Trong thư gửi Thanh Niên, một độc giả là Việt kiều, viết: "... Tuy vậy không phải em nào đi du học cũng chịu khó học hành đàng hoàng. Không ít em học lực tầm tầm, ý chí tiến thủ chưa cao nhưng được gia đình giàu có đẩy đi du học cho tròn nghĩa vụ, lại được tiếng sang. Sau một thời gian, một số em trong nhóm này chỉ rành về việc thụt bi-da, ăn chơi, tiêm nhiễm những thói hư tật xấu mà chính người nước ngoài cũng lánh xa.
Mặt khác, lại có trường hợp của các em thuộc gia đình còn khó khăn, ráng lắm mới đưa được đứa con đi du học. Các em cũng ý thức rất rõ điều đó nên cố gắng học hành hết mình. Nhưng chính điều đó lại làm cho các em lo lắng quá mức, bỏ quá nhiều thời gian đi làm thêm đỡ đần bớt gánh nặng cho gia đình. Kết quả học tập vì vậy cũng khó bằng người.
Những điều tốt hoặc chưa tốt của việc du học, tôi thấy nhiều người đã nói rồi. Chỉ xin nêu ra ở đây một số kinh nghiệm du học cho có kết quả tốt.
Nhiều sinh viên cũ của tôi thường e-mail xin ý kiến về du học. Tôi thường khuyên các em nên bắt đầu ở những nơi gần nước ta, chi phí không đắt lắm, như Singapore chẳng hạn để du học. Trình độ các đại học châu Á ngày nay không thua kém Âu Mỹ ở cấp cử nhân. Chỉ ở trình độ hậu đại học thì ai cũng phải nhìn nhận Mỹ là số một; Nhật Bản và Tây Âu cũng tốt. Nhưng đó là chuyện về sau, khi đã đi ra được một đại học nước ngoài, các em sẽ có trước mặt con đường mở rộng, muốn tiến xa không khó.
Đây là một kinh nghiệm khác về thực tập. Tôi biết một em học hành khá, xong “bachelor” (cử nhân) rồi học tiếp “master” (thạc sĩ) đều kết quả tốt. Chỉ do em thường được về thăm gia đình mỗi kỳ nghỉ hè, không có thì giờ thực tập hoặc đi làm thêm về chuyên môn nên ra trường cứ ghi danh xin việc dài dài, không mấy kết quả. Kinh nghiệm sinh viên tại chỗ, ngay từ năm học áp chót đã lo viết “resume” (lý lịch chuyên môn) gửi đi khắp nơi xin việc. Nơi nhận việc rất chú ý đến kinh nghiệm thực tập hoặc hoạt động ngoài chương trình học. Sinh viên ở đây đến mùa hè hoặc nghỉ dài ngày là xông xáo đi làm thêm (nếu được làm nơi có ngành chuyên môn của mình thì càng tốt). Sinh viên mình chưa quen hoặc ít xông xáo về mặt này như sinh viên tại chỗ. Thời gian học tập mấy năm trời cũng không nhiều nhặn gì, nên để cho các em tập bươn chải ở xứ người cho quen thì tốt hơn.
Một việc khác người trong nước hay thắc mắc là phải chăng nước ngoài thu hút hết nguồn chất xám quý giá của ta. Tôi có thể nói thẳng rằng nước ngoài chỉ sử dụng nhân tài, người mình có giỏi giang đó, nhưng không phải ai cũng là nhân tài, người ta không cần mình lắm đâu! Du học tự túc là một sự đầu tư riêng của gia đình, tôi nghĩ việc lựa chọn ở lại hoặc quay về là chuyện riêng tư của gia đình. Nên chăng ta vẫn phải tôn trọng quy luật “Thóc ở đâu bồ câu đến đó”. Nhưng tôi vẫn nghĩ “lá rụng về cội”, trước sau gì các em cháu cũng sẽ quay về, với một hành trang hữu ích hơn.
Các nước khác cũng có vấn đề tương tự như ta. Nhưng người đỗ đạt các nước không vội quay về ngay khi mới giật được mảnh bằng mà cố tình nán lại tìm nơi thực tập. Các sinh viên xuất sắc Ấn Độ, Trung Quốc hoặc Hàn Quốc đều tìm cách ở lại làm việc để rút tỉa kinh nghiệm nghề nghiệp. Sau một thời gian, phần lớn họ đã quay về và thật sự đóng góp đưa đất nước mình hội nhập nhanh vào thế giới tiên tiến.