giá giảng viên, mỗi trường có một phương pháp khác nhau. Ở trường tôi, mỗi khoa có một nhóm sinh viên đại diện, khi có ý kiến phản hồi của sinh viên về một giảng viên nào đó “có vấn đề” trong giảng dạy, nhóm sinh viên trên có nhiệm vụ kiểm tra lại và đưa ra những kết luận. Nếu thấy phản ánh của sinh viên là đúng, họ sẽ làm việc trực tiếp với trưởng khoa để tìm ra giải pháp tối ưu nhất. Kết quả sẽ được công bố công khai trên bản tin của khoa.
Để chọn ra nhóm sinh viên trên, mỗi năm chúng tôi đều mở một cuộc bỏ phiếu trong toàn khoa. Năm ngoái, có 2 nhóm tự đứng ra tranh cử và hùng biện, sau đó để sinh viên trong khoa bỏ phiếu lựa chọn.
Ở trường tôi học, các thày cô khá thỏa mái và cầu thị. Họ luôn biết lắng nghe sinh viên và sẵn sàng thay đổi nếu thấy phản hồi của sinh viên là đúng. Chúng tôi có thể vừa ăn bánh, uống trà và tranh luận, vì thế, không khí làm việc rất dễ chịu".
(Theo Tiền Phong)